Tại văn bản hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT đã công bố danh mục các phương thức xét tuyển năm 2024.
Theo đó, có tổng cộng 20 phương thức xét tuyển, gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức; thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức; sử dụng kết quả thi văn hóa do cơ sở đào tạo khác tổ chức.
Bên cạnh đó là các phương thức kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT; kết hợp chứng chỉ quốc tế với tiêu chí khác; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài; kết hợp phỏng vấn với tiêu chí khác; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn; sử dụng phương thức khác.
So với năm 2023, một số phương thức đã có chút thay đổi, chẳng hạn năm 2023 mã phương thức 408 là “chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển thì năm 2024 đổi thành “kết hợp chứng chỉ quốc tế với các tiêu chí khác”, hay mã phương thức 412 là “qua phỏng vấn” thì năm 2024 đổi thành “kết hợp phỏng vấn với tiêu chí khác”.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, mỗi trường thường sử dụng từ 4-5 phương thức xét tuyển, trong đó, phổ biến nhất vẫn là xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng.
“Các em nên tận dụng các phương thức xét tuyển sớm để giảm bớt áp lực lên kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là phương thức xét điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực. Hiện nay nhiều trường đang nhận hồ sơ. Nếu trúng tuyển có điều kiện (phải tốt nghiệp THPT) bằng các phương thức này vào đúng ngành, trường mà các em yêu thích thì các em sẽ không cần phải xét điểm thi tốt nghiệp THPT nữa. Chỉ cần đăng ký ngành đã trúng tuyển làm nguyện vọng 1 lên hệ thống của Bộ GD-ĐT là các em trúng tuyển”, tiến sĩ Hải lưu ý.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cũng cho rằng thí sinh nên tham gia xét tuyển sớm bằng học bạ, bằng điểm thi đánh giá năng lực để chắc suất vào ĐH, thay vì phải chờ đợi có điểm thi tốt nghiệp THPT vì chưa chắc kết quả thi đã đúng như mong đợi.
“Dù các em xét tuyển và trúng tuyển bằng phương thức nào thì chương trình đào tạo, học phí, bằng cấp đều như nhau, không có sự phân biệt”, thạc sĩ Nguyên chia sẻ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên thí sinh nên đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để biết ngành học, trường mà mình muốn đăng ký đang sử dụng những phương thức nào, thời gian nộp hồ sơ ra sao… để có kế hoạch và quyết định chọn phương thức xét tuyển phù hợp.
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-den-20-phuong-thuc-xet-tuyen-thi-sinh-nen-chon-phuong-thuc-nao-185240505140848565.htm