Đó là chia sẻ đầy xúc cảm của nhạc sỹ Hoàng Hà về ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”- một trong những ca khúc được coi là tuyệt phẩm về giây phút lịch sử đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông về một dải.
Theo chia sẻ của nhạc sỹ Hoàng Hà, ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được viết lời, phổ nhạc và thu âm chỉ trong vòng một ngày đêm (26/4/1975), bốn ngày trước khi thống nhất hoàn toàn Đất nước.“Đến với thời điểm đó, tôi chưa một lần vào miền Nam, chưa biết Sài Gòn là thế nào. Từ giữa tháng Tư ấy, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động…. tin chiến thắng dồn dập hằng ngày. Trong cơ quan Đài, chúng tôi, ai cũng náo nức, rạo rực. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử vào những ngày này hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng”- tác giả ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” nhớ lại.
“Chỉ một chữ ‘trọn’ trong nhan đề bài hát mà tôi thấy kính phục cha mình quá. Phải sống dưới bom Mỹ, bị mảnh bom găm cả vào gối ngủ như gia đình tôi trong đêm Hà Nội năm ấy thì mới càng hiểu ý nghĩa của chữ ‘trọn’ trong trọn vẹn niềm vui ấy! Vì trước đó, miền Bắc được sống trong hòa bình, ai cũng thấy vui và tin tưởng nhưng ‘trọn’ niềm vui lớn lao đúng nghĩa thì phải đến 30/4/1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.”- Nhạc sỹ-nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lương, con trai nhạc sỹ Hoàng Hà chia sẻ.
Cũng theo người nhạc sỹ tài năng, cơ duyên lớn nhất để ông có cảm xúc, ý tứ để viết nên ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” là sự kiện quân ta bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. “Sáng 26-4, qua CP90, tin tức về các cánh quân ta bao vây bốn phía chuẩn bị đánh vào Sài Gòn tạo một nguồn khích lệ kỳ lạ đối với tôi. Bây giờ là sắp tiến vào Sài Gòn rồi. Phải viết ngay mới kịp. Biết bao hình tượng, ý tứ, cứ liên tiếp, xen kẽ, vùn vụt hiện ra trong óc nhưng chưa cái nào “đứng lại”.
Trong tâm trạng rạo rực lúc ấy, bỗng một tin tức rất ngắn phát trên đài nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tôi: Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”- nhạc sỹ Hoàng Hà chia sẻ với báo giới.
Theo người nhạc sĩ, “để có được một “Đất nước trọn niềm vui” như thế, đó là kết quả của cả một quá trình tích lũy, gần thì phải kể từ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, thậm chí là trước nữa. Nhiều yếu tố cộng lại dần dần để rồi bùng phát ở một thời điểm”. “Những hình ảnh thời tôi theo đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội (10/1954) với rừng cờ, rừng người náo nhiệt tái hiện như một cuốn phim tư liệu sắc nét. Sài Gòn bừng hiện ra trong tâm trí tôi như một ảo ảnh sống động với những câu chuyện tôi đã nghe, những dũng sĩ kiên cường, những sĩ quan quân đội Sài Gòn thảm hại tôi đã gặp, ký ức về những trận chống càn thắng lợi, về ngày giải phóng thủ đô…”- nhạc sỹ Hoàng Hà lý giải về điều giúp đã giúp trong ông có thể hiện ra trọn vẹn đến thế không khí tưng bừng của ngày non song thống nhất.
“Từng nét nhạc, từng ý, từng lời, cứ bật ra từ trong sâu thẳm lòng mình, phơi phới “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông… Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương!” Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, bỗng bật ra giọng Hò Đồng Tháp của chị văn công Giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!”- nhạc sỹ Hoàng Hà hé lộ.
Những lời ca, âm vang rất đỗi tự hào
Ca khúc đã được người nhạc sĩ viết nên bằng dự cảm nhưng cũng bằng niềm tin tuyệt đối của mọi người dân Việt Nam những ngày lịch sử ấy.
Theo chia sẻ của nhạc sỹ Hoàng Hà, sáng 27-4, ông đem đến ca khúc vừa được hoàn thiện đêm trước đến đài. Nhạc sĩ Nguyễn An lúc đó là Tổ trưởng Biên tập nhạc đọc và duyệt, rồi giao ngay cho nhạc sĩ Triều Dâng dựng cho kịp. Ngay hôm sau, có buổi thu của tốp nhạc Nhà hát Giao hưởng, nghệ sĩ Trung Kiên- sau này là NSND Trung Kiên- là ca sỹ đầu tiên thể hiện ca khúc.
“Tôi nghe mà cảm phục anh Trung Kiên, sao lại có thể có sự đồng cảm đến như thế! Tình cảm của anh Trung Kiên trong tiếng hát thực sự đã chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi đã tưởng tượng một ngày giải phóng miền nam rực rỡ, gửi tâm tình sôi động của mình vào từng nốt nhạc”- nhạc sỹ bày tỏ cảm xúc khi nghe nghệ sĩ Trung Kiên trình bày trong buổi thu đầu. Về sau này, với ông, nghệ sĩ Trung Kiên luôn là người thể hiện Đất nước trọn niềm vui mà theo ông là hay, xúc cảm nhất.
Ca khúc được phát trên Đài phát thanh Giải phóng lần đầu vào ngày 1/5/1975, cùng với tiếng hò reo và hát theo của quần chúng nhân dân trong niềm vui chiến thắng.
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! (…) Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông/ Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân/ Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn/ Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em, những lời yêu thương“. Đến ngày hôm nay, đã tròn 49 năm ngày “Đất nước trọn niềm vui” được viết nên, nhưng những lời ca, khúc nhạc rộn ràng này vẫn luôn làm những trái tim Việt Nam bồi hồi, cảm xúc, nhất là khi ca khúc khải hoàn này vang lên vào đúng những ngày tháng Tư lịch sử.
HN. (Tổng hợp)
Nhạc sỹ Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh ngày 1/12/1929 tại Tây Hồ, Hà Nội. Ông còn được biết đến với nghệ danh Cẩm La. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 16 tuổi và bắt đầu sáng tác vào năm 1945. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, như: Ánh đèn trên cầu Việt Trì; Tiếng hát ngày thứ bảy Cộng sản; Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn; Hò tải đạn; Cùng hành quân giữa mùa Xuân; Đất nước trọn niềm vui, Bản giao hưởng hợp xướng: Côn Đảo…