Giữa Tokyo, nhà hàng Phở Trung nhiều năm qua là chốn tới lui không chỉ thực khách xứ sở hoa anh đào hay người Việt xa xứ mà còn là nơi tụ hội của những người yêu món Việt tứ phương.
Đầu bếp Nguyễn Tất Trung – 60 tuổi, người Hải Dương – có hơn 20 năm nấu phở ở Nhật.
Khi ông Trung mới đặt chân sang Nhật, số nhà hàng Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng nay có hàng trăm tiệm bán món Việt ở Tokyo. Và cứ nói đến món Việt là người Nhật thốt lên: Phở!
Duyên với bếp, duyên nước Nhật
Thập niên 1980 của thế kỷ trước, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính tình nguyện ở Campuchia, ông Trung trở về TP.HCM, theo học tại trung tâm đào tạo nghiệp vụ du lịch và khách sạn (nay là Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist). Ông học giỏi nên được ưu tiên thực tập ở khách sạn Rex rồi được nhận thẳng vào làm suốt bảy năm.
Số phận thay đổi khi ông Trung được cử sang Nhật nấu món Việt. Thông thường, các đầu bếp sang Nhật chỉ làm việc chừng hơn một năm sẽ quay về. Nhưng đầu bếp Trung trong sáu tháng đã học được cơ bản tiếng Nhật, lại có hoa tay tỉa tót trang trí các món ăn… nên được giữ lại. Sau hơn 13 năm làm bếp trưởng, ông Trung có cơ hội thực hiện giấc mơ ấp ủ bấy lâu: mở một nhà hàng của riêng mình giữa thủ đô Tokyo.
Và thế là từ năm 2014, Phở Trung ra đời: “Nói đến ẩm thực Việt, người Nhật cũng như khách quốc tế biết đến món phở nhiều nhất. Nên khi mở nhà hàng, tôi chọn luôn tên Phở Trung để ai cũng dễ nhớ. Còn số món ăn trong nhà hàng thì nhiều, món gì nổi tiếng ở Việt Nam cũng có chứ không chỉ bán riêng phở”.
Chông gai khởi nghiệp xứ người
Những năm khởi nghiệp của ông Trung còn khó khăn, muốn mang sang những nguyên liệu, gia vị Việt không dễ. Nhất là phở, muốn có một tô phở ngon thì phải đủ các loại gia vị đặc trưng, nên giai đoạn đầu ông Trung phải chạy vạy nhập nguyên liệu từ ba bên bốn bề.
Có nguyên liệu đã khó, chọn một triết lý kinh doanh càng không dễ. Thời làm bếp trưởng của nhà hàng Nhật, khách rất đông, ai cũng tấm tắc khen các món Việt. Thế nên khi khởi nghiệp, ông Trung tự tin “bê nguyên xi” mô hình của nhà hàng này với kỳ vọng khách cũng nườm nượp như thế.
Nhưng cả người Việt lẫn người Nhật đã từng sống ở Việt Nam đều chê món ăn ban đầu của Phở Trung. Chê nhất là phở không giống ở Việt Nam. Nhiều đêm trằn trọc nghĩ, ông Trung ngộ ra rằng trước nay mình nấu món Việt trong nhà hàng cho người Nhật nên điều chỉnh gia vị theo kiểu Nhật, món ăn lại chiều lòng số đông.
Ông Trung quyết định thay đổi. Ông nấu phở Bắc hay bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang đúng chuẩn vùng miền: “Từ đó khách mới chịu, đến ăn là gật đầu ‘ồ đúng là phở’. Lúc đó mình mới thấy giá trị của món ăn thuần Việt. Phở Trung kéo và giữ được khách cho đến bây giờ”.
Ông Trung bảo người Nhật rất tò mò, họ hỏi kỹ phở làm từ gì, gạo hay lúa mì, gạo mua ở đâu, vì sao nước phở lại ngon ngọt, sao hầm xương lại không có mùi xương….
“Người Nhật hỏi nhiều lắm, nhưng càng hỏi thì mình lại càng có cơ hội cho họ biết thêm về văn hóa ẩm thực của người Việt mình. Rằng ẩm thực Việt cũng hay, cũng độc đáo chẳng thua kém quốc gia nào”, ông Trung kể. Phở Trung có uy tín, vang danh. Hiện ông Trung ngoài dồn sức cho nhà hàng còn nhận đào tạo đầu bếp, hướng dẫn nấu phở, bày biện nhà hàng cho bất kỳ ai muốn mở nhà hàng Việt ở Nhật.
Sau tám năm mở nhà hàng Việt riêng trên đất Nhật, điều khiến ông Trung tự hào nhất là các món ăn bây giờ đúng chất, khối lượng chuẩn, không lệch vị: “Chúng tôi dùng máy để cân đong từng chút một, chứ không nêm nếm gia vị theo cảm tính. Bao nhiêu lít nước, bao nhiêu ký xương, bao nhiêu gia vị… đều rất rõ ràng nên năm này qua tháng nọ hương vị vẫn nguyên bản, vẫn thuần Việt và được thực khách yêu mến”.
Khi gặp đoàn công tác báo Tuổi Trẻ đi khảo sát tại Tokyo, ông Trung cho hay rất tự hào vì có lễ hội phở và sẵn sàng chung tay, góp sức. Theo ông Trung, việc báo Tuổi Trẻ mang lễ hội phở sang Nhật là cơ hội lớn để tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam và món phở nói riêng đến với người Nhật, du khách quốc tế tại Nhật.
Vào ngày 7 và 8-10, tại công viên Yoyogi (Tokyo, Nhật Bản) sẽ diễn ra Vietnam phở festival 2023 do báo Tuổi Trẻ và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đồng tổ chức có sự tham gia của các đầu bếp, hoa hồi vàng các năm như: Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tự Tin, Phạm Quang Duy… cùng đầu bếp các quán phở danh tiếng: Phở Dậu, Bà Bán Phở Hai Thiền, Hotel Majestic Saigon, Phú Gia, Phở’S, Sen SASCO, Phở Ta, Bình Tây Food, Thìn Bờ Hồ, Phở VGCC…
Chương trình do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn phối hợp tổ chức, có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản – Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt – Nhật TP.HCM, được những người bạn Nhật Bản như ngài Aoyagi Yoichiro – hạ nghị sĩ, báo Manichi.
Chương trình có sự đồng hành của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Suntory Beverage & Food, Simply Food, SASCO, Dai-ichi Life, ALSOK… Đương kim Hoa hậu Liên lục địa – Miss Intercontinental Lê Nguyễn Bảo Ngọc là đại sứ chính thức, đồng hành và hưởng ứng các hoạt động của chương trình.