Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định

Báo Đại Đoàn KếtBáo Đại Đoàn Kết18/02/2025

Ngày 18/2, với 96,86% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).


Về cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ, Luật quy định: Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Việc thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Luật quy định, tổ chức bộ máy hành chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của cơ quan cấp trên. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

z6327714287785_91c8fdd8a5cb53b2f322726c7942673e.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật. Ảnh: Quang Vinh.

Bên cạnh đó, phân quyền, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc phân quyền, phân cấp phải bảo đảm rõ chủ thể, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Luật cũng quy định: Phân quyền là việc Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong luật, nghị quyết, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền quy định tại Luật này, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan. Việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương phải phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định tại Luật này và điều kiện, đặc điểm, nguồn lực, năng lực của địa phương; bảo đảm tính chủ động, tự chủ của chính quyền địa phương trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước ở trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, hợp tác với chính quyền địa phương trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Chính quyền địa phương chủ động phối hợp liên kết vùng và liên vùng trong phát triển kinh tế - xã hội thuộc phạm vi được phân quyền.

Về phân cấp, Luật quy định: Phân cấp trong hệ thống cơ quan nhà nước là việc cơ quan, người có thẩm quyền giao cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền phân cấp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân cấp cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.

Cùng với đó, về ủy quyền, Luật quy định: Ủy quyền trong hệ thống cơ quan nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giao cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện trong khoảng thời gian xác định một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, người ủy quyền chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền. Việc ủy quyền phải được thể hiện trong văn bản của cơ quan, tổ chức, người ủy quyền.

Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.

Việc ủy quyền phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Việc ủy quyền phải phù hợp với năng lực, khả năng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người được ủy quyền. Người ủy quyền có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc ủy quyền; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình ủy quyền, trừ trường hợp cơ quan, người được ủy quyền thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, thời hạn đã được ủy quyền quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp việc ủy quyền dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền thì thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 8 của Luật này.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Quốc hội họp riêng; thảo luận tại Đoàn về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nội dung về công tác nhân sự.



Nguồn: https://daidoanket.vn/co-cau-so-luong-thanh-vien-chinh-phu-do-thu-tuong-chinh-phu-trinh-quoc-hoi-quyet-dinh-10300061.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available