Đây là ý kiến được ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, đưa ra tại họp báo sự kiện “Ngày không tiền mặt 2024” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 28-5.
Ông Dũng cho biết đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động.
Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, cùng với tốc độ tăng trưởng của các kênh thanh toán không tiền mặt là tình trạng lừa đảo của tội phạm công nghệ tài chính liên tục gia tăng thời gian qua. Theo các chuyên gia, kẻ lừa đảo thường đánh vào điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị thanh toán là người dùng – là yếu tố phi kỹ thuật, trong khi hacker rất khó xâm nhập vào hệ thống. Điều này đòi hỏi nâng cao nhận thức của người dùng khi thanh toán không tiền mặt và trách nhiệm của các kênh cung ứng dịch vụ.
Theo ông Lê Anh Dũng, để bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ.
Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Mới nhất là từ 1-7, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực. Quyết định nêu rõ, chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt; tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng CCCD gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).
“Đây là giải pháp xác thực mạnh nhằm giúp bảo vệ khách hàng, cũng chính là bảo vệ ngân hàng và các phương thức thanh toán điện tử. Quyết định 2345 sẽ giải quyết căn cơ hoạt động lừa đảo, tài khoản không chính chủ, cho mượn, cho thuê; ngăn chặn chuyển tiền và ngăn chặn dòng tiền bẩn” – ông Lê Anh Dũng khẳng định.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết việc ACB đang đầu tư giai đoạn cuối cùng, dự kiến tháng 6-2024 sẽ bắt đầu thông báo cho khách hàng đăng ký xác thực sinh trắc học. Khi triển khai, trải nghiệm thanh toán không tiền mặt của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng, an toàn bảo mật sẽ tốt lên và có lợi cho người dùng nhiều hơn.
Như Báo Người Lao Động thông tin, hiện nhiều ngân hàng thương mại như TPBank, BIDV, Techcombank, OCB… đang triển khai thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, chuẩn bị cho mốc áp dụng chính thức từ 1-7.
Nguồn: https://nld.com.vn/chuyen-tien-tren-10-trieu-dong-phai-xac-thuc-khuon-mat-de-tranh-bi-lua-dao-196240528174603094.htm