Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển chủ trì Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, định hướng về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam theo Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, định hướng về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam theo Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Nguồn: PVN) |
Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, định hướng về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị và đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045” đã được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) tổ chức.
Đồng chủ trì hội thảo, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), Tổ phó Tổ Biên tập nêu rõ, sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, PetroVietnam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 41-NQ/TW.
Với 62 năm truyền thống và 48 năm hình thành và phát triển, PetroVietnam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, đến nay PetroVietnam đã trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW đã xuất hiện những tình huống mới, những khó khăn, thách thức tác động đến phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, của PetroVietnam như phạm vi, địa bàn hoạt động, cơ chế chính sách, khó khăn về thị trường, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…
Những khó khăn, thách thức đó cần được phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, trên cơ sở đó đề xuất với Đảng, Nhà nước về các điều chính chiến lược của ngành dầu khí, của PetroVietnam trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Đánh giá tiềm năng dầu khí Việt Nam; cách tiếp cận và tư duy mới về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam trong tình hình mới; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phát triển ngành dầu khi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; phát triển hạ tầng dự trữ và hoàn thiện cơ chế chính sách kinh doanh xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; phát triển ngành dầu khí Việt Nam gắn liền với nhiệm vụ quốc phòng – an ninh – đối ngoại…
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Nguồn: PVN) |
Nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý của PetroVietnam và các bộ ngành liên quan vào các nội dung lớn, trọng tâm của dự thảo Đề án như: công tác tuyên truyền, triển khai Nghi quyết 41-NQ/TW đặc biệt là vấn đề thể chế hóa; kết quả thực hiện các quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể; thảo luận, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp;…
Các đại biểu cũng đã nêu các nhận định, thảo luận một cách thẳng thắn, khách quan về bối cảnh trong nước, quốc tế; đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng cụ thể, đặc biệt là những vấn đề lớn như: thị trường dầu khí, xây dựng hạ tầng ngành dầu khí; về thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; về hợp tác quốc tế, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ngành Dầu khí, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giữ vai trò hạt nhân với tư cách là tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia.
Từ Hội nghị, nhiều kiến nghị, đề xuất cũng đã được nêu, nhằm bảo đảm bắt kịp xu hướng thời đại, cũng như tháo gỡ những tồn tại, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù riêng bảo đảm phát triển ngành dầu khí nhanh, bền vững, cần sớm trình Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết mới về “Định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.