Cơ quan Điều tra cần vào cuộc
Liên quan Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 26/9/2009 về thu hồi đất và Quyết định số 477/QĐ-UBND ngày 23/12/2009 về duyệt phương án bồi thường, tỉnh Bắc Ninh đã giao cho Chi cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão Bắc Ninh (nay là Chi cục Thủy lợi) để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện đê tả Đuống đoạn từ Km 22+360 đến Km 33+555, huyện Tiên Du, Luật sư Nguyễn Hồng Bách – Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự cho rằng: Dựa trên những thông tin được cung cấp, nếu nội dung là đúng sự thật thì ở đây, các cán bộ chi trả tiền cho các hộ dân bị thu hồi đất theo Quyết định số 1768 có dấu hiệu thực hiện hành vi của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ“, theo quy định tại Điều 281, Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009. Bởi ở đây, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường có ghi số tiền hỗ trợ, bồi thường cụ thể người dân được nhận, theo đó, cán bộ chi trả tiền phải thực hiện đúng, đủ việc chi trả tiền cho người dân, không được làm sai, thiếu theo quyết định, nhiệm vụ cơ quan Nhà nước giao. Tuy nhiên, trên thực tế, những cán bộ chi trả tiền cho các hộ dân đã làm sai hoạt động công vụ của mình, thực hiện chi trả tiền cho người bị thu hồi đất ít hơn số thực tế mà họ được nhận, số tiền người dân được nhận không được đầy đủ theo Quyết định phê duyệt phương án bồi thường đã có hiệu lực pháp luật.
Vì vậy, nếu quá trình xác minh thu thập thông tin, Cơ quan chức năng nhận thấy có dấu hiệu tội phạm của “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc một tội danh khác có liên quan thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đúng theo các quy định pháp luật.
3 Quyết định khiến hơn 200 hộ dân “mất quyền” sử dụng đất nông nghiệp: Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 16/4/2007; Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 26/9/2009 và Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 31/12/2010, tỉnh Bắc Ninh thu hồi đất cho Chi cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão Bắc Ninh (nay là Chi cục Thủy lợi, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh) để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện đê tả Đuống, huyện Tiên Du.
Tương tự, Quyết định số 518, người dân được nhận 150 ngàn đồng/khẩu, nhưng phải nộp lại cho cán bộ thôn Rền và chỉ được nhận về 20 ngàn đồng, số tiền còn lại thôn Rền giữ lại để phục vụ công trình công ích, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết: Hiện nay, theo quy định pháp luật chưa có khái niệm cụ thể quy định thế nào là công trình công ích. Tuy nhiên, xét trên thực tế có thể hiểu công trình công ích là những công trình phục vụ những lợi ích chung cho cộng đồng dân cư, 1 nhóm đối tượng nhất định, gồm công trình điện như đường dây, mạng lưới truyền tải, phân phối điện; công trình cấp thoát nước… Để khẳng định việc cán bộ thôn Rền giữ lại tiền của người dân để phục vụ công trình công ích đúng hay sai, có phù hợp với quy định pháp luật hay không theo quan điểm của tôi, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xác minh, thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan nhằm làm rõ việc cán bộ thôn Rền giữ lại tiền ở đây là theo hình thức bắt buộc hay vận động đóng góp trên tinh thần tự nguyện? Sau khi thu tiền của các hộ dân thì số tiền này sử dụng có đúng mục đích hay không? Nguồn tiền còn lại (nếu có) có báo cáo các hộ dân không?…
Do đó, qua quá trình xác minh thu thập thông tin thể hiện nếu có việc cán bộ thôn có hành vi ép buộc, đe dọa hoặc sử dụng một hình thức buộc người dân phải nộp lại tiền trái ý muốn của họ để phục vụ công trình công ích tại địa phương hoặc sau khi thu tiền sử dụng không đúng mục đích… thì đây là hành vi trái quy định của pháp luật có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản hoặc một số tội danh có liên quan… Tùy theo tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân, điều kiện thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản (nếu có) thì những cán bộ thôn Rền sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với hành vi vi phạm của mình.
Cần thu hồi 3 Quyết định để đảm bảo quyền lợi cho người dân
Luật sư Nguyễn Hồng Bách nhận định: Về nguyên tắc, các Quyết định thu hồi đất đã và đang có hiệu lực pháp luật, các hộ dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc thu hồi đất, sử dụng đất. Quyền sử dụng đất không còn thuộc các hộ dân nữa, còn việc sau khi có Quyết định thu hồi đất có hiệu lực pháp luật, cơ quan có chức năng thu hồi đất không thực hiện việc thu hồi đất để giao cho Nhà đầu tư quản lý, sử dụng thì sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm có liên quan theo đúng các quy định pháp luật, các hộ dân không tự nguyện bàn giao đất, Nhà nước sẽ thực hiện quyết định cưỡng chế buộc người dân bàn giao đất cho Nhà nước. Hiện tại các hộ dân đang sử dụng đất để canh tác nông nghiệp là sai, không đúng quy hoạch.
Luật sư Nguyễn Thanh Thủy – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng: Các hộ gia đình luôn chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để Nhà nước thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, vì lợi ích công cộng. Tuy nhiên, pháp luật cũng vốn rất công bằng, bình đẳng với mọi chủ thể có địa vị pháp lý ngang nhau. Nếu thực sự việc này có thực như phản ánh thì có thể đằng sau việc thu hồi đất này có một lý do nào đó giấu giếm, nhập nhằng? hay là do có sự nhầm lẫn giữa việc thu hồi đất và đất bị khai thác để đắp đê? Mà thực tế không có việc thu hồi đất, các hộ dân vẫn đang sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp.
Vì vậy, căn cứ khoản 3, Điều 3, Nghị định 64/CP quy định: Đất giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Quy định này là giao chính thức và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Do việc thu hồi đất có sự nhầm lẫn hoặc không có thực, mà thực tế các hộ dân vẫn đang sử dụng ổn định lầu dài thì cơ quan nhà nước cụ thể là UBND tỉnh Bắc Ninh và các cấp đã ban hành các quyết định thu hồi đất (nếu có) cần ban hành quyết định thu hồi các quyết định thu hồi đất nêu trên để các cơ quan nhà nước tiếp tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình là đúng quy định của pháp luật.
Để cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hơn 200 hộ dân thôn Rền đang canh tác nông nghiệp trên ruộng của mình, UBND tỉnh Bắc Ninh cần ra Quyết định thu hồi đối với 03 Quyết định thu hồi đất số 518/QĐ-UBND ngày 16/04/2007, Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 26/11/2009 và Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 31/12/2010 do vi phạm quy định về đất đai nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tại Văn bản số 1318 ngày 8/5/2023 UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì, rà soát, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đơn kéo dài của công dân tại thôn Rền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du theo nguyên tắc đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của công dân trên cơ sở quy định của pháp luật.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.