Sáng 23/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các văn bản pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nghiên cứu cơ chế về chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho dự án xây dựng công trình chiến đấu
Về bố cục, kỹ thuật lập pháp, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với 6 chương và 34 điều. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo luật chỉ có 34 điều nhưng có đến 1/3 các điều khoản (9 điều) giao cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết là khá nhiều so với bố cục điều khoản của luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết bằng quy phạm pháp luật trong dự thảo luật để thực hiện thống nhất, nâng cao tính khả thi trong thực tiễn khi luật được thông qua và có hiệu lực, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực phải mất thời gian chờ hướng dẫn áp dụng luật.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Dương Tấn Quân Bày tỏ sự nhất trí cao với chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được quy định tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật: “Nhà nước có chính sách đầu tư cho quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bảo đảm khả năng phòng thủ của đất nước, ưu tiên trên các địa bàn chiến lược trọng yếu”, tuy nhiên, để triển khai thực hiện hiệu quả. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc luật hóa bằng quy định hoặc cơ chế riêng cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho các dự án đầu tư xây dựng công trình chiến đấu.
Nguyên nhân được đại biểu đưa ra là việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các loại rất khác, đặc biệt là đất rừng sang đất quốc phòng để xây dựng các công trình quân sự gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư. Đại biểu đánh giá đây là vấn đề còn khá bất cập trong thực tiễn.
Nêu thực tiễn về tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Dương Tấn Quân cho biết, tại các địa phương trên toàn quốc, tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp. Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra, điển hình như các vụ việc xảy ra tại một số tỉnh (ở các trường bắn) như tại Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… Hành vi xâm phạm, phá hủy công trình quốc phòng và khu quân sự như đập phá công trình lô cốt cũ, mốc khống chế pháo binh, mốc đất quốc phòng… để lấy sắt thép vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, hiện nay còn hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn bộ dự thảo luật, đại biểu Dương Tấn Quân nhận thấy chưa có quy định chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm, đồng thời cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao sử dụng đất, công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đánh giá tác động của dự án Luật đến những vấn đề liên quan tới biển, đảo
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Tạ Đình Thi phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Khẳng định Việt Nam là quốc gia có lịch sử truyền thống văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) nhấn mạnh, Biển Đông có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược, chính trị, kinh tế tự nhiên đối với nước ta. Để bảo vệ được Tổ quốc, đại biểu cho rằng, chúng ta phải bảo vệ được biển và bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, với phương châm tiến ra biển, làm chủ biển và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, trong đó có cả tài nguyên vị thế của biển Việt Nam.
Với tầm quan trọng như vậy song qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy những nội dung liên quan đến biển chưa được thể hiện rõ nét trong hồ sơ dự án luật. Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị dự thảo Luật cần rà soát, quán triệt sâu sắc và thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể, ở các nội dung liên quan như khoản 6 Điều 2, khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 4, khoản 3 Điều 5, khoản 2 Điều 12, Điều 16, Điều 17 và Điều 18 và Chương V.
Bên cạnh đó, cần rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động của dự án Luật đến kinh tế – xã hội, môi trường, ngoại giao, nhất là những vấn đề liên quan đến biển, đảo, trong đó lưu ý đến các công trình dân sự hợp pháp đã được xây dựng trước thời điểm luật này có hiệu lực và thuộc phạm vi khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn đối với khu vực bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự theo quy định của luật này.
Cùng quan điểm với đại biểu Tạ Đình Thi về vấn đề này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung và đánh giá cụ thể hơn tác động của các chính sách được quy định trong dự thảo luật để bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Đại biểu cho rằng cần có số liệu cụ thể, rõ ràng, nhất là các tác động về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, các tác động đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân, các giải pháp, nguồn lực để thực hiện chính sách nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay và những vấn đề do lịch sử để lại, trong đó có các nội dung liên quan đến quản lý xác nhận phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp giữa Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để đảm bảo tính thực thi khi tổ chức thực hiện.
Để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các luật có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, trong đó có Luật Quốc phòng; Luật An ninh quốc gia; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các luật được sửa đổi, bổ sung ban hành mới đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước, Luật Viễn thông, Luật Đường bộ, Luật Phòng thủ dân sự…, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ hơn về nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với hoạt động quản lý, sử dụng, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định trong dự thảo Luật so với quy định của các pháp luật có liên quan.
Theo TTXVN/Báo Tin tức