Giữa trưa, theo sự chỉ dẫn của ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My, tôi tìm đến bản Văng Môn nằm ven con suối nhỏ cách trung tâm xã không xa. Giờ này, đường vào thôn bản vắng lặng, không một bóng người, nhiều nhà dân cũng cửa đóng, then cài. Có thể do ngại nắng nóng nên bà con hạn chế ra ngoài hoặc đi rừng đi nương cả. Tiếp tôi là bà Lương Thị Lan, năm nay 40 tuổi, là Trưởng bản do dân tín nhiệm bầu cách đây 5 năm. Từ đây, câu chuyện về cội nguồn của dân tộc Ơ Đu được bà kể lại.
Cộng đồng hơn 400 người
Ơ Đu, theo tiếng Thái, có nghĩa là “thương lắm”. Người Ơ Đu trong quá khứ có ngôn ngữ riêng, dân số đông đúc, đời sống phồn thịnh trong một lãnh thổ rộng lớn bao gồm vùng thượng nguồn hai con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ và một phần của nước Lào. Nhiều địa danh ở vùng Tương Dương ngày nay còn mang đậm thanh âm của tiếng Ơ Đu đã minh chứng tổ tiên họ đã từng khai phá và sinh sống lâu đời. Sau này, những cuộc di dân tìm đất sống của người Thái, Khơ Mú từ Tây Bắc sang đã dẫn tới cuộc chiến dai dẳng nhằm giành đất và tạo thế lực.
Do thất thế, người Ơ Đu bị tộc người thế lực mạnh hơn cướp đất, truy đuổi, phải lánh nạn, du cư du canh nơi thâm sơn cùng cốc hoặc cam chịu số phận bi đát làm “cuông, nhuốc”, tức là người cày thuê, cuốc mướn trong sự kèm cặp của chủ đất một thời gian dài… Thế nên, cái tên Tày Hạt, một cái tên khác, theo tiếng Thái có nghĩa là “Người đói rách” ám chỉ thân phận người Ơ Đu cũng xuất hiện từ đó…
Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, một bộ phận người Ơ Đu đã đổi họ theo người Thái, Lào như họ Lo, Lương, Vi… Thậm chí, bỏ tiếng nói dân tộc mình để chuyển sang sử dụng ngôn ngữ của dân mới tới và thay đổi phong tục, tập quán cho phù hợp thời thế.
Lại thêm người Ơ Đu khi lập gia đình thường lấy người dân tộc Thái, Khơ Mú bởi họ luôn tuân thủ nguyên tắc: cùng dòng họ không được lấy nhau. Chỉ có vài trường hợp hiếm hoi, người trong bản lấy được nhau do tình yêu sâu đậm, đã vượt qua bao khó khăn, định kiến. Chính vì những nguyên nhân trên khiến dân số người Ơ Đu suy giảm nghiêm trọng, ngoài ra tạo rào cản tâm lý trong việc xác nhận lại dân tộc gốc, kéo theo nhiều di sản văn hóa truyền thống, ngôn ngữ bị mai một là điều không tránh khỏi.
Bà Lương Thị Lan cho biết: Trước đây, người Ơ Đu sống tập trung tại bản Vẻ. Tháng 11.2006, người dân nhường đất để xây dựng thủy điện và được chính quyền đưa về tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My cách làng cũ hơn 30 km. Ban đầu, có hơn 300 nhân khẩu nay đã tăng 73 hộ với 455 người được xác định ít nhất trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam. Đa số dân bản giao tiếp hàng ngày chủ yếu bằng tiếng Thái, thi thoảng có pha trộn tiếng Ơ Đu nhưng không nhiều.
Già làng Lo Thanh Bình, 75 tuổi, là một số ít người còn nói được tiếng Ơ Đu, chia sẻ: “Rất hiếm khi tôi dùng tiếng Ơ Đu bởi người già trong làng nhớ tiếng mẹ đẻ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngoài ra, hầu hết dân làng từ bé đến lớn đã quen miệng nói tiếng Thái, cho nên rất khó truyền dạy để chuyển sang nói tiếng Ơ Đu”.
Mặc dù bị đồng hóa nhiều mặt nhưng một số nét văn hóa riêng biệt, hiếm hoi của người Ơ Đu qua những phong tục, tập quán vẫn có thể nhận dạng.
Từ lễ mừng tiếng sấm năm mới (Tết Chăm Phtrong)
Người Thái Tây Bắc tính lịch theo mặt trăng (âm lịch) nên ăn Tết Bươn Chiêng trùng với Tết Nguyên đán, người Tày Nùng cũng giống về thời điểm tuy tên gọi là Nèn Bươn Chiêng (nèn nghĩa là tết, bươn chiêng nghĩa là tháng giêng). Với người Ơ Đu, ngày Tết Chăm Phtrong, hay gọi là Tết mừng tiếng sấm, là tập tục cổ xưa duy nhất được người Ơ Đu lưu giữ. Tết gắn liền với tục thờ thần sấm, được bắt đầu khi tiếng sấm xuất hiện đầu tiên trên bầu trời sau những ngày đông giá rét, thường rơi vào thời điểm từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 dương lịch. Đó cũng là thời khắc từ năm cũ chuyển sang năm mới và khởi đầu cho một mùa gieo trồng mới.
Khi những tiếng trống được gióng lên, cả làng tề tựu tại nhà làng mổ lợn, gà cùng với việc nấu nướng, chế biến món mọc cá, cá nướng, chuột đồng phơi khô, cơm lam, bánh chưng, rượu cần – những món không thể thiếu trên mâm cúng, chuẩn bị thực hiện nghi lễ tế thần sấm… dưới sự chứng kiến của dân bản. Đến giờ hành lễ, chủ lễ là trưởng bản cùng thầy mo thay nhau hú lên gọi sấm gọi mưa và đọc lời khấn cầu thần sấm phù trợ cho bà con một năm mới luôn khỏe mạnh, may mắn, cây trái sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa… Sau lễ cúng, tới phần nghi thức thầy mo buộc chỉ cổ tay làm vía cầu sức khỏe, may mắn cho dân trong bản và khách tham dự.
Qua phần hội, khi âm thanh của cồng chiêng, kèn, đàn tùng tinh, trống, xập xòe được nổi lên rộn ràng thì mọi người trong men rượu cần đi quanh mâm cúng, tay nắm ống tre nện trên đất tạo ra âm thanh như tiếng sấm hoặc dùng gậy nhọn đâm xuống đất, tái hiện hoạt động chọc lỗ tra hạt trên nương rẫy với ước nguyện một năm mới được trúng mùa bội thu.
Kết thúc lễ hội, dân bản mang theo các dụng cụ thường ngày làm nương rẫy, bắt cá, hay chõ xôi ra suối vệ sinh sạch sẽ đồng thời phụ nữ, trẻ em rửa mặt, gội đầu hầu nhờ dòng nước gột rửa điều xui xẻo của năm cũ để năm mới gặp nhiều may mắn.
Trước đây do du cư, du canh cái đói, cái mặc luôn thiếu thốn, ngay bộ trang phục của người Ơ Đu gồm váy, áo, thắt lưng, khăn quấn đầu dệt bằng sợi tơ tằm, dần dần cũng mất đi, phải thay thế trang phục kiểu cách của người Thái. Rất may sau tái định cư, Nhà nước đã cấp cho bà con nhiều bộ khung cửi, sợi bông dệt vải; và hướng dẫn kỹ thuật sang sợi, dệt vải, thêu thùa hoa văn họa tiết trên bộ trang phục truyền thống cho phụ nữ trong bản. Nhờ vậy, ngày nay hầu hết phụ nữ, trẻ em trong bản đều có bộ trang phục truyền thống để mặc tham gia những hoạt động văn hóa.
Đến cách an táng thật kỳ lạ
Người Ơ Ðu quan niệm, linh hồn con người tồn tại ở 2 nơi, một là chỏm tóc, hai là thân xác. Khi chết đi, hồn thân xác ngụ tại bãi tha ma, hồn ở chỏm tóc quay lại làm ma nhà. Mặc dù không cúng giỗ hàng năm, tưởng nhớ người mất nhưng họ rất chú trọng việc thờ cúng ma nhà. Thêm nữa, ma nhà chỉ được thờ một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Khi các con trai đã chết hết, người ta chờ dịp lễ Chăm Phtrong sẽ mời thầy mo về nhà làm lễ tiễn linh hồn người mất về với tổ tiên.
Họ cũng tin rằng, việc thực hiện chu đáo lễ thức tang ma thể hiện sự hiếu nghĩa của người sống đối với người chết, để người đã khuất an lòng, thanh thản đi về với tổ tiên và phù trợ con cháu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vì thế, khi người thân từ bỏ cõi trần gian, gia đình sẽ tuần tự thực hiện nghi thức: tắm rửa sạch sẽ cho người chết và thay quần áo mới. Kế tiếp, trùm kín toàn thân bằng vải trắng, sau đó đặt trên tấm ván lớn hoặc cáng đan tấm phên để tại gian giữa nhà, đồng thời phát tang và báo tin cho họ hàng gần xa, chòm xóm đến chia buồn, nhìn người chết lần cuối cùng hoặc giúp đỡ tang gia lo liệu việc tổ chức chôn cất. Một việc không thể thiếu là gia đình cử người chọn đất đào huyệt và đóng một quan tài nhưng không được đưa vào nhà mà chỉ để ngoài sân.
Từ sáng sớm con cháu làm lễ cúng cho người đã khuất, xong trai tráng, theo thứ tự tốp khiêng chiếc cáng ra khỏi nhà đi trước, tốp khiêng quan tài theo sau, cùng hướng ra bãi tha ma. Tại huyệt mộ đã đào sẵn, gia đình mới làm lễ đưa thân xác người chết nhập quan và tiến hành hạ huyệt, chôn cất.
Giải thích vì sao phải nhập quan tại nghĩa địa, ông Lo Thanh Bình cho biết: Xưa kia, đồng bào sống ly tán, tự lực cánh sinh nơi đầu nguồn sông suối hoặc những vùng núi hiu quạnh. Những lúc nhà có người mới mất, thì rất khó xử do không có xóm làng hỗ trợ mai táng, thiếu người khiêng quan tài. Vì vậy, người ta buộc phải làm áo quan ngay huyệt mộ rồi đưa thi hài người chết ra nhập quan cho được gọn nhẹ. Cách an táng này truyền nhiều đời thành tục lệ.