Sống ở Italy, hồn vẫn ở Việt Nam

– Công việc của chị hiện nay thế nào?

Dự án Bảo tàng Cải lương vẫn đang triển khai dù tiến độ bị ảnh hưởng do vướng mắc một số vấn đề về giấy tờ, thủ tục pháp lý. Trong lúc chờ đợi, tôi tập trung xây dựng Bảo tàng Cải lương trực tuyến cũng như duy trì tổ chức cuộc thi cải lương Út Trong Award.

Có thể tháng 10 tới, tôi sẽ về Việt Nam tổ chức hội thảo về cải lương và ra mắt quyển sách đúc kết từ 16 năm giảng dạy. Tôi còn một phim tài liệu về 100 năm cải lương và một dự án nghiên cứu những điểm tương đồng trong âm nhạc Italy – Việt Nam. Tôi thành lập công ty và quỹ riêng để vận hành các dự án.

– Vì sao mọi việc chị làm đều hướng tới cải lương?

Hiện tại, cải lương vẫn chưa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôi làm tất cả chỉ với mục đích duy nhất là trả lại sự hiểu đúng cho cải lương trong lòng khán giả.

Nghệ sĩ Linh Huyền thuyết trình về dự án Bảo tàng Cải lương.

Trong tâm trí, tôi thường hướng về cải lương. Là Phật tử, mỗi lần thiền định tôi hay trôi trong ngũ âm Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Càng nghiên cứu, tôi càng thấy bộ môn hàm chứa gần như đầy đủ tập tục văn hóa lâu đời của Việt Nam. Từ khi ra đời, không giai đoạn lịch sử nào cải lương không có mặt. 

Cải lương có sứ mệnh như vậy, tôi không đành lòng nhìn nó bị bỏ quên, tự sống lay lắt. Ông xã và các bạn bè văn nghệ sĩ Italy của anh rất ủng hộ tôi. Họ nói tôi đang làm đúng điều mà bậc tiền nhân đã làm cho Italy cách đây 40 – 50 năm trước.

Trong quá trình theo đuổi lý tưởng, tôi gặp nhiều quan điểm trái chiều, có người nhận định ‘kịch hát phương Tây và kinh kịch Trung Quốc siêu đẳng hơn cải lương’.

Tôi có một người bạn là nghệ sĩ Opera nổi tiếng ở Italy, sẵn sàng mời cô ấy cùng hát một đoạn nhạc bất kỳ. Tôi có thể hát đoạn nhạc được ký âm bằng 7 nốt nhạc cơ bản nhưng cô ấy chắc chắn không hát được đoạn ký bằng âm giai ngũ cung.