Cùng với Bộ đội biên phòng, ngư dân, cán bộ, viên chức… thì Liên đội Thanh niên xung phong (TNXP) Bạch Long Vĩ (thuộc Tổng đội TNXP TP Hải Phòng) là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng huyện đảo. Hơn 30 năm qua, hàng ngàn lượt đội viên TNXP đã vượt mọi khó khăn, cống hiến những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân để biến Bạch Long Vĩ từ một hòn đảo chỉ có xương rồng trở thành hòn đảo trù phú như hôm nay…
1. Chúng tôi đến Bạch Long Vĩ vào một ngày cuối tháng 5/2023. Là đảo tiền tiêu xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140 km nhưng trên đường từ âu tàu về trụ sở của Liên đội TNXP, tôi có cảm giác như được về một miền quê nào đó.
Những con đường uốn lượn dưới những hàng cây rợp mát. “Đặc sản” của Bạch Long Vĩ là những hàng trúc đào đương vụ nở hoa, khiến cả góc đường rực lên một vẻ đẹp yêu kiều. Thử làm một “tour” quanh đảo khách tham quan có lẽ đều ít nhiều cảm thấy thích thú bởi vẻ xanh mát của các loại cây hoa, bãi cỏ… Nép dưới bóng cây là những công trình kiên cố, bề thế như trụ sở UBND, Công an huyện, trường mầm non, các công trình quốc phòng, dân sinh… Đã từng có dịp đến nhiều huyện đảo, xã đảo tiền tiêu như Cô Tô, Quan Lạn, Vĩnh Thực (Quảng Ninh) cho đến Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)… tôi có thể ít nhiều hiểu được những khó khăn, gian khổ để có thể mang được từng viên gạch, từng bao xi măng để xây dựng đảo.
Anh Trần Văn Hiên – Liên đội trưởng Liên đội TNXP huyện đảo Bạch Long Vĩ là người có thâm niên lâu nhất, với hơn 30 năm ở đảo, vì thế nhiều người gọi vui anh là “già làng” của đảo.
Năm 1992, khi mới ngoài 20 tuổi, chàng trai Trần Văn Hiên rời quê Thái Bình nhập ngũ rồi ra làm nhiệm vụ ở Bạch Long Vĩ; cứ nghĩ hết nghĩa vụ quân sự sẽ về quê, nhưng rồi duyên nợ đã níu anh ở lại luôn từ đó đến nay. Tháng 3/1993, sau khi huyện đảo được chính thức thành lập, Trần Văn Hiên được chuyển sang Liên đội TNXP (gồm 60 anh chị em).
Nhắc lại chuyện xưa, anh Hiên kể ngày đầu tiên đội viên TNXP xách ba lô bước chân lên con tàu chợ, ai nấy đều phải bịt mũi bởi mùi dầu mỡ, mùi gà lợn, mắm muối dưa cà. Lênh đênh trên biển mười mấy tiếng đồng hồ mới cập bờ.
Lên đảo anh chị em được dẫn đến ngôi nhà mà thoạt nhìn đã thấy ngao ngán. Mấy chục con người phải ở chen chúc trong căn nhà tạm gồm có hai phòng, mỗi phòng có diện tích chừng vài chục mét vuông. Điện không, nước ngọt cũng không. Bữa cơm thường là gạo hẩm ăn với cá hộp, thịt hộp. Rau xanh hầu như không có, hoặc thuộc loại đã hết hạn sử dụng.
Cứ khoảng ba tháng một mới có tàu của đơn vị bộ đội từ đất liền ra đảo, tiếp tế lương thực thực phẩm. Khi ấy Liên đội TNXP cũng thường được gửi ké một ít đồ ăn, hoặc cái chăn tấm chiếu, cây đèn pin, chiếc radio… Nhiệm vụ của các đội viên khi đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trụ sở hành chính, công viên, đài liệt sĩ…
Công trình đầu tiên mà TNXP tham gia xây dựng chính là trường mẫu giáo. Thời điểm ấy, nhà nước có chính sách đưa ngư dân ra đảo, cộng với trong số anh chị em TNXP cũng có con nhỏ, nên cần phải có nơi trông giữ trẻ. Tất cả nguyên vật liệu như gạch, cát, đá, xi măng, sắt thép… đều được chở từ đất liền ra, rồi anh em TNXP tăng bo đến các địa điểm tập kết. Về kỹ thuật thì cũng không phải là quá khó, song ngay đến việc tìm đâu ra nước để trộn vữa là điều không hề đơn giản.
Bạch Long Vĩ từng có tên là đảo “Vô Thủy” bởi trên đảo hoàn toàn không có nước ngọt. Ngoài việc trông chờ nước ngọt được chở từ đất liền ra, thì anh chị em TNXP phải chắt chiu từng giọt nước mưa để có thể sinh hoạt nấu nướng. Thiếu nước, cánh đàn ông con trai ai cũng cạo trọc đầu, để khỏi phải gội. Còn tắm rửa thì phải dùng nước biển, rồi tráng qua một tí nước ngọt. Mà cũng phải hạn chế, vài tuần mới được tắm một lần.
“Chúng tôi đã phải mò tìm những vũng, đầm rất xa trung tâm đảo để tìm nước, cố gắng gạn lấy từng chút từng chút một để mang về trộn vữa xây nhà. Cũng vì thế mà mỗi công trình (dù chỉ là căn nhà cấp 4) cũng phải mất hàng năm trời mới hoàn thành”, anh Hiên chia sẻ.
Định cư trên đảo được ít lâu thì Hiên lập gia đình. Cũng rất tình cờ đôi trẻ gặp nhau trong một lần chị Vũ Thị Hải Yến (quê Kiến Thuỵ, Hải Phòng – kém anh 5 tuổi) cùng người thân ra thăm đảo. Rồi năm sau chị Yến cũng trở thành nữ TNXP, cùng làm việc với người yêu.
Sau khi lấy vợ, rồi có con, cuộc sống của anh Hiên và gia đình cũng dần dà bớt nhọc nhằn hơn. Trên đảo đã có máy phát điện chạy bằng dầu, mỗi ngày được một vài giờ có điện. Rồi sau đó cũng đào được giếng khoan lấy nước. Cho đến khoảng năm 2021 thì vấn đề điện, nước được giải quyết hoàn toàn trên đảo.
Đời sống vật chất dần được nâng lên, song đời sống tinh thần cũng là điều anh Hiên vô cùng trăn trở. “Các đội viên TNXP đều phải chịu nhiều thiệt thòi trong tình cảm gia đình. Xa cách bởi địa lý, một năm chỉ có vài lần có tàu to ra đảo nên mỗi lần về quê là phải tính toán sao cho hợp lý. Còn những lần đột xuất thì phải ngồi tàu cá, đi mất cả ngày trời mới về đến cảng. Mà nếu gặp sóng to gió lớn thì có thể sẽ cập cảng tận Quảng Ninh, hoặc dạt về Nam Định, Thanh Hóa”…
Bản thân anh Hiên cũng nhiều lần phải nuốt nước mắt vào trong, bởi ba anh trai, một chị gái qua đời mà anh đều không kịp về thắp hương. Khi bố đẻ mất đúng vào dịp Hiên đang trong đợt nghỉ phép, song cũng chỉ một mình anh có mặt, vợ và các con không về được. Mới đây, mẹ anh ốm, muốn về gặp cụ lần cuối, anh Hiên phải thuê riêng một chiếc tàu để chạy về bờ, tốn vài chục triệu đồng song cũng phải cắn răng chịu.
“Là con thứ tám trong gia đình có 9 anh chị em, mỗi lần về thăm nhà, các chị gái tôi đều phàn nàn rằng nhà mình đâu có nỗi khó khăn, đến nỗi cậu phải ở rịt cái xứ xa tít mù khơi – đi lại khó khăn, giáo dục y tế cũng chả có gì. Các chị đều giục mau làm đơn xin về đất liền, có gì anh chị chung tay vào giúp đỡ. Song có lẽ ở mãi thành quen nên tôi vẫn quyết tâm bám trụ. Cũng may mắn tôi có sự giúp đỡ của ông bà hai bên nội ngoại. Hai bé gái sau khi học hết bậc tiểu học thì được gửi về Thái Bình và Hải Phòng để tiếp tục học lên bậc Trung học, rồi thi vào đại học. Bay giờ cô con gái lớn của anh đã lập gia đình riêng, còn cô thứ hai đang đi học. Dù chịu nhiều thiệt thòi song tôi luôn động viên vợ con vượt khó khăn”, anh Hiên tâm sự.
2. Nếu như Liên đội trưởng Trần Văn Hiên có thời gian cống hiến lâu nhất tại đảo, thì cựu Bí thư Chi đoàn Thanh niên xung phong Phạm Thị Trang cũng có tới gần 20 năm cống hiến sức trẻ nơi đây.
Năm 2006, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn và Thành đoàn Hải Phòng, Trang xung phong ra đảo làm việc. Đặt chân lên đảo, Trang ít nhiều cảm thấy hoang mang bởi nơi đây quá xa, quá hoang sơ so với tưởng tượng của chị. Xung quanh đảo khi ấy gần như chỉ toàn xương rồng và cát trắng.
Những ngày đầu ở đảo, Trang cùng các đội viên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Lương thực thực phẩm chủ yếu phụ thuộc tàu chở từ đất liền mang ra. Đất bị nhiễm mặn, chủ yếu cát trắng nên rau xanh trồng nhưng không phát triển được. Thế mà cho đến bây giờ, xung quanh trụ sở Liên đội, rồi ở các đơn vị bộ đội, nhà dân… đều có những vườn rau xanh mát. Những giàn mướp, bầu bí lúc lỉu… Thế mới biết có sức người, sỏi đá cũng thành cơm. Giống như anh Hiên, công việc của chị Trang và các đội viên TNXP là trực tiếp tham gia thực hiện các dự án, chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, nước sinh hoạt cho cán bộ, nhân dân trên đảo. Xây dựng các cụm dịch vụ nuôi trồng và đánh bắt hải sản, các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch trên đảo. Tổ chức các hoạt động kết nối an sinh xã hội. Ngoài ra còn triển khai Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” cho cán bộ, đoàn viên thanh niên.
Hơn 10 năm gắn bó nơi đảo tiền tiêu, được sống, làm việc với những người dân hồn hậu, chất phác, chị Trang thấy mình thực sự gắn bó, yêu quý mảnh đất này, bởi chính ở nơi đây, chị gặp được một nửa của đời mình. “Năm 2008, khi tham gia sinh hoạt đoàn, tôi quen và lập gia đình với chồng là cán bộ Ban quản lý Cảng nên hai vợ chồng quyết định sinh con và dựng nhà gắn bó lâu dài ở đảo”.
Nhờ sự chung tay đóng góp sức trẻ của cán bộ, Liên đội TNXP, lực lượng Biên phòng và nhân dân… huyện đảo Bạch Long Vỹ giờ đây thực sự đã trở thành đảo xanh. Hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống sản xuất cung cấp điện, nước ngọt, bệnh viện, trường học, cảng và khu neo đậu tàu, trụ sở các cơ quan, đơn vị, nhà dân và các công trình văn hóa được xây dựng mới, cải tạo khang trang. Giữa biển khơi quanh năm nắng gió, ngày ngày vẫn đang có những con người lặng lẽ làm nên sức sống mới cho hòn đảo nơi tiền tiêu này.
cand.com.vn