Lời tòa soạn: Tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đang trở thành từ khóa nóng được quan tâm.
Đây được xem là "cuộc cách mạng" đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình. Dự kiến sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước. Nhiều nhân sự trong diện tinh giản ở độ tuổi 30-50 không tránh khỏi hoang mang, lo lắng.
Tìm việc hay khởi nghiệp ở ngưỡng tuổi này với nhiều người là một thử thách. Tuy nhiên, bước ra ngoài kia, bạn không hề đơn độc, bởi thực tế, có nhiều cá nhân đã có những giai đoạn từng giống như bạn.
Từ một nữ phó chủ tịch quen với công việc hành chính, đều đặn nhận lương mỗi tháng; từ một hiệu trưởng, giảng viên quen với nhịp dạy sáng đi tối về trên mỗi giảng đường… họ trở thành những chủ doanh nghiệp triệu USD điển hình, gây dựng sự nghiệp cho bản thân ở tuổi 30-50, thậm chí giúp đỡ được nhiều người.
Dân trí triển khai tuyến bài "Bứt khỏi vùng an toàn" với mục đích lan tỏa năng lượng tích cực, là sự gợi mở giúp nhiều người có thêm động lực và hướng đi mới cho bản thân.
Ngày đầu tiên nghỉ làm tại Ủy ban nhân dân thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, bà Vũ Thị Thương Huyền đăng trên trang Facebook cá nhân một bức ảnh kèm dòng chữ: "Ngược nắng".
Rời bỏ vị trí nhiều người mơ ước, bà Huyền tự nhận mình sẽ phải đi trên con đường mà những bước đi đầu tiên chẳng hề dễ dàng, như người đi ngược nắng có thể còn không thấy rõ phía trước.
Nhưng rồi, người phụ nữ sinh năm 1974 quyết định bước ra khỏi vùng an toàn…
Vốn nhiệt tình, tận tụy, hết lòng vì các hoạt động phong trào, bà Huyền dần trưởng thành từ công tác đoàn địa phương, được lựa chọn vào đội ngũ cán bộ nguồn và tham gia các khóa đào tạo tại Hà Nội.
Từ năm 2000 đến năm 2021, bà lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ ở địa phương như Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Sông Cầu, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn phụ trách mảng kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội…
Hơn 20 năm công tác, người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí đưa ra ánh sáng một số vụ việc tiêu cực ở địa phương. Đến năm 2021, bà Huyền quyết định nghỉ việc và dành trọn tâm huyết cho cây chè.
Quyết định rời cơ quan nhà nước đúng vào thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng của bà Huyền khiến gia đình và nhiều người lo lắng.
"Ai cũng nói, người ta "chui" vào không được mình lại "chui" ra. Giãn cách xã hội, sản xuất giao thương ngưng trệ, cán bộ nhà nước là ổn định nhất, kiểu gì thì cuối tháng cũng có lương. Giờ tôi mà nghỉ thì làm gì khi chẳng biết tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao?", bà Huyền nhớ lại những lời can ngăn.
Nghĩ đến khoản tiền lương 8 triệu đồng đều đặn mỗi tháng - số tiền không quá lớn nhưng cũng đủ để lo cho 2 con (sinh năm 2007 và 2009) ăn học và chi tiêu cho gia đình, nghĩ đến người chồng lái xe đang bị ảnh hưởng công việc vì dịch bệnh… vị phó chủ tịch thị trấn không khỏi hoang mang.
Thêm nữa, việc làm ổn định quá lâu ở một chỗ khiến người phụ nữ này cũng có nhiều nỗi sợ: "Tôi tự nhận thấy mình thui chột đi sự sáng tạo, khả năng dám tiếp cận cái mới. Ở tuổi U50, liệu tôi có thể làm được gì?".
Nhưng rồi dưới tác động của nhiều nhân tố và trên hết là khát vọng được sống một cuộc đời khác, chứng minh bản thân có năng lực, có tri thức, bà Huyền quyết định đóng lại cánh cửa phòng làm việc ở UBND thị trấn Sông Cầu và mở ra cho mình một cánh cửa khác.
Nghỉ việc ở cơ quan nhà nước, bà Huyền được nhận khoản hỗ trợ gần 200 triệu đồng nhưng chỉ đủ để trả khoản vay để đi học thạc sĩ ở Hà Nội.
Thời điểm ấy, gần như trong tay bà chẳng có chút vốn liếng. Gắn bó với cây chè từ tấm bé nên người phụ nữ này quyết định chọn con đường làm trà sạch với kinh nghiệm và những kỹ thuật bản thân trau dồi trong quá trình còn công tác.
Thị trấn Sông Cầu nơi bà Huyền sinh vốn là một vùng trồng chè nức tiếng của Thái Nguyên. Những đồi chè nơi đây là hiện thân của một giai đoạn lịch sử hào hùng, vừa kháng chiến, vừa sản xuất.
Nhà máy chè Sông Cầu có quãng thời gian đáng tự hào khi cùng Tổng công ty Chè đưa chè Việt đến nhiều quốc gia trên thế giới trước khi phải hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa. Một vùng nguyên liệu mênh mông không có đầu ra, nông dân chật vật xoay xở với đủ loại kỹ thuật chăm bón khi chi nhánh chè Sông Cầu dần "teo" lại.
Bà Huyền vẫn chưa thôi ám ảnh khi nhớ đến mùi thuốc diệt cỏ mỗi khi đi giữa đồi chè Sông Cầu cách đây hơn chục năm hay cái mùi khó chịu của thuốc sâu xộc vào mũi mỗi khi mở túi chè đã qua sơ chế.
Năm 2014-2016, nhìn vùng nguyên liệu vẫn lên mầm từng ngày nhưng không có đầu ra, người nông dân phải đem chè ra chợ bán với giá rẻ bèo chỉ 30.000 đồng trong khi cách đó không xa, người dân vùng chè Tân Cương bán sản phẩm với giá cao gấp 10 lần, nhiều vùng chè khác đang chuyển mình… người phụ nữ chua xót nhận ra, những người nông dân của mình "thua ngay trên sân nhà".
Khi còn công tác bà Huyền đã nhen nhóm ý định thành lập hợp tác xã để hồi sinh vùng chè, tìm đầu ra cho sản phẩm huyền thoại của địa phương.
Đến năm 2016, bà Huyền bàn với chị gái Vũ Thị Thanh Hảo - một giáo viên mầm non nghỉ việc nhà nước vì lương thấp - thành lập Hợp tác xã chè Thịnh An để hiện thực hóa đam mê của mình: Làm chè sạch, phát triển du lịch.
Những năm đầu hợp tác xã thành lập, bà Huyền đã đưa người nông dân đi học hỏi kỹ thuật chăm sóc chè, chế biến chè, xây dựng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ. Để trang bị thêm kiến thức về kinh doanh, cứ mỗi cuối tuần, người phụ nữ này lại đi xe máy về Hà Nội theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Thăng Long.
"Tôi dự định năm 2025 sẽ nghỉ việc nhà nước để chứng tỏ bản thân có đủ tri thức làm thêm nhiều việc khác, lúc đó con cái cũng đã lớn hơn. Nhưng sau một số sự việc, tôi quyết định bứt phá bản thân sớm hơn", bà Huyền nói.
Thời gian đầu nghỉ việc, nguồn vốn không có, sức ì vì "ngồi một chỗ quá lâu" lại thêm những hạn chế về công nghệ khiến bà Huyền cảm thấy choáng ngợp trước vòng xoay của thị trường. Thời điểm ấy lại đúng giãn cách xã hội vì Covid-19, khó khăn người phụ nữ này gặp phải như nhân lên gấp bội.
"Hàng hóa gửi đi các tỉnh đa phần bị quay đầu. Tiền vận chuyển vẫn mất hàng triệu đồng mỗi chuyến mà hàng không giao được. Chè mỗi ngày vẫn thu về sao chế, chất đầy kho. Nhìn lượng hàng hóa ùn ứ, tôi như ngồi trên đống lửa", bà Huyền nhớ lại.
Lúc này, bà Huyền chỉ biết động viên các hộ nông dân trong hợp tác xã tuân thủ các quy trình từ chăm bón đến sơ chế. Hàng về lưu tạm trong kho và dùng vốn dự phòng ứng trước cho một số hộ thực sự khó khăn.
Khi các quy định về giãn cách dần nới lỏng, bà Huyền về Hà Nội "trực chiến" tại gian hàng hợp tác xã trong Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp ở 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Trong tuần, bà vẫn đi về như con thoi giữa Hà Nội - Thái Nguyên.
"Tôi về bàn bạc, xử lý công việc, rồi đáo qua nhà nhưng chỉ dám đứng ngoài cổng sắt nhìn các con. Lúc ấy, tôi lo lắm, nhưng nghĩ đến ngày cả gia đình ổn định cuộc sống, nghĩ đến những người nông dân phơi mình trên nương chè, tôi lại có động lực", người phụ nữ 51 tuổi nói.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, bà Huyền tiếp những vị khách ít ỏi tại gian hàng 6m2 trong Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp. Tệp khách hàng vốn đã mỏng vì không có sự chăm sóc, đầu tư, sau dịch bệnh lại càng rơi rụng nhiều. Có những ngày ngồi cả buổi, bà cũng chỉ bán được 1-2 lạng chè.
Tuy nhiên, những ngày khó khăn ấy cũng dần qua đi khi người phụ nữ này nhận ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Để không lãng phí không gian giữa "đất vàng" Thủ đô, bà Huyền viết đề án báo cáo tỉnh Thái Nguyên xin xây dựng khu trưng bày trải nghiệm các sản phẩm OCOP chủ lực của Thái Nguyên với chủ đề "Thủ đô gió ngàn trong lòng Hà Nội" để giới thiệu chè và các nông sản của Thái Nguyên với khách hàng Thủ đô.
Với từng vị khách đến với gian hàng, bà Huyền dành nhiều thời gian chia sẻ kiến thức về trà, mời trà miễn phí.
Nhờ kiến thức của một nghệ nhân trà, bà Huyền dành cho khách hàng sự chăm sóc "ân cần" theo cách riêng: "Tôi muốn mỗi vị khách khi mua đều uống trà, ưng thì mới mua hàng, bất cứ gói trà nào nhận về khi cắt ra khách không thấy hài lòng đều có thể đem đến đổi bình thường. Tôi luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trước tiên".
Bà Thương Huyền mời Thủ tướng Phạm Minh Chính uống trà tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Bà Huyền còn tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh để giới thiệu sản phẩm, phối hợp với các khu nghỉ dưỡng, trường đại học tổ chức các buổi giới thiệu về trà Việt, giới thiệu thương hiệu chè Sông Cầu.
"Tôi yêu cầu bà con đi hái chè, làm chè phải chụp lại hình ảnh, đồng loạt đẩy mạnh hình ảnh chè Sông Cầu trên nền tảng mạng xã hội", bà Huyền nói về những bước đầu tiên đưa chè Sông Cầu lên "chợ mạng".
Để giải quyết bài toán về vốn, bà Huyền xoay vòng các nguồn tiền, vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô (tổ chức tài chính hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm nghèo ở Việt Nam).
Tệp khách hàng qua mỗi năm nhờ thế được mở rộng, nhiều người đã gọi đến đặt hàng từ số điện thoại trên chính gói chè được bạn bè, đối tác gửi tặng.
"Từ đếm từng lạng chè mỗi ngày thì lượng khách hàng đông dần, chè Sông Cầu không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà chinh phục nhiều thị trường khó tính như Nga, Trung Đông, Sri Lanka, Nhật Bản hay theo kiều bào sang các nước châu Âu.
Từ cân chè bán với giá 30.000 đồng năm nào giờ tôi có thể nâng giá trị, bán với giá 3-4 triệu đồng. Chỉ trong 7-8 ngày hội chợ, gian hàng của chúng tôi đã có doanh thu bằng một tháng trước đó", bà Huyền kể.
Hợp tác xã Chè Thịnh An do bà Huyền đứng đầu đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho gần 160 hộ dân, diện tích vùng chè nguyên liệu 50ha. Tính đến năm 2025, Hợp tác xã chè Thịnh An do bà Thương Huyền làm giám đốc đã có 6 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, riêng sản phẩm "Chè Thịnh An thượng hạng" (Chè Đinh) và Chè đen là sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Hợp tác xã Chè Thịnh An còn xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, du lịch xanh để kể câu chuyện về vùng trà huyền thoại của mảnh đất trung du.
Cùng với Hợp tác xã Chè Thịnh An, bà Huyền có cơ hội tham dự nhiều sự kiện quan trọng của ngành nông nghiệp, tham dự triển lãm các sản phẩm kinh tế quốc phòng Việt Nam - Campuchia, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân 2024, mời trà các tham tán, đại sứ, Tổng giám đốc tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO)…
Nhìn lại hành trình đã qua, Giám đốc Hợp tác xã Thịnh An rưng rưng: "Vĩnh viễn tôi không biết mình mạnh mẽ đến đâu nếu tôi không mạnh dạn bước đi. Tự nhiên tôi có thể khai thác được những giá trị mà bản thân không ngờ mình có thể làm tốt đến thế".
Các đại biểu từ Bộ Nông nghiệp Cu Ba tham quan gian trưng bày chè và các sản phẩm nông nghiệp của Thái Nguyên năm 2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Khởi nghiệp ở tuổi U50, bà Huyền cho biết mình không có gì ngoài niềm tin duy nhất rằng sản phẩm mình đã làm chuẩn, đã sạch thì chắc chắn sẽ có đường đi.
"Tôi vừa làm, vừa học, sức mình đến đâu làm đến đó, làm từng bước một và không nhảy cóc, không so sánh mình với người khác để tự thấy áp lực hay buộc lòng phải đi gấp, hành động thiếu suy nghĩ. Chỉ cần biết ngày hôm nay đã tốt hơn hôm qua thế là được", nữ giám đốc hợp tác xã bộc bạch.
Trước công cuộc tinh gọn, sắp xếp bộ máy nhà nước khiến 100.000 nhân lực nhân lực sẽ phải rời khu vực công, nữ giám đốc bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ: "Có những ngã rẽ con người ta bắt buộc phải lựa chọn.
Nếu dũng cảm, các bạn có thể sẽ thay đổi được cuộc sống của bản thân và biết đâu là hoàn thành mong ước nào đó lúc trẻ mình đề ra mà chưa thực hiện được. Cán bộ nhà nước đều là những người có nền tảng cơ bản, được trang bị kiến thức thì tại sao những người nông dân làm được, mình không làm được? Hãy nghĩ rằng… dám để cuộc đời mình tốt hơn".
Bài 2: Từ cán bộ nhà nước đến ngã rẽ thành ông chủ triệu USD nức tiếng một vùng
Ảnh: Nguyễn Ngoan, Tuấn Huy, Nhân vật cung cấp
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh, Nguyễn Ngoan
Dantri.com.vn
Bình luận (0)