Bố cục tổng thể của khuôn hình phụ thuộc vào điểm nhìn từ vị trí máy ảnh tới đối tượng ghi hình. Quyết định yêu cầu bố cục từ lựa chọn góc độ thu hình – phương pháp tạo hình phổ biến của nhiếp ảnh.
“Chính góc chụp xác định vị trí các thành phần bố cục, các mối quan hệ của chúng, phản chiếu trên các bộ phận phông nền” – Duko Lidia Pavlovna – Nữ tiến sĩ Nghệ thuật học, thầy day môn nhiếp ảnh của nhiều thế hệ quay phim Liên Xô cũ và các nhà quay phim lão thành Việt Nam, đã viết như vậy trong Cơ sở bố cục nhiếp ảnh (Trang 17).
Khoảng cách gần hay xa từ vị trí máy trước hết đem lại khả năng thay đổi kích thước hình ảnh, nó được phóng đại với vị trí máy gần và giảm đi với việc tăng khảng cách từ vị trí máy ảnh tới chủ thể ghi hình. Do đó, sự lựa chọn khoảng cách chụp phụ thuộc vào kích thước hình ảnh mà nhiếp ảnh gia mong muốn thể hiện, đó là cỡ cảnh. Với máy ảnh ở khoảng cách đã xác định cùng ống kính với tiêu cự chọn trước, nhiếp ảnh gia sẽ cho người xem thấy một phần của một không gian – phong cảnh, đại cảnh đông người hay một hoạt động trước máy ảnh, toàn thân một nhân vật hay chỉ một khuôn mặt. Tiếp cận hay lùi xa để lấy hình là công việc quá đơn giản đối với người chụp nhưng lại là nhiệm vụ hết sức quan trọng về tạo hình cùng ý tưởng của anh ta. Về bản chất, việc lựa chọn cỡ cảnh là bắt đầu hình thành bức ảnh tương lai, là cơ sở ban đầu của bố cục.
1. Toàn cảnh
Được chụp với vị trí máy xa, “với một không gian đáng kể, cho thấy các hình ảnh bằng một cái nhìn chung” (Sách L. P. Đuco, trang 18) Cỡ cảnh toàn rộng thường dùng để chụp phong cảnh, kiến trúc, công xưởng, việc đồng áng, các sự kiện mít tinh, tuần hành, hội họp với đông đảo người tham dự. Toàn cảnh vẫn có thể thực hiện ở cự ly gần bằng ống kính tiêu cự ngắn với góc ôm rộng. Bên cạnh cái nhìn tổng thể và cảm xúc không gian truyền đạt tới người xem toàn cảnh có hạn chế là trong cảnh chụp thiếu sự rõ ràng và không thể chuyển tải được những chi tiết đặc thù trong đó, những thứ đôi khi rất quan trọng và thú vị.
Điểm yếu của toàn cảnh sẽ là điểm mạnh của trung cảnh, cận cảnh và đặc tả. Toàn cảnh cho người xem một cái nhìn tổng thể của đối tượng ghi hình, nói cụ thể hơn là toàn vẹn nhân vật hoặc nhóm người. Trong những trường hợp này các nhân vật trong ảnh cùng hành động của họ được thấy rõ ràng hơn với quần áo, vật dụng cầm tay cũng như thái độ và tình cảm của họ. Cỡ cảnh toàn hẹp này không gian hạn chế hơn vì lẽ kích thước các nhân vật trong khung hình lớn hơn do cự ly chụp gần hoặc khi chụp các tác giả sử dụng ống kính tiêu cự dài để thu hẹp khoảng cách với các nhân vật ở xa máy ảnh.
Bức ảnh trên là ví dụ về toàn cảnh với góc máy bao quát từ trên cao cho thấy tỷ lệ của các nhân vật nhỏ trong một không gian lớn. Cỡ cảnh toàn rộng có lợi thế để mô tả không gian, môi trường và mối tương tác giữa môi trường với các đối tượng hình ảnh mà người chụp muốn mô tả. Hiện nay cỡ cảnh toàn rộng góc úp bao quát đang được sử dụng rộng rãi khi các người chụp tự trang bị được cho mình các thiết bị bay đơn giản.
2. Trung cảnh:
Nếu nhiếp ảnh gia có mục tiêu khác, cần thiết phải giới thiệu một con người cụ thể với trạng thái cùng sắc thái riêng anh ta cần một cỡ cảnh khác. Trung cảnh cho thấy bối cảnh cụ thể hơn với cự ly gần hơn với kích thước hình ảnh của con người và những đồ vật trong cảnh rõ ràng hơn. Tất cả những điều đó khiến cỡ cảnh này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực ảnh chân dung, thể loại ảnh phóng sự. Trung cảnh giàu thông tin, trong khuôn hình đó có khuôn mặt con người với tâm trạng, thái độ, tư thế, trạng thái các nhân vật…
Trung cảnh có thể bao gồm phần lớn trong mặt phẳng không gian ảnh dáng vóc của một hay nhóm người đông thời vẫn hàm chứa trong không gian đó các yếu tố nền tảng cho bố cục như phông nền, các yếu tố của hoàn cảnh, thời điểm và vật dụng liên quan đến các nhân vật.
Trong bức ảnh trên là một gia đình đi trên đường trong thành phố. Ông bố điều khiển xe máy, mắt quan sát đường cùng ngón tay trỏ luôn chạm sẵn vào phanh. Đứa trẻ ngồi giữa tay ôm khư khư lấy con chó với vẻ buồn khi phải mang nó đi tặng. Bàn tay người mẹ cùng hướng nhìn của chị như đang muốn vỗ về cả hai. Phông nền thành phố cùng áo xống của các nhân vật trong ảnh cho biết thời điểm giá lạnh, bọc đồ trước xe máy cùng chiếc ba lô sau lưng người vợ cho thấy gia đình nhỏ này như bắt đầu rời thành phố về quê ăn Tết. Tuy không gian của cỡ trung cảnh không nhiều nhưng hàm chứa nhiều thông tin. Nhờ chọn khoảng cách ghi hình, cỡ cảnh hợp lý của người chụp nên người xem như được ở ngay bên các nhân vật, hiểu rõ được hoàn cảnh xảy ra sự kiện, hiện tượng.
3. Cận cảnh:
Gọi một cách khác là cảnh gần. Vị trí máy ảnh tiếp cận hơn với đối tượng ghi hình, hạn chế không gian và làm cho kích thước hình ảnh chủ thể lớn hơn tạo thành cận cảnh. Khái niệm cận cảnh trong nhiếp ảnh dường như có lợi thế với chụp chân dung khi mà tâm trạng tính cách và tâm trạng của nhân vật được người chụp khai thác trên khuôn mặt nhân vật.
“Cận cảnh luôn phân định không gian nhỏ nên trong hình ta thấy chủ yếu là khuôn mặt con người, một phần đôi vai và các thành phần này. Cận cảnh cho phép tạo hình dạng con người cụ thể, cung cấp tối đa mức độ cá nhân hóa, cho thấy sự phong phú và đa dạng từ nét mặt anh ta và thông qua vẻ ngoài này để mở ra bản chất bên trong, tâm lý, tâm trạng, thế giới tâm hồn của con người” – Duko Lidia Pavlovna (Cơ sở bố cục nhiếp ảnh, trang 20). Bởi không gian không đáng kể của cảnh cận đã loại trừ hầu hết môi trường. Tuy nhiên những tình huống điển hình từ các chi tiết.
“Cận cảnh cho phép tạo hình dạng con người cụ thể, cung cấp tối đa mức độ cá nhân hóa, cho thấy sự phong phú và đa dạng từ nét mặt anh ta và thông qua vẻ ngoài này để mở ra bản chất bên trong, tâm lý, tâm trạng, thế giới tâm hồn của con người” – Duko Lidia Pavlovna (Cơ sở bố cục nhiếp ảnh, trang 20). Bởi không gian không đáng kể của cảnh cận đã loại trừ hầu hết môi trường. Tuy nhiên những tình huống điển hình từ các chi tiết.
Cuộc sống của hình mẫu, tâm hồn con người, tính chất của dáng vẻ, tư thế, cử chỉ là những thứ giúp cho biểu cảm của lời nói, biểu hiện của cảm xúc cũng như trạng thái bên trong của con người. Nắm bắt một cách chính xác và kịp thời đưa vào bố cục khuôn hình cử chỉ hiếm thấy sẽ làm mạnh hơn biểu cảm của chân dung. Hướng nhìn nhân vật được tính trước luôn tạo được một khoảng không gian trong trong khuôn hình ảnh chân dung.
Giới hạn của cận cảnh tối đa có thể là cận hẹp – đại cận ảnh, có khi được phóng đại tới mức không nguyên vẹn khuôn mặt và một phần cơ thể. Ở điểm nhìn gần hơn nữa và hạn chế trong khuôn hình không gian hình ảnh tối thiểu, hướng đến yếu tố riêng biệt của đối tượng hình ảnh (là chi tiết) hay một phần của toàn thể hình ảnh mà tác giả muốn thu hút sự chú ý của diểm nhìn vào cái gì dó quan trọng hơn. Những cỡ cảnh này thường được gọi là cận cảnh – đặc tả. Cỡ cảnh này mang tính nhấn mạnh, cường điệu để khám phá sâu hơn, mạnh hơn nhân vật, có chủ ý của tác giả ảnh.
Những chi tiết hay một phần của đối tượng nguyên vẹn được đưa vào khuôn hình với mục đích giới thiệu người xem một sự hình dung tổng thể. Đó là những phần, chi tiết mang tính đặc thù, điển hình. Kích cỡ siêu cận cảnh của đặc tả chi tiết thường được sử dụng hơn cả trong ảnh tĩnh vật, thể loại thường có những phần tách riêng khỏi một không gian nội thất hay phong cảnh… Đó có thể là đồ vật, một nhóm đồ vật mang tiếng nói đời sống của con người, một phần quan trọng của kiến trúc như mặt đồng hồ trên tháp cổ, đầu rồng trên mái đình… Ngoài ra, cỡ cảnh đặc tả cũng hướng tới những phần chi tiết của thân thể con người, thí dụ: đôi mắt, bàn tay, đôi chân.
Trên đây là một trong những bức ảnh gây xúc động năm 2013 được chia sẻ rộng rãi trên các trang báo điện tử toàn thế giới. Trong ảnh là đặc tả đôi bàn tay của một cặp uyên ương với hai chiếc nhẫn cưới trong đó một chiếc nhẫn được lồng trong một ngón tay trong bàn tay giả của chú rể bị tàn tật. Dù không nhìn thấy hai người nhưng người xem vẫn có thể hình dung được khuôn mặt của họ đang đắm say trong hạnh phúc.
Trích từ Công trình “Cấu trúc, không gian khuôn hình nhiếp ảnh” -Tác giả Phạm Thanh Hà”
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/co-anh-cua-khuon-hinh-nhiep-anh-15511.html