Ngắm nhìn “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn bát ngát, ít ai biết rằng xưa kia, Thung Nham vùng đất sình lầy, đường vào không có, lau sậy và cỏ dại mọc um tùm, hoang vu đến rợn người. Khi đó, anh Phạm Công Chất mới ngoài 20 tuổi, còn chưa có gia đình và vừa rời quân ngũ trở về. Tài sản duy nhất là nghị lực của người lính và ý chí không cam chịu đói nghèo của một thanh niên giàu khát vọng. Câu chuyện về người lính, doanh nhân Phạm Công Chất đã truyền cảm hứng cho những người trẻ ngày nay hãy ước mơ và đương đầu với khó khăn, thử thách để xứng đáng với sứ mệnh mà đất nước đặt trên vai họ.
Theo dấu chân người lính
Men theo con đường nhỏ uốn lượn quanh triền núi thẳng đứng, ẩn hiện giữa bạt ngàn cây rừng dẫn chúng tôi vào Khu du lịch sinh thái Thung Nham, một bức tranh ” sơn thủy hữu tình” hiện ra trước mắt làm xua tan đi cái nóng oi ả của mùa hè.
Vừa qua đợt mưa, nắng mới lên làm vòm trời cao vút, trong xanh đến lạ thường, cảnh sắc của Thung Nham cũng vì thế mà trở nên diễm lệ, lung linh hơn. Từng hàng cây soi bóng xuống mặt hồ nước êm ả gợn sóng lăn tăn, nghe trong không gian tiếng chim gọi bày chíu chít làm bao mệt nhọc lo toan thường ngày bỗng chốc tan biến.
Con đường nhỏ mềm mại mang tên “Di sản” bao quanh Thung Nham được nối bằng những chiếc cầu vừa nguyên sơ vừa hiện đại, đủ để những tâm hồn yêu thiên nhiên cảm thấy hài lòng. Ẩn hiện thấp thoáng giữa màu xanh cây lá là những “gian” nhà nhỏ xinh, mái lợp rơm rạ để du khách dừng chân ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ mà nên thơ.
Đón chúng tôi là một người đàn ông trung niên có gương mặt cương nghị và làn da rám nắng. Anh tự giới thiệu mình là Phạm Công Chất, Tổng giám đốc Công ty Thương mại, dịch vụ và du lịch Doanh Sinh, chủ đầu tư của Khu du lịch sinh thái Thung Nham. Dẫn chúng tôi vào khu tiếp đón, vừa hãm ly trà “Sơn Kim Cúc” thoảng mùi hương thơm dịu ngọt, anh vừa giới thiệu đây là sản phẩm OCOP 4 sao đã được tỉnh Ninh Bình công nhận do chính Thung Nham sản xuất bằng công đoạn hoàn toàn thủ công.
Sơn Kim Cúc chỉ có vùng núi Thung Nham, tuy nhiên, sản phẩm trà không được bán rộng rãi ra thị trường mà chỉ để phục vụ những “thượng đế” về với Thung Nham. Câu chuyện về trà Sơn Kim Cúc nghĩa là cúc mọc trên núi đá quý hiếm như vàng xưa kia chỉ dùng để tiến Vua … đã làm ấm lòng khách đường xa và kéo chúng tôi lại gần nhau hơn.
Qua câu chuyện “ôn cố tri tân” chúng tôi được biết, anh Phạm Công Chất sinh ra và lớn lên ở xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh. Nhưng qua cách anh trò chuyện, tôi hiểu rằng Thung Nham đã gắn bó máu thịt với anh, rằng đây mới thực sự là ngôi nhà của anh, là nơi anh chọn để yêu thương và gắn bó đến hết đời.
Thung Nham đến với anh Phạm Công Chất như một “duyên kỳ ngộ” bởi “trong một lần tình cờ đến đây, tôi cảm nhận được cơ duyên của mình với mảnh đất này, cảm nhận được tiềm năng của thung lũng. Từ ngày đó, có một ước mơ, khát vọng luôn thúc giục tôi gắn bó với mảnh đất này. Tôi đã quyết định xây dựng “Trang trại kinh tế tổng hợp sinh thái” với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương”, anh Chất chia sẻ. Thế nhưng khi anh quyết định khai hoang lập nghiệp trên mảnh đất này không ít người nghĩ anh bị “điên” bởi vùng đất khỉ ho cò gáy bị xem như chốn “thâm sâu cùng cốc”, hoang vu tối tăm lâu nay chẳng ai buồn đặt chân mà có kẻ lại mơ mộng “xây lâu đài”.
“Không có bước đường nào đến thành công lại trải hoa hồng”, ngay từ công việc đầu tiên phát quang bụi rậm, đắp đập, be bờ, làm đường, tạo hồ nước đã là một thử thách khắc nghiệt. Rồi khi trang trại đã bắt đầu làm ra sản phẩm nhưng do không có đường vào. Những lúc thời tiết mưa bão, Thung Nham gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Các vườn cây, ruộng lúa bị ngập nước, mất mùa. Những năm được mùa nông sản thì lại không thể đem ra ngoài bán vì không có đường đi, phải đưa bằng thuyền nên bị héo, thối nhiều… trong khi đó nguồn vốn ngày càng cạn kiệt.
“Nhiều đêm nằm một mình giữa thung sâu heo hút, ngợp tiếng ếch nhái, côn trùng, chim chóc và thú hoang, lại bị muỗi đốt nhiều lên cơn sốt hầm hập, nản quá tôi nghĩ mình không thể vượt qua” anh Chất nhớ lại. Thế nhưng chính những năm tháng khoác áo lính đã hun đúc lên một Phạm Công Chất với khả năng chịu đựng gian khổ và đức tính kiên cường, bất khuất của người lính Cụ Hồ đã giúp anh vượt qua mọi gian khó để đi đến bến bờ thành công.
Điểm khác biệt của doanh nhân cựu chiến binh Phạm Công Chất chính là sự kết hợp giữa thực tế và lãng mạn trong con người anh. Chính vì vậy, anh đã sớm hình thành ý tưởng phát triển thành khu du lịch sinh thái. Thời điểm ấy ý tưởng này khá mới mẻ, nhưng điều anh đã nghĩ thì phải quyết tâm thực hiện bằng được. Hình ảnh một Thung Nham thiên nhiên xinh tươi chan hòa ánh sáng, tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt luôn neo đậu nơi tâm trí anh.
Đến năm 2003, Khu du lịch sinh thái Thung Nham ra đời. Đây là thành quả của cả một tập thể những người lao động đã cùng đồng cam, cộng khổ, động viên nhau vượt qua khó khăn bởi một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng. Có lẽ, chính bởi tâm huyết, sự quyết tâm sắt đá của người thuyền trưởng đã có sức lan tỏa, cổ vũ, khích lệ tinh thần những người nông dân vốn chỉ quen với công việc đồng áng lam lũ. Trân trọng những sự hy sinh ấy, bây giờ ở Thung Nham vẫn còn lưu giữ những kỷ vật mà anh gọi là “công thần” như “máy cày”, “con trâu”…
Khát vọng tuổi 20
Sau 20 năm “khai sơn phá thạch” thung lũng hoang sơ ngày nào đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch Ninh Bình, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ gìn giữ môi trường, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Năm 2019, Thiên đường du lịch sinh thái Thung Nham đã đón được 207 nghìn lượt khách. Trong hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19, Công ty vẫn đảm bảo việc làm, an sinh xã hội và thu nhập cho người lao động.
Đặc biệt, Thung Nham đã nỗ lực trong việc huy động nguồn vốn đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Trong đó đã đưa vào khai thác bể bơi ngoài trời lớn nhất tại Ninh Bình với diện tích khoảng 5.000m2, cải tạo đảo hoa bốn mùa, hoàn thiện không gian sự kiện ngoài trời với sức chứa lên tới 1.000 khách.
Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19, năm 2022, hoạt động đón khách tại Thung Nham được coi là đỉnh cao của sự phát triển với lượng khách tăng gấp đôi năm 2019. Riêng 4 tháng đầu năm 2023 lượng khách chiếm tới 65% năm 2022. Từ chỗ chỉ có chưa đầy 20 người lao động, đến nay Khu du lịch đang giải quyết việc làm cho gần 300 lao động với mức lương trung bình từ 8 -15 triệu đồng, quản lý cấp cao từ 20 -25 triệu đồng/người/tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, cải thiện chất lượng cuộc sống và là “cánh tay đắc lực” góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Quần thể danh thắng Tràng An.
Bà Lê Thị Trưởng, vừa ngân nga câu thơ mời du khách đến với Thung Nham, vừa lái đò đưa chúng tôi vào hang Bụt, một trong những địa danh nổi tiếng của Thung Nham, bà kể: Người lái đò ở Khu du lịch hầu hết là người Thung Nham, ngày xưa làm nông nghiệp vất vả, bây giờ đi chèo đò thu nhập ổn định hơn, nhà nào trong thôn cũng có ít nhất một người được làm ở đây. Nhà tôi 3 đứa con đều làm việc cho doanh nghiệp nên cuộc sống đã thay đổi, sung túc hơn nhiều. Cuộc sống đổi thay, chúng tôi thấy rất vui muốn gắn bó hơn với khu du lịch này.
Ở cái tuổi 20 tràn trề sức sống và đam mê, Thung Nham đang là hình mẫu phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Đến đây bạn sẽ nghe thấy những âm thanh trong trẻo của thiên nhiên nguyên sơ từ lòng đất mẹ. Bạn sẽ không đem về gì ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân.
Nhìn ánh mắt xa xăm của doanh nhân cựu chiến binh Phạm Công Chất khi chia tay, tôi hiểu rằng người lính bộ đội Cụ Hồ năm nào vẫn đang trên hành trình thực hiện sứ mệnh của người khai phá, đưa mảnh đất Thung Nham trở thành “viên ngọc xanh” giữa lòng di sản bởi Thung Nham đã chọn anh và nơi đây là quê hương, là tình yêu, khát vọng, đam mê của người lính.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn