(CLO) Tòa án Tối cao Massachusetts (Mỹ) đã ra phán quyết buộc một cô dâu “hụt” phải trả lại chiếc nhẫn đính hôn trị giá 70.000 USD (hơn 1,77 tỉ đồng) cho vị hôn phu cũ của mình.
Tòa án Tối cao Massachusetts đã đứng về phía Bruce Johnson trong cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm với bạn gái cũ Caroline Settino. Johnson đòi lại chiếc nhẫn đính hôn đắt tiền sau khi hủy hôn.
Tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng, buộc Caroline Settino phải trả lại chiếc nhẫn đính hôn cho Bruce Johnson, chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm về quyền sở hữu tài sản cá nhân sau khi mối quan hệ kết thúc.
Theo quyết định của tòa án, họ đã cập nhật cách tiếp cận các vụ kiện liên quan đến nhẫn đính hôn để phù hợp với xu hướng pháp lý hiện tại. Cụ thể, tòa công nhận rằng nhẫn đính hôn được xem như một món quà có thể được đòi lại trong trường hợp hôn nhân không thành.
Luật sư của Caroline Settino đã thẳng thắn nói rằng phán quyết thật “đáng thất vọng” và cho rằng “việc coi chiếc nhẫn đính hôn như một món quà có thể lấy lại là quan niệm lỗi thời”.
Trước đây, khi lời hứa hôn nhân bị hủy bỏ, người phụ nữ có thể kiện người yêu cũ về tội “làm tổn thương họ”. Tuy nhiên, vào những năm 1930, các bang ở Mỹ đã bắt đầu bãi bỏ loại khiếu kiện này. Và hiện nay, các vụ kiện đòi lại nhẫn đính hôn là một trong những loại kiện tụng duy nhất còn sót lại liên quan đến việc hủy hôn mà các tòa án Mỹ công nhận.
Hầu hết các tiểu bang ban đầu đã áp dụng theo phán quyết của tòa án Massachusetts năm 1959, theo đó người tặng nhẫn đính hôn có quyền đòi lại nhẫn nếu họ không phải là người trực tiếp gây ra việc hủy hôn.
Vào năm 2017, cuộc hôn nhân giữa Johnson và Settino đã tan vỡ khi ông phát hiện những tin nhắn đáng ngờ trên điện thoại của vị hôn thê của mình, và nghi ngờ rằng cô này đang ngoại tình. Tuy nhiên, Settino đã phủ nhận cáo buộc này, giải thích rằng người đàn ông đó chỉ là một người bạn lâu năm của cô.
Đến năm 2018, Johnson đã chính thức khởi kiện người mà anh định lấy làm vợ này để đòi lại chiếc nhẫn đính hôn trị giá 70.000 USD. Tuy nhiên, tòa án sơ thẩm kết luận rằng Johnson đã hiểu lầm về chuyện ngoại tình và phải chịu trách nhiệm cho việc tan vỡ này. Nhưng tòa phúc thẩm đã đảo ngược phán quyết, dẫn đến việc kháng cáo lên tòa án tối cao của bang.
Thẩm phán Dalila Argaez Wendlandt đã đưa ra quan điểm phổ biến rằng nhẫn đính hôn là một món quà đặc biệt dành cho hôn nhân, vì vậy người được tặng nhẫn phải trả lại nếu không kết hôn.
Hà Trang (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/co-dau-hut-phai-tra-lai-nhan-dinh-hon-tri-gia-70000-usd-sau-vu-kien-post320938.html