Trong văn bản hồi âm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng ban đại diện phụ huynh học sinh (HS) hoạt động theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS, ban hành kèm theo Thông tư số 55 ngày 22.11.2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong đó nêu rõ ban đại diện cha mẹ HS có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, HS. Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS được quy định tại thông tư này; ban đại diện cha mẹ HS không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT chỉ rõ các khoản không được thu, gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, hiện nay vẫn còn có tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ gây bức xúc cho phụ huynh HS.
Bộ GD-ĐT cho biết đang nghiên cứu thấu đáo để sửa quy định về điều lệ hoạt động của ban đại diện phụ huynh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Tăng cường truyền thông để phụ huynh HS và xã hội hiểu đúng về các quy định tại Thông tư số 55, đặc biệt là các khoản thu không đúng quy định.
Theo PGS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), ban đại diện phụ huynh cũng cần có kỹ năng, được hướng dẫn, tập huấn để thực hiện đúng quy định. Tiêu chí bầu vào hội phụ huynh cần rõ ràng, minh bạch để chọn đúng người thể hiện ý chí của cha mẹ HS.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục VN, cho rằng thực tế có hiện tượng không ít trường học đang lạm dụng ban phụ huynh để thực hiện nhiều khoản thu ngoài quy định. Tuy nhiên, không thể vì hiện tượng ấy mà bỏ ban đại diện phụ huynh. Thay vì chỉ chăm chăm vào chuyện thu quỹ nọ quỹ kia, chúng ta nên phối hợp để ban này hoạt động đúng nghĩa, đó là hỗ trợ nhà trường thực hiện các hoạt động liên quan đến giáo dục một cách bài bản. Làm thế nào để ban đại diện phụ huynh không phải đại diện cho ai. Họ phải chính là họ, để khi có xảy ra lạm thu, người đứng đầu cơ sở giáo dục và giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm chứ không phải ban phụ huynh.
Do nguồn lực cho giáo dục công lập hiện nay còn hạn chế nên các cơ sở giáo dục rất cần huy động nguồn xã hội hóa. Nhưng nhà trường và giáo viên chỉ nên làm tốt chuyên môn, còn chính quyền địa phương phải đứng ra huy động hỗ trợ thay vì nhà trường, có như vậy mới rõ ràng, minh bạch.
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-can-ban-dai-dien-phu-huynh-185240601222434628.htm