Cơ chế đặc thù sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án điện hạt nhân

Báo Giao thôngBáo Giao thông17/02/2025

Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, do tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân và lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta nên để bảo đảm mục tiêu hoàn thành trong năm 2030-2031, rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh.


Đề xuất cụ thể hóa trình tự, thủ tục

Tại phiên thảo luận ở hội trường về cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sáng 17/2, ông Lê Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề nghị Quốc hội sớm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để dự án hoàn thành đúng lộ trình, vận hành 2030 hoặc chậm nhất năm 2031.

Cơ chế đặc thù sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án điện hạt nhân- Ảnh 1.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát biểu thảo luận.

Nói về tính cấp thiết dự án, ông Hùng cho rằng, hiện tổng công suất điện lắp đặt toàn hệ thống tính đến năm 2024 là gần 81.000 MW, trong đó điện gió, mặt trời là 21.600 MW.

Đến tháng 6/2024, công suất cực đại toàn hệ thống là 52.000 MW, vì vậy công suất dự phòng hệ thống điện còn rất ít, rất rủi ro cho an ninh năng lượng.

Chủ tịch PVN phân tích, xu hướng dịch chuyển năng lượng xanh ngày càng lớn. Với Việt Nam, đến năm 2030, chúng ta sẽ không còn làm điện than, kịch bản tăng trưởng cao thì đòi hỏi phụ tải điện năng phải tăng trưởng lớn, điện dự phòng tăng cao. Chính vì thế, yêu cầu phải có điện nền, đặc biệt là điện hạt nhân là ngày càng cấp thiết.

Theo ông Hùng, mục tiêu của Trung ương yêu cầu phát triển nhà máy điện hạt nhân đưa vào sử dụng năm 2030 và muộn nhất 2031. Đây là mục tiêu rất áp lực, trong khi đó điện hạt nhân quy mô lớn, phức tạp nên cần cơ chế đặc thù rất cụ thể, rất rõ để các chủ thể tham gia có thể thực hiện được.

Trước đó, nhiều đại biểu kiến nghị không nên đưa EVN, PVN vào chủ thể tham gia dự án điện hạt nhân. Về vấn đề này, ông Hùng cho rằng: "Cơ chế trong nghị quyết về điện hạt nhân dứt khoát phải có tên các doanh nghiệp chủ thể tham gia, bởi đây là vấn đề rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Bởi cơ chế phải rất rõ, đặc biệt cơ chế tài chính, vốn đối ứng chủ sở hữu của doanh nghiệp và nguồn vốn vay thu xếp qua các hiệp định đối với các nhà cung cấp.

Đối với EVN, PVN là hai doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nguồn vốn chủ sở hữu cần quy định rõ để tránh ảnh hưởng các nhiệm vụ khác trong quá trình triển khai".

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, cơ chế, trình tự thủ tục để làm dự án cũng cần làm rõ. Trong đó, nêu cụ thể những hạng mục nào cần thực hiện song song, những gì được thực hiện theo cơ chế đặc thù là chỉ định thầu.

"Nếu không có cơ chế đặc thù, các doanh nghiệp không làm được. Sau khi phê duyệt dự án, các chủ thể tham gia dự án lại đi xin cơ chế, rất mất thời gian.

Với năng lực hiện có khi tham gia gần 13 dự án nhiệt điện phức tạp, đặc biệt các dự án trạm tăng áp ngoài khơi về điện khí, các đại biểu hoàn toàn yên tâm với năng lực của doanh nghiệp trong nước", ông Hùng nói.

Cần quan tâm cơ chế đặc thù để hút nhân lực

Tham gia ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, có một cử tri trẻ gửi tin nhắn cho ông tại kỳ họp thứ 8 trước khi ấn nút thông qua chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận rằng: "Điện hạt nhân rẻ, ổn định, ít phát thải và công suất lớn, xin đừng để tuột mất cơ hội làm chậm sự phát triển của đất nước".

Theo ông Mai, hiện nay nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách và có nhiều động thái mới liên quan đến điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải các bon.

Cơ chế đặc thù sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án điện hạt nhân- Ảnh 2.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu ý kiến đóng góp trên nghị trường sáng 17/2.

Tại Việt Nam, với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn thì sự phát triển điện hạt nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan và hợp quy luật.

Do đó, việc Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, là chính sách đột phá.

Song, bên cạnh những lợi ích tiềm năng và tích cực thì dự án còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng như vấn đề tài chính, công nghệ, và an toàn môi trường xã hội...

"Để dự án được thực hiện thành công, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên nghiên cứu, đánh giá kỹ toàn diện các rủi ro, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, có chính sách quản lý và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và bền vững", ông Mai góp ý.

Mặt khác, ông Mai nhìn nhận trong dự án cần công nghệ chuyên sâu, đặc thù phức tạp này, chắc chắn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Song, trong dự thảo Nghị quyết chưa nêu cơ chế chính sách đặc thù đối với vấn đề này.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách để huy động tối đa các nguồn lực để giảm bớt áp lực cho nguồn vốn nhà nước.

Cần các cơ chế, chính sách đủ mạnh

Giải trình làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là dự án có công nghệ phức tạp và chỉ một số ít quốc gia sở hữu và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.

Thông thường trên thế giới, để hoàn thành đầu tư một dự án điện hạt nhân có quy mô tương tự, thời gian từ khi phê duyệt đầu tư đến khi vận hành trong khoảng 10 năm; trong đó, dự án tiến độ nhanh nhất khoảng 7-8 năm và đều phải có cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án này.

Do tính chất phức tạp của dự án và lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta nên để bảo đảm mục tiêu hoàn thành trong năm 2030-2031, rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh như trong dự thảo Nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thực hiện.

Về đối tượng áp dụng, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ điều chỉnh theo hướng chỉ nêu chung "chủ đầu tư dự án", đồng thời bổ sung đối tượng áp dụng "tỉnh Ninh Thuận" và "đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án".

Những chính sách đặc thù khác nếu có sẽ được Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới.



Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/co-che-dac-thu-se-giup-rut-ngan-thoi-gian-thuc-hien-du-an-dien-hat-nhan-192250217114840584.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available