GS.TS Lê Văn Thành – chủ tịch danh dự Hội Đột quỵ Việt Nam – cho rằng lái xe là việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung và khả năng phản ứng với các tình huống có thể xảy ra của người cầm lái. Tuy nhiên, trường hợp người lái xe không đủ sức khỏe, mắc các chứng về thần kinh… thì vô cùng nguy hiểm.
Cảnh giác với chứng bệnh “ngủ rũ”
Theo ông, thực tế không ít vụ tai nạn trên cao tốc, quốc lộ… khi xe đang chạy thì lật hoặc tài xế dừng đột ngột gây cản trở giao thông trên đường. Những sự việc như vậy đôi lúc người lái xe không thể biết trước, có thể họ mắc những bệnh mà chính bản thân họ cũng không biết mình bị bệnh.
Ở các nước trên thế giới, người ta đã nghiên cứu, chỉ ra tai nạn giao thông như trên do lái xe đang đi thì đột quỵ, mất ý thức hoặc mất khả năng điều khiển cơ thể tạm thời (rối loạn giấc ngủ)…
Từ đây dẫn tới những hậu quả nặng nề cho bản thân tài xế, những người trên xe và những người đi đường mà họ đụng phải.
Những biểu hiện bệnh này đều xuất phát từ trong não, tiếp đến mới tới các yếu tố bên ngoài. Cụ thể, có một chứng bệnh gọi là Narcolepsy (chứng ngủ rũ), đây là bệnh rất ít người biết đến. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức về người mắc cũng như chưa có tài liệu nghiên cứu về loại bệnh này.
Theo thống kê của Hiệp hội Narcolepsy thế giới, tỉ lệ mắc chứng Narcolepsy trên thế giới dao động từ 0,005% – 0,05%, tương đương với 5 – 50 người/100.000 người.
Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất tham khảo vì đây là bệnh rất hiếm gặp trên thế giới, tỉ lệ mắc bệnh này ở châu Âu nhiều hơn châu Á.
“Đây là chứng bệnh tương đối hiếm gặp và có thể dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn giấc ngủ khác” – giáo sư Thành nói.
Chứng này theo ông là rối loạn giấc ngủ mãn tính khiến người bệnh thường xuyên gặp các cơn buồn ngủ đột ngột, giấc ngủ rối loạn và không thể kiểm soát được. Đôi khi dẫn đến tình trạng tê liệt, mất kiểm soát cơ thể, bất động gọi là Cataplexy. Những người bị hội chứng này có thể mất kiểm soát cơ bắp đột ngột và tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn.
Cũng có một số người bệnh khác có thể bị ngã quỵ hoàn toàn hoặc mất dần ý thức. Vậy nên, khi người bệnh lái xe mà mất kiểm soát cơ thể thì khó lòng điều khiển xe cộ theo ý muốn, nguy cơ tai nạn rất cao.
Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh về tâm thần, tim, sử dụng các chất kích thích… cũng không đủ điều kiện lái xe. Điều này được quy định rất rõ ràng trong các văn bản quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe được Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Vì sao phải đo điện não, điện tim trước khi cấp phép lái xe?
Từ những vụ tai nạn như trên, giáo sư Thành nói việc đặt ra vấn đề về sự cần thiết của các quy định pháp luật đối với những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng lái xe an toàn, quy định kiểm tra sức khỏe trước khi cấp bằng lái xe cho họ.
Và tới đây, các cơ quan nhà nước phải sớm nghiên cứu, đưa việc đo điện não, điện tim vào quy trình khám sức khỏe sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Các doanh nghiệp vận tải cũng cân nhắc đến câu chuyện này khi tuyển dụng tài xế vì đảm bảo an toàn, hạn chế những hậu quả đau lòng có thể xảy ra. Thậm chí đưa vào các văn bản luật định mang tính pháp lý để nghiêm chỉnh chấp hành.
“Việc đo điện não, đo điện tim góp phần giúp phát hiện sớm các bệnh lý về thần kinh, tim mạch. Đối với các bệnh về thần kinh đôi khi chỉ là những biểu hiện như đau đầu, thường xuyên buồn ngủ, những cơn thoáng mất ý thức…, người bệnh không biết được là mình bị bệnh” – giáo sư Thành phân tích.
Ông cho rằng phải tiến hành đo điện não để xác định xem bản thân có bị bệnh hay không, nếu có thì phải tìm cách chữa trị phù hợp. Có các phương pháp đo điện não như đo điện não thường, điện não giấc ngủ, điện não 24h…
Về phần đo điện tim, theo ông, tim có trách nhiệm bơm máu lên não, khi việc bơm máu này có vấn đề sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu não, mất ý thức, gây ra những bệnh lý nghiêm trọng.
Một trong số đó có thể kể đến rung nhĩ tim, làm giảm tình trạng bơm máu của tim, tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông. Khi các cục máu đông di chuyển lên não có thể gây ra đột quỵ, làm tổn thương não dẫn đến mất khả năng vận động ở một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể.
Ngoài ra, ông khuyến cáo việc kiểm tra, xét nghiệm cơ bản máu cũng cần phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, không qua loa có lệ. Xét nghiệm để xem người lái xe có các yếu tố nào dẫn đến các bệnh đường huyết, mỡ máu, tim mạch…, ngăn ngừa nguy cơ phát các bệnh nguy hiểm khi đang cầm lái.
“Với mong muốn hạn chế tối đa những nguy cơ tai nạn đáng tiếc, cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa trong việc khám sức khỏe trước khi cấp giấy phép lái xe. Những người không đủ điều kiện sức khỏe thì không cấp bằng lái” – giáo sư Thành khẳng định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-can-phai-do-dien-nao-dien-tim-truoc-khi-cap-giay-phep-lai-xe-20240505103301212.htm