Krông Jing xã đặc biệt khó khăn của huyện M’Drắk, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 7.477 ha, 12 buôn với dân số khoảng 12.345 người, gồm 15 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 70%). Ở đây, chuyện cũ mà bà con thường kể cho con cháu nghe là cuộc sống trước năm 2005, đầy khó khăn khi đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào ruộng rẫy, điều kiện canh tác, sản xuất lạc hậu nên năng suất cây trồng, vật nuôi bấp bênh. Chuyện chưa đến mùa đã thiếu ăn, thậm chí mới vào vụ gieo trồng đã không có tiền mua thuốc sâu, phân bón không phải là chuyện hiếm. Ăn còn thiếu lấy đâu tiền chi tiêu cho sinh hoạt. Tất cả những khó khăn này khi đó chỉ có một “lối mòn” giải quyết đó là bán lúa non cho các tư thương với giá rẻ. Đến vụ thu hoạch, thương lái vào tận ruộng lấy lúa, có gia đình không còn lúa mang về nhà. Người dân thiếu thốn, tín dụng đen cũng có cớ len lỏi vào trong bản khiến nhiều người dân đã khó càng thêm khó.
Là người dân của buôn, hơn ai hết, ông Y Hoan Ksơr thôn M’Lốc B thấm được nỗi cùng cực của đồng bào mình. Nhưng khó khăn đó không thể lay chuyển khi người dân không có vốn tích lũy lại thêm tập quán sản xuất tự cung tự cấp. Chính bởi vậy năm 2005, khi được bầu làm trưởng buôn, lại vừa lúc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng cho bà con xóa tình trạng bán lúa non và tín dụng đen, ông hiểu rằng, cơ hội giúp đỡ bà con đã đến. Phát huy uy tín của trưởng buôn với bà con, ông cùng cán bộ tín dụng chính sách tuyên truyền đến từng nhà cho bà con hiểu về chính sách, hỗ trợ bà con làm thủ tục để tiếp cận vay vốn. “Thời điểm đó ngân hàng cho vay 3 triệu đồng/hộ để xóa việc bán lúa non và tín dụng đen, bà con phấn khởi lắm” ông kể và cho biết nguồn tín dụng chính sách lúc đó đối với bà con như nắng hạn gặp mưa rào, giúp bà con giải quyết nhiều bức bách, nhu cầu trong cuộc sống. Cây lúa không còn phải bán non mà chờ đến mùa thu hái giúp người dân có cái ăn, không còn lo đói.
Năm 2010, ông trở thành đảng viên Đảng cộng sản và nay là Phó bí thư chi bộ thôn. Được học tập, thấm nhuần quan điểm đường lối chính sách, lý tưởng của Đảng lại được đi thăm thú các địa phương, mô hình sản xuất giỏi càng giúp ông nhận thức rõ chỉ có còn đường tăng gia sản xuất mới có thể thoát khỏi đói nghèo. Từ đó, vào từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con vay vốn tín dụng chính sách chăn nuôi con bò, con heo, làm phân trồng cỏ nuôi bò, trồng keo phát triển kinh tế, không lãng phí đất đai . Những dè dặt ban đầu về việc sợ vay không có tiền trả, sợ làm ăn thất bát dần xóa nhòa sau khi những hộ tiên phong phát triển kinh tế thành công. Các hộ dần nhìn nhau học hỏi các mô hình chăn nuôi, trồng rừng phát triển kinh tế.
Cán bộ NHCSXH huyện M’Drắk và các tổ chức chính trị – xã hội luôn đồng hành cùng bà con vay vốn, phát triển kinh tế |
Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đang giúp những người phụ nữ trong buôn cũng đang vươn lên làm chủ chính cuộc đời mình. Chị H’Pak Nie, Chi hội trưởng phụ nữ buôn M’Lốc B cho biết “Trước đây chưa có NHCSXH, chị em gặp rất nhiều về vấn đề nguồn vốn phát triển gia đình lại thêm ít tiếp xúc xã hội hơn các anh, nên gặp rất nhiều khó khăn và rất tự ti. Mà đã tự ti thì không muốn đi ra ngoài xã hội tiếp xúc, toàn giao cho ông chồng đi, và từ đó lại càng ít hiểu biết. Ít hiểu biết dẫn đến rất nhiều vấn đề và suy cho cùng là các chị em rất tự ti” chị kể. Bởi vậy, trong vai trò Chi hội trưởng chi hội phụ nữ chị đã dốc hết tâm huyết tuyên truyền hỗ trợ chị em tiếp cận được nguồn vốn mà đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, chi hội còn giúp các chị em có các buổi giao lưu, giao tiếp ra ngoài xã hội giúp bản thân phụ nữ có tự tin giao tiếp nâng cao tự tin hơn về bản thân.
Ông Ygoanh MLô, tổ trưởng tổ vay vốn buôn M’Suốt, xã Krông Jing cho biết, câu chuyện vay vốn phát triển kinh tế cũng không phải ngày một ngày 2 mà cần có sự đồng hành liên tục của NHCSXH và cả hệ thống chính trị – xã hội đặc biệt ở những nơi khó khăn như Krông Jing. Bởi mặc dù Đắk Lắk là thủ phủ cà phê nhưng ưu đãi thiên nhiên ấy không dành cho Krông Jing. Trước đây người dân trong xã đã từng phát triển cây cà phê. Nhìn những cây cà phê lên cao rồi ra bông tháng 11-12, cứ nghĩ vụ mùa bội thu không xa, song bông chưa kịp đậu quả đã thối rụng hết vì đây là vùng đất cứ vào cao điểm mùa mưa lại ngập. Người dân chỉ còn biết trông vào cây lúa với nghèo đói vây bám. Là một trong 7 hộ dân đầu tiên của thôn tiên phong vay vốn trong chương trình tín dụng chống chốt lúa non, ông mua phân bón sản xuất nông nghiệp. Năng xuất tăng, đói kém và tín dụng đen không còn đeo bám. Ông và nhiều hộ dân chuyển sang vay ngân hàng chăn thả bò sinh sản, trồng mỳ. Rồi khi đất chật và phát hiện ra trồng mỳ khiến chỉ 3-4 năm đất đã bạc màu, giá trị kinh tế thấp, chính quyền cùng NHCSXH lại giúp người dân phát triển nuôi bò nhốt chuồng, chuyển sang trồng keo. “Tính ra một ha bán được 100 triệu đồng, mất khoảng 20 triệu đồng chi phí giống phân bón, như vậy mình được 80 triệu đồng” ông Ygoanh MLô, cho biết. Với 5ha keo thu hoạch gối đầu nhau, cứ mỗi năm, gia đình ông có thu nhập ổn định 100 triệu chưa kể các nguồn thu khác. Đây cũng là nền tảng để gia đình ông thoát nghèo và cũng đã dành được một khoản tiền chuẩn bị xây nhà mới. Những hộ điển hình thành công như ông cũng là nguồn động lực để người dân trong thôn học theo làm kinh tế. Cũng từ kinh nghiệm sản xuất của mình, khi được phân công làm tổ trưởng 1 trong 2 tổ tín dụng của buôn ông đã tuyên truyền, vận động truyền cảm hứng của mình cho những người dân trong buôn, giúp họ hiểu được ý nghĩa và cơ hội từ nguồn vốn tín dụng chính sách và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với đồng bào, từ đó mạnh dạn vay vốn về phát triển kinh tế. hiện cả 95 thành viên vay vốn đều trồng keo kết hợp chăn nuôi bò. Trước đây họ đều là hộ nghèo song hiện giảm chỉ còn 65 hộ.
Ông Y Lốc Niê, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Krong Jin, huyện M’Drăk cho biết xã đặc biệt khó khăn địa bàn rộng, dân cư đông, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo rất cao là trăn trở rất lớn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. “Chúng tôi nhận thức rằng là để giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thì hạt nhân chính là chi bộ và trách nhiệm của mỗi đảng viên. Với phương châm là “Chi bộ năng làm, đảng viên sát hộ”, thời gian qua chúng tôi cũng đã phân công các đồng chí Đảng viên, đặc biệt là các đồng chí Đảng ủy viên phụ trách từng thôn, buôn để giúp đỡ địa bàn cơ sở. Đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong đi đầu của người Đảng viên. Tại địa phương, có những Đảng viên khi chưa được phân công nhiệm vụ, nhưng họ vẫn giúp đỡ người nghèo bằng nhiều cách trong khả năng, điều kiện có thể của mình. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã chỉ đạo toàn thể hệ thống chính trị, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thì có sự tham gia của lực lượng vũ trang, cũng như Ban Quân sự đồng hành với bà con nhân dân để cùng giải quyết các nhiệm vụ an sinh xã hội, để các nhiệm vụ chính trị ở địa phương” ông cho biết.
Dồn tích những nỗ lực ấy đã thắp lên ngọn lửa tín dụng giải quyết đói nghèo đã tạo nên những đổi thay mạnh mẽ trên mảnh đất này. Cuối năm 2023 địa bàn xã Krông Jin không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 28 %, hộ cận nghèo còn 11,6 %. Trong khi đó tỷ lệ này năm 2021 là 42,67% và 19%. Tuy tỷ lệ hộ nghèo còn cao, song còn đường thoát nghèo đã rộng mở khi hiện có 1.763 hộ vay đang được vay vốn NHCSXH với tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 30/05/2024 là 90.115 triệu đồng, không có nợ quá hạn, nợ khó đòi.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/co-dang-cuoc-doi-am-no-hanh-phuc-bai-1-158882.html