Cán bộ Công an tỉnh hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư. Triển khai cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu, thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng định danh và xác thực điện tử thông qua căn cước công dân (CCCD), VNeID phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Tỉnh đã hoàn thành, về đích sớm chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 2-8-2023, Công an tỉnh đã thu nhận 1.353.689 hồ sơ cấp CCCD; thu nhận 440.210 hồ sơ, kích hoạt 175.480 tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Công an cơ sở thực hiện tốt các chỉ đạo về đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Đồng thời phối hợp làm sạch dữ liệu chuyên ngành y tế, bảo hiểm xã hội, nông dân, người cao tuổi phục vụ hiệu quả công tác kết nối, chia sẻ, làm giàu dữ liệu dân cư.
Đối với các nhóm tiện ích khác, hiện tỉnh đã triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID thay thế cho bảo hiểm xã hội tại 100% cơ sở khám chữa bệnh. Có 13/17 cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, tiến hành cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản ban đầu của các đối tượng hưởng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. 100% các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt…
Theo Đại tá Lê Văn Hòa – Phó giám đốc Công an tỉnh, một số hạn chế còn gặp phải như: Trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều. Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia còn phức tạp. Thanh toán trực tuyến cũng còn gặp khó khăn do người dân chưa có tài khoản ngân hàng và chữ ký số gây lúng túng trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến. Việc triển khai thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt gặp khó khăn do đa số là người cao tuổi, khuyết tật, không có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Đề án số 06/ĐA-CP, Đại tá Trương Sơn Lâm – Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Các thành viên tổ công tác, bộ phận giúp việc và các ngành, các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng như tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành trong thực hiện Đề án số 06/ĐA-CP. Huy động hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, trong đó, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong vận động thực hiện nội dung này.
Thường xuyên theo dõi, triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về thực hiện Đề án số 06/ĐA-CP. Các sở, ngành chỉ đạo nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, triển khai hiệu quả 53 dịch vụ công thiết yếu, nhất là 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí) đã triển khai toàn quốc từ ngày 10-7-2023. Các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao, góp phần thực hiện có kết quả Đề án số 06/ĐA-CP trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã đăng ký với Chính phủ thực hiện mô hình cấp tỉnh về “Công dân số”, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và Đề án số 06/ĐA-CP. Theo đó, Công an tỉnh đã đẩy mạnh thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, kết hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho công dân biết về tiện ích cũng như hướng dẫn đăng ký, kích hoạt định danh điện tử. |
Bài, ảnh: T. Đồng