Ước mơ được học tập trong những lớp học khang trang, không phải lo lắng khi mưa bão đã trở thành hiện thực với các em học sinh tại hai trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học ở Điện Biên, giống như một câu chuyện cổ tích đầy ý nghĩa giữa đời thường.
“Đó thật sự là một kỳ tích”, ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên chia sẻ khi tham dự lễ khánh thành ngôi trường mới khang trang, hiện đại hơn tại xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa – một huyện nghèo, vùng cao của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là một trong hai công trình lớp học tại Điện Biên vừa được đưa vào hoạt động trong năm học 2024-2025 với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng, góp phần viết nên “câu chuyện kỳ tích” nơi vùng cao.
“Bình minh” tại Tiểu học Sín Chải
Trong ánh bình minh của buổi sớm, khu phòng học mới của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sín Chải nổi bật giữa núi đồi của huyện Tủa Chùa. Nó cũng giống như “bình minh” trong giấc mơ về một môi trường học tập tốt hơn đối với thầy trò của ngôi trường này.
Xã Sín Chải, Tủa Chùa nằm cách trung tâm thành phố gần 180 km. Nơi đây có 3/4 diện tích tự nhiên là đồi núi có độ dốc lớn nên giao thông khó khăn, kinh tế – xã hội chậm phát triển. Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sín Chải, các em học sinh đã phải học trong khu phòng học dựng tạm, lợp mái tôn hơn 10 năm nay.
Ông Phạm Hữu Thành, Hiệu trưởng của trường cho biết, mùa mưa, lớp học bị dột, lũ tràn vào ảnh hưởng lớn tới công việc giảng dạy của thầy cô và học tập của các em học sinh. Đã nhiều lần có một số đoàn công tác đến khảo sát, ghi nhận tình hình khó khăn của nhà trường nhưng ước mơ về một ngôi trường khang trang hơn vẫn chưa thành sự thật.
Thế nhưng, ngay trong năm học 2024-2025, “điều kỳ diệu” đã đến với thầy trò Tiểu học Sín Chải khi trường có thêm một dãy nhà 3 tầng gồm 9 phòng học với trang thiết bị cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại. Tổng giá trị của công trình này là hơn 6,7 tỷ đồng.
Ông Phạm Hữu Thành cho biết, khai giảng của Tiểu học Sín Chải năm nay khác nhiều với các năm trước. Phụ huynh phấn chấn, yên tâm vì con em mình được học trong ngôi trường khang trang, an toàn. Sau khi có các phòng học mới, nhà trường đã mạnh dạn treo khẩu hiệu “Thầy mẫu mực, trò chăm ngoan, trường khang trang, lớp thân thiện” – bởi giờ đây, trường đã xứng đáng với khẩu hiệu này.
“Trong thời điểm xây dựng công trình gặp rất nhiều vất vả, khó khăn vì xây dựng trong mùa mưa. Việc di chuyển vật liệu cũng là một thách thức. Công trình mới khang trang là món quà ý nghĩa kịp thời đưa vào sử dụng vào đầu năm học mới. Bây giờ thật sự mỗi ngày đến trường với các em học sinh là một ngày vui”, ông Thành xúc động nói.
“Con đã không còn lo lắng khi ở lại trường mỗi khi mưa bão”
Nở nụ cười thật tươi, cô bé Nguyễn Thiên Khuê – học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên háo hức chia sẻ với PV về ngôi trường mới.
“Có phòng học mới, sân trường mới, bảng mới, bàn ghế mới, bọn con rất vui. Các bạn trong lớp thích đi học, đến trường hơn dù ở bản xa. Con đã không còn lo lắng khi ở lại trường mỗi khi mưa bão. Bố mẹ con cũng động viên khi có trường mới con phải chăm ngoan học giỏi hơn”, cô bé nói.
Tương tự Tiểu học Sín Chải, Tiểu học Phình Giàng vừa đón nhận công trình lớp học mới với giá trị đầu tư trên 5,7 tỷ đồng.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phình Giàng, xã Phình Giàng thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn và nằm trong nhóm xã khó khăn nhất của huyện Điện Biên Đông. Hiện nay, nhà trường có 30 giáo viên, nhân viên, với 515 học sinh là con em của người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo các thầy cô giáo, trước đây nhà trường có 2 dãy nhà, 15 phòng học, với 12 phòng kiên cố và 3 phòng tạm… Những phòng học tạm chỉ lợp bằng tôn, chật hẹp khiến việc giảng dạy và học tập của thầy trò gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết, tòa nhà các phòng học mới của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phình Giàng sau 6 tháng xây dựng đã được phòng chuyên môn của huyện kiểm tra, đánh giá đảm bảo về chất lượng, an toàn; đã đầy đủ các điều kiện để bàn giao đưa vào sử dụng. Đến nay, nhà trường đã có 3 dãy nhà, với 19 phòng học kiên cố… cơ bản đảm bảo cho việc dạy và học của thầy trò nhà trường.
“Không chỉ có phòng học kiên cố, sân trường rộng rãi, sạch đẹp, những trang thiết bị mới cũng hỗ trợ rất nhiều đối với việc giảng dạy của giáo viên và học sinh nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”, thầy Mùa A Dế, giáo viên của trường cho biết.
SHB và hành trình chắp cánh cho những ước mơ
Cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã góp phần viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường cho các em học sinh Tiểu học Sín Chải và Tiểu học Phình Giàng.
Không chỉ tài trợ về tài chính, hai công trình lớp học mới là kết quả từ sự tận tâm của các cán bộ nhân viên SHB. Không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, các cán bộ nhân viên SHB luôn bám sát, đốc thúc tiến độ để những lớp học mới có thể kịp thời đồng hành cùng các em học sinh trong năm học 2024-2025.
Tại SHB, chữ Tâm luôn được đặt lên hàng đầu và coi đó là khởi nguồn, là kim chỉ nam dẫn dắt mọi hoạt động. Xuyên suốt hành trình hơn 30 năm, điều khiến người SHB tự hào không chỉ là sự phát triển vượt bậc của ngân hàng mà còn là những đóng góp tích cực cho xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.
Trong những năm qua, SHB đã đồng hành và nâng bước nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam thông qua những những chương trình trao tặng học bổng, xây dựng trường học, tài trợ trang thiết bị dạy học và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Ngân hàng luôn tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần hướng tới trẻ em khắp mọi miền tổ quốc.
Những hành động thiết thực của SHB thể hiện cam kết mạnh mẽ trong đồng hành cùng xã hội, phát triển giáo dục, ươm mầm tài năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.
Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, SHB rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, có việc đóng góp cho Chương trình Phát động ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi toàn quốc và triển khai miễn giảm lãi cho khách hàng, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ, ước tính gần 150 tỷ đồng.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chuyen-nhung-mai-truong-moi-noi-vung-cao-dien-bien-20241018143124238.htm