CIC Group (CKG) vừa bị HoSE đưa vào diện cảnh báo
CTCP Tập đoàn tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang – CIC Group (mã HoSE: CKG) là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bất động sản.
Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra quyết định đưa cổ phiếu CKG của đơn vị này vào diện cảnh báo kể từ ngày 27/9/2023 do công ty đã chậm nộp BCTC bán niên soát xét quá 15 ngày so với quy định.
Việc mã cổ phiếu CKG bị đưa vào diện cảnh báo cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động của CIC Group bởi trong ngày 11/9/2023 vừa qua, CIC Group vừa có quyết định triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trong đó, HĐQT thông qua việc chào bán riêng lẻ 13.400.219 cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Mức giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu. Với phương án này, CIC dự kiến sẽ thu về được 201 tỷ đồng.
Số tiền 201 tỷ thu về sẽ được công ty phân bổ như sau: 97,3 tỷ đồng dùng để thanh toán cho các khoản nợ với các bên thi công; 96,8 tỷ đồng dùng để thanh toán cho các khoản nợ vay đến hạn và 6,9 tỷ đồng dùng để mua vật liệu, thanh toán tiền lương cho cán bộ nhân viên.
Như vậy, có thể thấy rằng phần lớn số tiền huy động từ lần phát hành này dùng để trả nợ.
Lợi nhuận gộp sụt giảm, CIC Group suýt không hoàn thành kế hoạch năm
Phương án phát hành cổ phiếu của CIC Group diễn ra trong bối cảnh đơn vị này ghi nhận sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Trong đó doanh thu mang về tại quý 2/2023 đạt 372,8 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mang về 113,2 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 31,1% xuống chỉ còn 30,4%.
Biến động đáng chú ý trong kỳ là chi phí tài chính, tăng thêm 59%, chiếm 8,6 tỷ đồng trong cơ cấu doanh thu. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm lần lượt 3,9 tỷ và 34,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của CKG chỉ còn 58,6 tỷ đồng, giảm 16,5% so với nửa đầu năm 2022.
Tính tới hết quý 2/2023, doanh thu luỹ kế của CIC Group đạt 623,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế luỹ kế đạt 84 tỷ đồng. So với kế hoạch mục tiêu trong năm 2023 với doanh thu 1.234,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng thì hiện tại CKG mới hoàn thành 47,1% kế hoạch doanh thu cùng 48% kế hoạch lợi nhuận năm.
Lượng tiền mặt sụt giảm còn 1/3, tài sản nghìn tỷ nhưng phần lớn là nợ
Tổng tài sản của CKG đạt 4.729 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2023, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Tuy tổng tài sản hàng nghìn tỷ nhưng lượng tiền mặt mà CKG nắm giữ vô cùng thấp, chỉ chiếm 20,5 tỷ đồng. Ngoài ra công ty có thêm 3,5 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.
Trong cơ cấu tài sản, tổng lượng tiền mặt của CKG đã giảm gần 70% so với thời điểm đầu năm. Lượng tiền gửi ngân hàng giảm từ 14,7 tỷ xuống chỉ còn 3,5 tỷ đồng, tương đương lượng giảm 76%. Như vậy, lượng tiền mặt mà CKG đang nắm giữ chỉ chiếm 0,5% so với tổng tài sản. Điều này sẽ làm tăng rủi ro về thanh khoản cho công ty.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho hiện cũng đang chiếm tới 2.839,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Hàng hoá và nguyên vật liệu chỉ chiếm 5 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn của CKG, phần lớn nguồn vốn của đơn vị này là nợ, chiếm 3.416,7 tỷ đồng, tương đương 72,2% tổng nguồn vốn hiện có. Công ty đang vay nợ ngắn hạn 664,9 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng đang chiếm 891,2 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ vay hiện tại chiếm 1.556,1 tỷ đồng, cao vượt hơn 18,6% so với vốn chủ sở hữu hiện tại.
Cơ cấu tài sản phần lớn là nợ, nợ vay cao vượt vốn chủ trong khi lượng tiền mặt còn lại rất ít. Không quá khó hiểu khi CIC Group phải lên phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn thêm 201 tỷ đồng. Phần lớn trong đó sử dụng với mục đích trả nợ.