Không muốn người yêu “bị thương” lần nữa
Những ngày giữa tháng 7, cái nắng miền Trung từ dưới đường hắt thẳng lên mặt, vòng vèo qua những con hẻm nhỏ, chúng tôi đã đến được nhà cô Nguyễn Thị Thanh Trà tại khu vực 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, Bình Định.
Cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Thanh Trà trẻ trung ngày nào giờ đã 72 tuổi, là thương binh hạng 4/4. Cô tham gia cách mạng từ rất sớm và trải qua nhiều nhiệm vụ như: liên lạc, tải thương, cõng đạn, lo lương thực thực phẩm phục vụ chiến trường, coi giữ tù binh…
Giờ đây, đoạn đường hạnh phúc chỉ còn lại mình cô Trà trong căn nhà cùng với cháu ngoại sau 40 năm chung sống cùng người chồng thương binh hạng 1 trên 4, mù cả hai mắt là ông Dương Văn Minh, đã mất tháng 12/2021, hưởng thọ 80 tuổi.
Giờ đây trong căn nhà được xây dựng bằng tất cả sự yêu thương vẫn tràn ngập nỗi nhớ thương.
Cô Trà chậm rãi rót trà mời chúng tôi và hồi tưởng lại câu chuyện tình giữa cô và chú Minh đã tạo lập nên mái ấm sung túc, hạnh phúc như thế nào và cả những nỗi đau song hành ra sao
Năm 1963, chú Dương Văn Minh đi bộ đội, là lính biệt động thành. Trong một trận đánh vào quận lỵ Bình Sơn (Quảng Ngãi), sau khi bật nắp chiếc xe tăng thứ 4 của địch để ném lựu đạn vào và chuẩn bị thoát ra ngoài thì bị địch ném trả lựu đạn khiến chú bị thương nặng, máu ra nhiều và ngất đi.
Chú Minh đã được đồng đội kịp thời cõng ra ngoài, băng bó và đưa về hậu cứ cứu chữa. Sau lần ấy, may mắn là mạng sống chú Minh giữ lại được cho dù trên người có tổng cộng đến 28 vết thương (thương binh hạng 1 trên 4 – tỉ lệ thương tật 91%) nhưng… chú vĩnh viễn không còn nhìn thấy.
Sau ngày giải phóng miền Nam, chú Minh được Nhà nước đưa về nuôi dưỡng tại Trại Điều dưỡng thương binh nặng Nghĩa Bình đóng tại phường Bình Định (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bây giờ.
“Lúc đầu, chồng tôi cực kỳ bi quan, sống đầy mặc cảm và tự ti, luôn tự coi mình là “phế thải”. Mãi cho đến ngày gặp tôi thì sự tổn thương của ông ấy mới hồi phục”, cô Trà ngậm ngùi.
Cô Trà lúc bấy giờ đang được Nhà nước cho đi học bổ túc văn hóa, rồi sau đó học chuyên môn kế toán và về công tác tại Xí nghiệp công tư hợp doanh ô tô khách Bình Định.
Cô chia sẻ, trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cô thường lên thăm người chị kết nghĩa ở làng Kim Châu (Thị xã An Nhơn, Bình Định) và tại đây cô có duyên gặp gỡ, tiếp xúc với chú Minh. Những lần gặp gỡ, chuyện trò ngắn ngủi nhưng cả hai lại cho nhau sự cảm thông sâu sắc nhất, từ đó 2 trái tim thương binh đã bù khuyết cho nhau.
Cô quý chú ở bản tính thật thà, cương trực và thẳng tính. Chú quý cô đến độ tuy chưa bao giờ được nhìn thấy mặt nhưng lại luôn khẳng định với mọi người rằng cô rất đẹp cả người và tính nết. Chú tự hào vì tính đảm đang, cần cù, chịu khó, yêu thương chú hết mực của cô Trà.
Sau 3 tháng thì tình yêu của họ đủ lớn để xin phép đôi bên gia đình. Khi cô Trà thưa với gia đình chuyện cưới hỏi chú Minh, bố mẹ cô đã kiên quyết không đồng ý. Bố cô bỏ đi vì sợ thương tật của chú Minh mà cô Trà không cáng đáng nổi để xây dựng gia đình.
“Chuyện cha tôi không đồng ý bởi lẽ đó cũng là điều đương nhiên vì thương con gái. Tôi cũng thông cảm và thấu hiểu điều đó. Chuyện này tôi cũng chưa hề nói lại với ông Minh lúc ấy vì sợ “ông ấy lại “bị thương” lần nữa”, cô Trà bộc bạch.
Cô Trà quyết tâm thuyết phục bố mẹ của mình, cho đến khi có một đám cưới tưng bừng diễn ra và cũng là đám cưới đầu tiên được tổ chức tại Xí nghiệp công tư hợp doanh ô tô khách Bình Định lúc đó.
“Từng là người đã hy sinh thân mình trong chiến tranh nên trong tôi có một sự cảm thông sâu sắc đối với ông Minh. Ông Minh là một người cực kỳ thẳng thắn, ông đã vì dân, vì nước mà cống hiến một phần xương máu của mình. Hơn nữa, ông Minh thật sự yêu thương tôi, đáp lại tôi thực sự cảm phục ông ấy. Tôi đã quyết định vượt qua dư luận, vượt qua khó khăn để đến với một người đàn ông dù cho đã bị mù 2 mắt...”, cô Trà kể.
“Mất mát lớn, nhưng trái tim chúng tôi mạnh mẽ”
Lấy nhau về, cô Trà xác định, chồng mình đã vĩnh viễn mất đi tài sản quý báu nhất của cơ thể là đôi mắt thì đôi bàn tay của cô phải mạnh mẽ hơn nhiều phụ nữ khác để bù đắp lại.
Giai đoạn ấy, chú Minh vẫn còn ở Trại Điều dưỡng thương binh nặng, cách nơi làm việc của cô Trà hơn 20 km… Đường xa đi lại khó khăn bất tiện, cô Trà đã động viên và đưa chồng về nhà để tự mình chăm sóc, nuôi dưỡng.
Tình yêu của họ ngập tràn hạnh phúc và đã đâm hoa kết nụ. Cô Trà mang trong mình đứa con đầu lòng. Hạnh phúc chưa tày gang thì cô chú lại gặp nỗi đau khi bị mất đứa con còn trong bụng. Hai người động viên nhau để tiếp tục sống và hy vọng.
Một lần nữa những tưởng số phận sẽ mỉm cười với họ khi cô Trà tiếp tục báo tin có thai. “Sốc nặng và đau đớn khi tui lại biết mình tiếp tục mất đứa thứ hai khi bé chưa được sinh ra. Lúc ấy tôi tuyệt vọng đến cùng cực. Số phận cho đứa con rồi lại cướp hết đứa này đến đứa khác”, cô Trà bồi hồi nhớ lại.
Xác định đường con cái khó khăn, đôi thương binh già lại trông cậy vào nhau để cùng tiếp thêm nghị lực vượt qua cuộc sống khó khăn trăm bề. Nỗi đau cứ thế nguôi ngoai dần. Một thời gian sau, cô Trà thông báo cho chú Minh rằng mình tiếp tục có thai
“Số phận mỉm cười với vợ chồng tui sau một thời gian dài đau thương, khi con gái Dương Thị Ngọc Mẫn ra đời. Lúc đó vợ chồng tôi hạnh phúc lắm và tự nhủ sẽ không sinh thêm mà dồn tất cả yêu thương vào bé Mẫn”, cô Trà nghẹn ngào.
Chúng tôi có những mất mát lớn nhưng đổi lại chúng tôi có trái tim mạnh mẽ.
Ngôi nhà đã ngập tràn tiếng cười con trẻ, xóa đi những vết thương chiến tranh để lại. Hai thân thương binh nuôi nhau đã khó, nay thêm người thêm miệng ăn. Với đồng lương và phụ cấp thương tật có hạn nên hằng ngày chú Minh phải ở nhà nấu nước, pha trà để cô Trà ngoài giờ làm việc xách 2 ấm trà vào bán trong bến xe.
“Tôi bán thêm nước ở bến xe được là nhờ chồng tôi ở nhà nấu, tuy cực nhưng mỗi hôm bán vợ chồng tôi kiếm được cả 1.000 đồng tiền lãi đổi được 2 kg gạo…”, cô Trà kể
Làm việc, chăm sóc nhau, cô Trà đã không ngại ngần trước bất cứ công việc gì từ bán nước trà, bán bánh, thuốc lá… Sau này có thêm vốn, cô còn cùng chú Minh chăn nuôi heo, nuôi vịt đẻ lấy trứng…
Cố gắng dành dụm lúc bấy giờ, cô chú đã tạo dựng cho mình và con gái một mái nhà riêng 150 m2 trên mảnh đất rộng chừng 500 m2 từ việc cải tạo đất hoang hóa trước đây. Trên diện tích đất còn lại, cô chú trồng thêm vài chục cây chuối.
Cô Trà hào hứng chia sẻ, cũng may có sức khoẻ để tận tâm tận lực phát triển kinh tế. Thương binh thì cũng đâu thể nào chỉ trông chờ vào phụ cấp của Nhà nước. Đã rất nhiều lần cô Trà vinh dự đi báo cáo điển hình gia đình thương binh nặng, cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi…
Thời gian ấy là thời gian đẹp nhất, bà con lối xóm thấy gia đình thương binh ấy lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc, họ chẳng bao giờ to tiếng, cãi vã nhau. Đối với họ, hạnh phúc là sự đồng cam, cộng khổ, là sự yêu thương, nhường nhịn nhau.
Giờ đây, ngôi nhà thênh thang ấy lại thiếu đi tiếng gọi “bà ơi” của chú thay vào đó là tiếng “bà ơi” của cháu ngoại (con gái của chị Mẫn). Chú đã để cô lại một mình 3 năm về trước. Hằng ngày cô có đứa cháu ngoại bên cạnh an ủi, là niềm vui cho tuổi già.
“Giờ tôi chỉ mong có thêm sức khỏe để sống cùng con cháu mà thôi. Tôi đã sống để mọi người cảm nhận tôi là người bình thường chứ không phải là thương binh, sức khỏe yếu khi phải chịu mất mát một phần cơ thể. Chúng tôi có những mất mát lớn nhưng đổi lại chúng tôi có trái tim mạnh mẽ”, cô Trà khẳng định.