HẢI PHÒNG Nếu có cơ quan, ban ngành nào làm VietGAP, hữu cơ về rươi, có mã QR để minh bạch rươi sạch với rươi thông thường thì sẽ có nhiều sản phẩm rươi an toàn.
HẢI PHÒNG Nếu có cơ quan, ban ngành nào làm VietGAP, hữu cơ về rươi, có mã QR để minh bạch rươi sạch với rươi thông thường thì sẽ có nhiều sản phẩm rươi an toàn.
Theo anh Hoàng Xuân Giang, kỹ sư của Trạm Khuyến nông huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) thì giống, chất đất, chất nước và kỹ thuật là những yếu tố quyết định trong nuôi rươi.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của con rươi, cả hữu hình lẫn vô hình. Hữu hình như cáy, cá lác, cá rô Phi, cá chép chuyên ăn rươi. Vô hình như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thuốc BVTV làm cho rươi chết.
Nước đài hai (từ địa phương, chỉ loại nước sông khi có nước biển tràn vào thì mang vị mặn, khi nước biển rút thì vẫn là nước ngọt) có độ mặn từ 3 đến 5 phần ngàn rất phù hợp cho con rươi sinh sản, phát triển. Do vấn đề xâm nhập mặn mà hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo – nơi chiếm diện tích rươi chủ yếu của TP Hải Phòng đang bị ảnh hưởng rất lớn. Năm ngoái, đầm của anh Giang có giai đoạn nước mặn lên tới 28 phần ngàn, rươi chết dần, sản lượng giảm hẳn. Trước xã Trấn Dương của huyện Vĩnh Bảo có rất nhiều rươi nhưng giờ gần như không còn cũng vì xâm nhập mặn.
“Cứ xu thế xâm nhập mặn thế này khoảng dăm năm nữa nhiều ruộng rươi ở vùng ven biển huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo của TP Hải Phòng sẽ không còn rươi nữa. Vùng rươi sẽ đẩy vào sâu trong đồng bằng, giờ ở chỗ cầu Lai Vu của huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã xuất hiện rươi dù trước đây chưa bao giờ thấy”, anh Giang dự báo.
Rươi ăn tạp nên phổ biến hiện nay là các chủ đầm đã bổ sung các chất hữu cơ như phân, bột ngô, bột cám xuống. Việc này có hai tác dụng, thứ nhất rươi sẽ ăn trực tiếp chất hữu cơ đó, thứ hai là chất hữu cơ đó sẽ cải tạo đất.
Tuy nhiên nhiều chất hữu cơ mà chủ đầm bổ sung xuống ruộng rươi như phân gà, phân lợn, bột ngô, bột cám lại có tồn dư thuốc kháng sinh, hóa chất hay là giống cây trồng biến đổi gen. Bởi thế mà chị Nguyễn Thị Thu Hường – chủ hai khu bảo tồn rươi ở thôn Lê Xá, xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng đã kiên quyết chống lại xu thế này bằng cách không thả bất cứ thứ gì xuống đầm rươi để đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng tiêu chí sạch thật sạch.
Tôi mang điều đó ra hỏi anh Giang và được trả lời rằng: “Điều quan trọng là hiện chưa có giá phân biệt giữa rươi sạch và rươi không sạch, thậm chí rươi sạch còn rẻ hơn nên không khuyến khích được việc mở rộng mô hình. Như nhà tôi cấy lúa ST25 dưới ruộng rươi, không dùng hóa chất gì cả vẫn chỉ bán thóc bằng với giá ST25 của hộ dùng hóa chất. Tôi cũng đang bổ sung thêm phân gà xuống đầm rươi nhưng số lượng ít thôi và chủ yếu là nuôi tảo để làm thức ăn cho chúng, giúp giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng”.
Cũng theo anh Giang, nếu giá của sản phẩm rươi an toàn mà cao hơn sản phẩm không an toàn thì sẽ có nhiều người làm theo. Vì vậy, giá như có cơ quan, ban ngành nào làm VietGAP về rươi, có mã QR để minh bạch rươi sạch với rươi thông thường thì sẽ có nhiều sản phẩm rươi hữu cơ ngay. Thị trường Trung Quốc giờ đòi hỏi về an toàn thực phẩm cao không kém gì Hàn Quốc, Nhật Bản.
Khi nhập khẩu rươi về họ kiểm nghiệm, biết Việt Nam vẫn cho rươi ăn những chất mà không biết có an toàn hay không nên không ưa chuộng, nhập nhiều nữa. Đó là nguyên nhân chính khiến cho giá rươi ở Việt Nam mấy năm nay giảm mạnh. Nếu Trung Quốc mà ăn rươi Việt Nam như trước đây thì sản lượng dù có gấp 5 – 10 lần hiện nay vẫn hết. Bởi vậy phải trở về với kiểu nuôi tự nhiên.
Anh Giang phân tích tiếp, giống rươi không nhất thiết phải thả mà chỉ dành cho những nơi bất lợi, năng suất cỡ 20kg/sào thì thả bù, còn nếu đã 50 – 60kg/sào trở lên thì không cần. Cứ mở rộng diện tích, tăng năng suất đến một giai đoạn nào đó giá rươi sẽ bão hòa, từ 250 – 300.000đ/kg như hiện nay xuống chỉ còn khoảng 150.000đ/kg. Tuy nhiên nếu có kỹ thuật tốt, không nuôi kiểu “cầu may” thì vẫn có lãi như thường.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/chuyen-san-xuat-ruoi-huu-co-va-van-nan-xam-nhap-man-d405891.html