Thi 1 chọi 5 để vào được trường Nguyễn Gia Thiều, ra bãi sông học ngoại ngữ
Ông Vương Khắc Tăng sinh năm 1942, người làng Lại Đà, Đông Anh, là bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 6 năm phổ thông tại trường Nguyễn Gia Thiều.
6 năm đó là cả tuổi thanh xuân sôi nổi, say mê học tập trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của Tổng Bí thư và những người bạn đồng hương.
Đất Đông Anh trước đây thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1957, đê Mai Lâm vỡ, trường ở Từ Sơn bị lụt, không đảm bảo cơ sở vật chất, học sinh Đông Anh phải xin đăng ký nhập khẩu vào xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm (nay là phường Thượng Thanh, quận Long Biên) để được thi vào trường Nguyễn Gia Thiều.
“Lúc bấy giờ có khoảng hơn 500 học sinh của 7 huyện thi vào trường gồm Gia Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Văn Lâm, Gia Lương, Từ Sơn và Đông Anh. Trường chỉ lấy 3 lớp, 150 người, mỗi lớp 50 học sinh. Thi đỗ được là vô cùng khó.
Vậy mà anh Trọng của chúng tôi tuy ít tuổi nhất nhưng lại nằm trong số những người được điểm cao nhất. Cả làng tôi có tất cả 7 người đỗ vào lớp 5″, ông Vương Khắc Tăng nhớ lại.
Vượt qua hàng trăm học sinh, hai chàng thiếu niên Vương Khắc Tăng và Nguyễn Phú Trọng cùng vào học lớp 5C trường Nguyễn Gia Thiều. Hai chàng thiếu niên nông thôn lần đầu lên phố học, áo nâu, quần nâu nhưng “học rất khá” (lời ông Tăng).
Thời gian đầu, họ đi bộ đi học. Quãng đường từ nhà đến trường dài đằng đẵng, phải dậy từ sáng sớm để chờ đò sang làng Đa Quất, tới ga Gia Lâm rồi mới vào đến phố để tới được trường.
Sau đó, thông qua một người quen của gia đình Tổng Bí thư, cả nhóm 7 người thuê nhà trọ ở làng Bắc Biên (nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho tiện học hành.
Ông Tăng kể, cuộc sống trọ học rất thiếu thốn. Bữa cơm chỉ có rau muống luộc chấm tương. Trong đó, gạo, tương là mang từ nhà đi. Mỗi khi đi học về thì phân công nhau người đi chợ mua rau, người ở nhà vo gạo thổi cơm.
Nhưng, thiếu thốn thế nào cũng không cản trở niềm say sưa học hành. Mỗi chiều, họ lại rủ nhau ra bãi sông Hồng để học ngoại ngữ.
“Thời đó chúng tôi học ngoại ngữ là tiếng Trung. Bãi sông rộng mênh mông, tha hồ mà viết Trung văn, không tốn chút tiền giấy mực nào”, ông Tăng bồi hồi.
Lên cấp 3, 7 người chỉ còn lại 3 người. Hoàn cảnh khó khăn khiến 4 người bạn phải rẽ ngang. Chỉ còn lại Nguyễn Phú Trọng, Ngô Bá Dục và Vương Khắc Tăng. Vương Khắc Tăng làm lớp trưởng lớp 9A, còn Nguyễn Phú Trọng làm lớp trưởng lớp 9B.
Trí tuệ của người bạn học Nguyễn Phú Trọng đến giờ vẫn khiến Vương Khắc Tăng nể phục. “Anh Trọng rất giỏi văn, thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, rồi thi đỗ Tổng hợp Văn (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn). Tôi thì đi bộ đội. Mỗi người mỗi nơi từ đó”.
“Con người khiêm tốn, liêm khiết tận cùng”
Nhận xét về người bạn học suốt 6 năm thanh xuân, ông Vương Khắc Tăng nói: “Đó là con người khiêm tốn, liêm khiết tận cùng”.
Trong trí nhớ của ông Tăng, giai đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, rồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, hay sau này lên Chủ tịch Quốc hội, nếu trong làng có đám hiếu, bà con lối xóm qua đời, ông rất hiếm khi vắng mặt.
Với bạn bè thủa thiếu thời, cố Tổng Bí thư luôn xem mình chỉ là cậu học trò nghèo năm xưa. Năm 2011, khi đã lên chức Tổng Bí thư, ông vẫn đi dự họp lớp cấp 2, vẫn chan hòa, nhỏ nhẹ, khiêm nhường, bởi là người ít tuổi nhất trong chúng bạn.
Song, nhỏ nhẹ, khiêm tốn là thế, chàng trai Nguyễn Phú Trọng lại nổi tiếng là người kiên định, liêm khiết. Khó có điều gì làm ông đi chệch với lý tưởng cách mạng, lý tưởng phụng sự của mình.
“Người trong làng đều biết câu chuyện anh Trọng của chúng tôi từ chối nâng đỡ cháu ruột.
Khi chị gái của anh đề nghị giúp cháu trong công việc, anh ấy bảo với chị “cứ để cho các cháu tự phấn đấu, em không giúp được gì đâu”. Thời anh ấy lên làm Chủ tịch Quốc hội, nhiều lãnh đạo ở quê nhà cũng muốn nhờ cậy nhưng anh ấy đều từ chối một cách thuyết phục. Anh ấy nói nhẹ nhàng mà cương quyết.
Chuyện này mỗi người một nhận thức, một ý kiến, nhưng chúng tôi đồng tình với anh ấy lắm”, ông Tăng chia sẻ.
Ông Lê Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều – khi nhắc về cựu học sinh đặc biệt của trường cũng tâm sự: “Bác tế nhị và liêm khiết lắm. Chưa bao giờ bác dùng vai trò của mình để mang cái gì đó về cho trường.
Đến nay có 3 thứ bác ủng hộ trường. Một là 70 suất học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó do bác lấy tiền túi của mình ra tặng các con. Hai là cây lộc vừng bác tự tay trồng trong khuôn viên trường năm 2014. Ba là tấm lòng biết ơn của một cựu học trò”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/chuyen-rau-muong-cham-tuong-cung-tong-bi-thu-suot-6-nam-cua-ban-hoc-cu-20240719202756076.htm