Không ngại khám phá vùng đất mới
Năm 2003, chị Lê Thị Hải Yến (41 tuổi, quê gốc ở TP.HCM) và 2 con gái (con chung với người chồng quốc tịch Pháp đã ly dị) sang Pháp định cư. Hai năm sau, chị quen và nên duyên vợ chồng với ông xã hiện tại. Chị có thêm 2 con trai, con thứ nhất năm nay học lớp 9, con thứ hai mới 2 tuổi.
Vợ chồng chị từng sống ở TP.Marseille (Pháp) 10 năm rồi chuyển đến TP.Toulouse để chồng mở công ty riêng. Công việc của ông xã phải đi lại nhiều nước thường xuyên nên chị và các con cũng theo chủ nghĩa “dịch chuyển”.
“Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, việc đi qua nước ngoài rất khó khăn. Với những nước có cấp độ dịch chuyển sang màu đỏ, vợ chồng tôi không thể qua được. Lúc đó cả hai tính đi qua Bờ Biển Ngà nhưng một tuần trước khi khởi hành thì nước này chuyển sang cấp màu đỏ nên không thể qua. Ở châu Phi, Senegal là một trong 2 nước có cấp độ dịch màu xanh nên cả nhà quyết định sang đó”, chị nhớ lại.
Những tưởng quyết định xê dịch cùng chồng sang châu Phi sẽ có nhiều khó khăn với cô dâu Việt thế nhưng thực tế lại khá thoải mái.
“Khi mới qua tôi hơi ngỡ ngàng về cơ sở vật chất ở Senegal. Cuộc sống của người dân khá đơn giản, dân cư ở những nơi xa còn chưa có điện, nước, chỉ những người ở thành phố lớn hoặc giàu có mới có”, cô dâu Việt nói.
Vài tuần sau khi đến đất nước mới, người phụ nữ bắt đầu đi chợ bằng xe máy hoặc xe ngựa. Để kiếm đồ ăn và nguyên liệu của Việt Nam ở đây rất khó, những loại trái cây vùng nhiệt đới không nhiều. Gia đình chị mua một căn nhà gần bờ biển đúng sở thích và có ý định sẽ gắn bó lâu dài ở đây.
Giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến thực khách Senegal
Chị Yến tập thích nghi với cuộc sống mới qua các món ăn. Chị thấy người bản địa thường lấy lá dâm bụt nấu canh, lấy hoa ngâm nước uống. Người phụ nữ cũng làm thử, lúc đầu ăn rất lạ miệng nhưng dần dần ăn quen thì thấy hay.
“Nơi tôi sống cách thành phố chính của Senegal khoảng 80km, ở đó có nhà hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiếm bánh tráng, nước mắm cũng rất khó vì cộng đồng người Việt sống ở đây ít. 8 tháng, tôi không thể kiếm được nước mắm, có những nguyên liệu tôi phải đưa từ Pháp sang. Ngoài những món ăn mới, trong các bữa ăn đều xuất hiện những món ăn thuần Việt”, bà mẹ 4 con bộc bạch.
Ngoài người bản địa, Senegal cũng có rất nhiều người châu Âu đến sống và làm việc. Khu chị sống không có quán ăn Việt Nam nên chị thường nấu món truyền thống và mời mọi người đến dùng bữa nhằm tăng cường kết nối.
Trong một lần, người bạn Pháp khen tay nghề nấu ăn và ngỏ ý muốn chị đến nấu cho một nhà hàng gần đó. Chị đồng ý và mỗi tháng đến nhà hàng nấu ăn một lần. Ở Senegal phổ biến “nhà không số, phố không tên” nên chị không thể làm tại nhà để bán online. Chị thường lên thực đơn sẵn để thực khách gọi món.
“Gỏi cuốn, chả giò, thịt kho tàu… là những món người dân ở đây rất thích ăn. Lần đầu tiên tôi làm cho khoảng 40 người và thành công khi họ khen rất nhiều. Tôi vẫn nhớ có lần làm món chè khoai dẻo, nhiều người cứ nghĩ tráng miệng sẽ là những loại bánh, bơ sữa… nhưng không ngờ nguyên liệu chính là củ khoai. Lần khác có món kem chuối, họ ăn cũng rất ngạc nhiên. Nhìn họ thưởng thức những món ăn do chính tay mình chế biến, tôi rất vui”, chị chia sẻ.
Cũng theo chị, các nhà hàng ở Senegal khá đắt đỏ, lên đến 20.000f/món, tương đương 30 euro vì nguyên liệu, chi phí cao.
“Ẩm thực ở Senegal có khoảng 8 – 10 món chính. Ẩm thực Việt khiến tôi tự hào và tôi muốn giới thiệu các món ăn đến nhiều nước hơn nữa”, cô dâu Việt tâm sự.