1. Chẳng biết từ lúc nào, tôi có thói quen lưu lại những cuốn vở cũ.
Tôi lưu lại những quyển vở học thời đại học, dù nhiều chục năm đã qua, giấy ố vàng của thời bao cấp, thời lắm khó khăn. Tôi không nỡ bỏ những cuốn vở một thời mình đã học, đã ghi chép cẩn thận, miệt mài. Tôi trân trọng những gì mình đã tiếp thu được từ thầy cô, những ngày mình còn ngồi trên ghế nhà trường, lúc mình còn rất trẻ, cho mãi đến sau này, khi đã lớn tuổi. Tôi nhớ như in, ngày tôi còn rất nhỏ, ba tôi có nói rằng: “Sách vở, giấy tờ chữ Nho, con không được để ô uế. Vì đó là chữ của Thánh hiền. Con phải trọng những chữ ấy!”
Tôi không được học chữ Nho. Tôi chỉ được học chữ Quốc ngữ và hai ngoại ngữ khác, tiếng Pháp, tiếng Anh. Học trong nhiều năm với rất nhiều thầy cô, nhưng chẳng khi nào, tôi nghe được từ thầy cô của mình nói những lời tương tự lời ba tôi đã nói. Ba tôi chỉ học đến lớp ba trường làng từ những ngày Pháp thuộc, nhưng điều ba tôi nói ấy, tôi nhớ mãi. Từ trong tiềm thức, tôi luôn trân trọng những cuốn vở ghi những bài học của mình.
2. Kế tiếp việc giữ lại những cuốn vở học của mình, tôi thường giữ lại những cuốn vở, ghi chữ viết của hai cậu con trai, những ngày các cháu học tiểu học đến khi các cháu học lên sau này. Thành thật mà nói rằng, từ trong lòng, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có thể dễ dàng rời bỏ những cuốn vở ấy của các con! Dù đã qua khá lâu, những ngày các cháu học, các cháu ghi chép trên những trang vở ấy.
Với tôi, cứ mở một cuốn vở của con, tôi lại hình dung trong đầu mình, và cả trong tim mình: Cậu con trai mình đã chăm chú viết những dòng chữ ấy trong vở cẩn thận từng nét theo hướng dẫn của cô giáo, từ những bài tập viết đầu tiên, đến những môn của những lớp khác hơn về sau này. Để từ đây, các con có thêm những kiến thức mới, có những hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống quanh mình, thế giới quanh mình.
Thương các con lắm, tôi không thể nào đành lòng bỏ đi những cuốn vở ấy! Dù biết rằng, số vở ấy, ngày một nhiều hơn theo thời gian. Xếp những quyển vở đã học của từng cậu con trai của mình vào từng túi theo từng năm học, ghi chú bên trên, tôi lưu lại. Ngôi nhà mà gia đình nhỏ của chúng tôi ở dù không rộng lắm nhưng tôi vẫn có chỗ để giữ lại những cuốn vở học của các con tôi trong nhiều năm.
3. Tôi đã từng giữ lại những cuốn vở học của mình ở một chặng đường ngày cũ. Rồi tôi lưu lại một cách cẩn thận, đầy tình yêu thương những cuốn vở học của các con. Tôi xem việc ấy như để giữ lại những vật kỷ niệm một thời đổ nhiều công sức để học hành của mình và hai con.
Ơi những cuốn vở của các con tôi những ngày đã khá xa, nhưng sao tôi thấy chúng vẫn mang hơi ấm của những tháng ngày nó được viết lên, bằng những màu mực khác nhau, bằng những nét chữ đổi thay dần theo thời gian của các con thương yêu! Những trang vở ấy, không nói được thành lời, nhưng nó là chứng nhân của một thời, nó lẳng lặng tỏ bày sự nỗ lực của các con trên những chặng đường học tập, từ chặng đầu tiên đến những chặng nối tiếp của đời người. Đó là một cuộc hành trình học tập nhiều năm, từng ngày qua ngày, tiếp thu dần những tri thức khoa học dưới những mái trường. Rồi, khi các con lớn lên, vào đời, các con sẽ vận dụng những điều đã học được thành những điều hữu ích của ngày nay và của cả những ngày mai.