TP – Dù có đơn hàng, song doanh nghiệp (DN) phía Nam vẫn phải đối mặt nhiều thách thức khi đơn hàng giá trị thấp chiếm phần nhiều, bị ép giá, thiếu lao động, xuất hiện hàng rào kỹ thuật mới…
Những tháng cuối năm, mặc dù đã ký được hợp đồng xuất khẩu với nhiều đối tác ngoại nhưng ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) vẫn chưa thể vui. Ông Quang Anh nói rằng, muốn tuyển thêm lao động để đảm bảo tiến độ đơn hàng nhưng rất khó. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao buộc DN phải chấp nhận biên lợi nhuận rất thấp để duy trì hoạt động.
DN ngành gỗ cũng chấp nhận giảm lợi nhuận trên từng đơn hàng để nhà máy duy trì hoạt động và phát triển lâu dài. Ông Trần Quốc Mạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Sadaco cho biết, công ty không còn dồn sức vào các đơn hàng dài hạn như trước đây, thay vào đó làm các đơn hàng ngắn hạn; sẵn sàng làm hàng mẫu theo yêu cầu của khách hàng. “Xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc tham gia xúc tiến thương mại sẽ giúp DN cập nhật xu hướng mới, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có những chiến lược kinh doanh phù hợp” – ông Mạnh cho biết.
Vấn đề thiếu lao động làm đau đầu nhiều DN ở tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Thành Công (chuyên sản xuất hàng nội thất) cho biết, cần tuyển hàng trăm lao động phổ thông, không yêu cầu kinh nghiệm, đảm bảo lương, thưởng đầy đủ. Tuy nhiên, hơn hai tuần ra thông báo, đến nay chỉ có vài người đến nộp hồ sơ. Theo ông Thành, số lao động đã về quê không trở lại, số ở lại đã ổn định nơi làm cũ.
Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho biết, địa phương đang rất thiếu lao động do sau dịch COVID-19, gần 60.000 lao động đã dịch chuyển đến các nơi khác ở miền Bắc, miền Trung.
Theo các DN, thị trường đang trở nên “khó tính”, buộc họ phải thay đổi để tồn tại. Nhiều thị trường nhập khẩu đang đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương. Điều này buộc những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Bình Dương như gỗ, dệt may… phải cấp thiết chuyển đổi.
Bà Lê Thị Xuyến- Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Thuận An (Bình Dương) cho biết, đơn hàng ít dẫn tới mặt bằng giá đầu ra thấp, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Hiện nay, thời gian đặt hàng cũng ngắn lại. Nếu như trước đây 90 ngày mới xuất hàng, thì nay đối tác yêu cầu rút lại tối đa 55 ngày. Theo bà Xuyến, tính bền vững, chuyển đổi xanh trong sản phẩm gỗ không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc.
“Công ty vừa tăng ca vừa nhập khẩu thêm dây chuyền hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về kỹ thuật và mỹ thuật. Máy móc hiện đại mới đảm bảo độ chính xác cao nhưng vẫn tăng năng suất và giảm công lao động. Giá tốt mới giúp công ty cạnh tranh được” – bà Xuyến nói. Sản phẩm tự thiết kế vẫn được khách hàng ưu tiên hơn và là con đường tất yếu để tăng giá trị gia tăng. Song đây cũng là điểm yếu của nhiều DN gỗ vì hiện gia công là chủ yếu.
Ăn đong
Công nhân sản xuất trong nhà máy ở Bình Dương Ảnh: H.C |
Ông Phạm Xuân Hồng-Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, những tháng cuối năm 2024, ngành dệt may có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại 15 – 20%. Đây là tín hiệu vui với DN dệt may. Tuy nhiên, dù có đơn hàng nhưng DN dệt may gặp một số khó khăn như chi phí tăng cao, đặc biệt khó khăn trong tuyển dụng lao động. “Thời điểm này, đa số DN dệt may đã có kế hoạch sản xuất đến tháng 12 và đang chuẩn bị cho năm 2025. Để có đơn hàng ổn định, DN dệt may phải đầu tư máy móc, thiết bị, nguồn nguyên phụ liệu, đặc biệt là chăm sóc tốt cho đội ngũ người lao động” – ông Hồng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Da Giày TPHCM, những tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu giày dép của DN vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc như mong muốn. Mặt tích cực là DN da giày chủ yếu làm gia công nên không lo đầu ra. Tuy nhiên, giá nguyên phụ liệu tăng, lương người lao động đã tăng trong khi giá hàng gia công không tăng, DN rất khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nói rằng, các DN trên địa bàn đang đối mặt với tình trạng có đơn hàng nhưng giá lại không tốt, do họ đang ở thế cần đơn hàng. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật mới gia tăng chủ yếu xoay quanh các tiêu chí xanh, yêu cầu khả năng đáp ứng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đơn hàng chủ yếu đến từ khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đơn hàng DN Việt vẫn phải… ăn đong. “Các DN Việt đang gặp hai bất lợi là đơn hàng đang bị ép giá và các hàng rào kỹ thuật mới, DN vẫn chạy ăn từng bữa với từng đơn hàng một” – ông Hòa nói.
Theo Cục Thống kê TPHCM, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng số DN thành lập mới tăng 1,6% so với cùng kỳ nhưng vốn đăng ký giảm 13,9%, quy mô vốn/DN giảm 15,2%. Số DN tham gia vào thị trường tăng 4,6%, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 6,2%. “Cứ 100 DN tham gia vào thị trường thì có 56 DN rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy các DN mới tham gia thị trường chủ yếu là DN vừa và nhỏ, trong khi các DN rút lui đa phần có quy mô lớn hơn. Tâm lý nhà đầu tư hiện vẫn còn thận trọng, nhiều DN chưa sẵn sàng mở rộng quy mô kinh doanh” – ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM nhìn nhận.
Linh hoạt ứng biến
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, bên cạnh việc nắm bắt tình hình lao động việc làm, đơn vị cũng phối hợp với công đoàn cơ sở và DN thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi người lao động. Cùng với đó, tăng cường giới thiệu việc làm cho những lao động bị cắt giảm, mất việc làm, giúp họ sớm trở lại thị trường lao động.
Bà Phan Lê Diễm Trang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho rằng, trước những khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh, DN dệt cần nâng cấp công nghệ, sẵn sàng đáp ứng việc thực thi các yêu cầu mới như năng lượng xanh, chuyển đổi số.
Theo bà Nguyễn Thúy Hằng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp – Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, ngành công thương tích cực hỗ trợ DN áp dụng quy trình 5S (sắp xếp, sắp đặt, sạch sẽ, sáng suốt, tự giác) trong quá trình sản xuất để xây dựng, duy trì môi trường làm việc thân thiện, sạch sẽ, an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực đã giúp tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc, một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh có lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng, có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Tỉnh đã chủ động liên hệ, làm việc với nhiều tỉnh, thành để ký kết hợp tác cung ứng, tuyển dụng lao động cho DN.
Nguồn: https://tienphong.vn/co-don-hang-doanh-nghiep-van-chay-an-tung-bua-post1678956.tpo