Trong lúc thực hiện công trình sửa chữa mặt đường theo công nghệ tái sinh nguội tại chỗ, nhà thầu và đơn vị liên quan đã bị người dân hiểu lầm, quay clip đưa lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
Thông tin đăng tải chưa chính xác
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một nhóm công nhân đang thi công, sửa chữa mặt đường được cho là tại đường tỉnh 226, đoạn qua xã Hoa Thám, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Điều đáng nói, theo chủ nhân clip, họ cảm thấy bất ngờ khi thấy công nhân đổ xi măng từ bao ra đường rồi trộn với đất đỏ theo tỷ lệ nhất định.
Hình ảnh xếp, rải xi măng ra đường phục vụ tái sinh nguội mặt đường do người dân phản ánh.
"Không biết bộ phận nào quản lý, đường thì đã làm rồi, máy móc tập kết rất nhiều. Xi măng xếp 2 bên rồi trộn với đất đỏ. Trời mưa, bùn lầy rất nhiều nhưng đổ xi măng ra rồi trộn với sỏi, đất đỏ, dài khoảng 1 cây số. Đây không biết là công nghệ của nước nào hay là chỉ có tại Việt Nam… Nhìn kinh khủng khiếp luôn…", người quay clip nói trong video đăng tải.
Ngay khi được đăng tải, clip trên đã được một số diễn đàn và nhóm Facebook chia sẻ với nhiều bình luận trái chiều, khiến nhiều người tò mò về phương án kỹ thuật thi công đoạn đường trên.
Được biết, clip trên được một người dân thực hiện tại thôn Nà Pàn, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông tại hiện trường, ông Vi Trường, Chỉ huy trưởng công trình trình thi công trên cho biết, đây là công trình sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và hệ thống thoát nước đoạn Km30+600-Km33+00; Km42+550-Km44+180, ĐT231 do Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Huyền Mạnh thi công.
Clip: Công nhân, kỹ sư thực hiện sửa chữa mặt đường theo công nghệ tái sinh nguội tại chỗ.
Công trình được khởi công từ ngày 1/1, dự kiến hoàn thành trước ngày 1/5.
Công trình có tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng, được thực hiện bằng phương pháp cào bóc, tái chế nguội mặt đường với quy mô trên cơ sở hiện trạng mặt đường tỉnh 231 đã có mặt đường láng nhựa rộng 3,5m; tiến hành sửa chữa bằng phương pháp cào bóc, tái sinh nguội tại chỗ bằng vật liệu gia cố 4% xi măng, chiều sâu kết cấu sau khi hoàn thiện là 20cm.
Tưới bảo dưỡng nhũ tương phân tách chậm CSS-1 tiêu chuẩn 0,8kg/m2; sau đó láng nhựa nóng 3 lớp, tiêu chuẩn 4,5kg/m2. Một số đoạn đường cong mở rộng mặt đường lên 5,5m; bổ sung, gia cố rãnh thoát nước một số đoạn qua khu dân cư, bổ sung hệ thống ATGT…
Thực tế cho thấy, sau khi rải xi măng, nhà thầu đã sử dụng máy móc chuyên dụng tái chế nguội mặt đường.
"Chúng tôi vẫn đang thi công theo đúng thiết kế yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 13150-1:2020. Tuy nhiên, người dân không hiểu, quay clip với nhiều nội dung chưa chính xác như cho rằng chúng tôi thi công trên đường tỉnh 226 (thực tế là đường tỉnh 231-PV). Mỗi ngày đơn vị chỉ thi công tối đa được khoảng 200m mặt đường nhưng người quay clip nói thi công, rải xi măng khoảng 1km là không chính xác. Hơn nữa, thời điểm thi công, quay clip trên tại địa bàn không có mưa nhưng người này cho rằng trời đổ mưa, mặt đường nhiều bùn lầy… gây bức xúc cho các tổ, đội thi công", ông Vi Trường nói.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Huyền Mạnh cũng cho biết: Ngay khi nắm được thông tin clip trên, công ty đã trao đổi, nhờ các lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh. Đến nay, người quay và đăng tải clip trên đã biết sai, gỡ bỏ clip không đúng sự thật nêu trên.
Kết quả kiểm tra cho thấy đơn vị thi công đúng kỹ thuật, đạt chất lượng yêu cầu.
Thi công đúng thiết kế, kỹ thuật
Trực tiếp đến kiểm tra tại hiện trường, kỹ sư Bùi Ngọc Quỳnh, lãnh đạo Phòng Bảo trì, Ban Quản lý xây dựng và bảo trì giao thông, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Đơn vị thi công đang thực hiện đúng thiết kế, kỹ thuận và biện pháp thi công theo quy định. Sau rải xi măng ra mặt đường theo tỷ lệ 4%, mặt đường sẽ được cào bóc, tái sinh nguội tại chỗ. Đây là phương pháp thi công mặt đường cũ, khắc phục hư hỏng theo công nghệ của Nhật, đã được Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn thực hiện nhiều năm nay đem lại hiệu quả cao.
"Phương pháp thi công này đang rất ưu việt, là biện pháp thi công có chi phí thấp nhất hiện nay khi bảo trì đường bộ. Theo đó, toàn bộ vật liệu cũ trên mặt đường đều được tái sử dụng mà gần như không cần bổ sung; vẫn giữ được cốt nền, mặt đường, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh. Hiện tại Lạng Sơn đã có khoảng 100km đường tỉnh được thực hiện bằng biện pháp thi công này, nhiều đoạn đã được hiện hơn 5 năm nhưng chất lượng mặt đường vẫn bảo đảm, chưa phải sửa chữa, bảo trì", kỹ sư Bùi Ngọc Quỳnh thông tin.
Một số đoạn trên đường tỉnh 226 được Công ty TNHH MTV Huyền Mạnh thi công, sửa chữa bằng phương pháp tái sinh nguội từ năm 2020 đến nay vẫn sử dụng hiệu quả, chưa phát sinh hư hỏng, xuống cấp.
Theo ghi nhận của PV tại công trình trên và một số công trình đã được triển khai bằng phương pháp này từ những năm trước, sau khi trải đều xi măng, mặt đường đã được các máy móc chuyên dùng xới, trộn nhuyễn rồi lu lèn tạo thành nền đất bằng phẳng chắc chắn, không thấm nước. Sau đó, mặt đường được láng nhựa, trả lại mặt đường bê tông nhựa êm thuận, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu lưu thông.
Lãnh đạo Công an xã Hoa Thám cũng cho biết: Ngay sau khi nắm được sự việc trên, đơn vị đã rà soát, đến làm việc với người dân đăng tải clip trên. Sau khi được giải thích rõ quy trình thi công mặt đường, người này đã xin lỗi đơn vị thi công và xin gỡ bài viết hiểu lầm trên.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/clip-cong-nhan-do-xi-mang-ra-duong-tron-voi-dat-do-o-lang-son-chi-la-hieu-lam-19225021810164606.htm
Bình luận (0)