Nghề một thời vàng son
Buổi trưa nắng một ngày cuối tháng 3, một chiếc xích lô cũ kỹ phát ra tiếng cót két dừng trước nhà ông Nguyễn Văn Hạ (63 tuổi, tên thường gọi là Trung) trên đường Ông Ích Khiêm, cạnh chợ đêm Lê Duẩn (quận Hải Châu).
Từ trong nhà, ông Hạ với bộ quần áo lấm lem, đen nhẻm dầu mỡ bước ra, hỏi ngay: “Xe hỏng phanh rồi hả chú?”. Người đạp xích lô đáp vui: “Đúng là Trung sửa xích lô, nghe từ xa là đã biết bệnh rồi!”.
Trong trưa nắng, ông Hạ lần bàn tay giữa cả rừng linh kiện và nhanh chóng tìm được đôi bố phanh ưng ý lắp vào. Thêm vài phút kiểm tra hệ thống lò xo và tra thêm dầu mỡ, ông Hạ đứng dậy đẩy mạnh chiếc xe theo quán tính rồi phanh nghe tiếng “kít” cứng ngắc.
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ngày ngày ông Hạ vẫn cặm cụi bên những chiếc xích lô hỏng trong căn tiệm nhỏ ấy. Tới nay cũng đã 48 năm ông gắn bó với nghề. Ông làm bây giờ không phải vì cơm áo gạo tiền, mà vì niềm vui khi còn được sửa, lắp ráp từng chiếc xe và đặc biệt là cái tình cái nghĩa dành cho những người đạp xích lô.
Từ khi 15 tuổi, ông Hạ và 3 anh em trong gia đình đã được cha truyền nghề và thuê mặt bằng để sửa xe “độc quyền” cho Hợp tác xã (HTX) vận tải xích lô trên đường Hải Phòng.
Ông Hạ kể, trước năm 1990, HTX có khoảng 800 chiếc xích lô chuyên chở khách gọi là “xe đỏ”. Chưa kể, xe xích lô chở hàng gọi là “xe đen” cũng đông không kém. Xe nhiều nên nghề sửa xích lô cũng đông khách theo. Nhiều tiệm sửa xích lô mọc lên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
“Những năm bao cấp là thời vàng son của nghề. Cứ thủng lốp, méo vành, mòn phanh là các xe lại vào tiệm của gia đình tôi. Công việc nhiều khiến 5 cha con làm mà vẫn không xuể. Cũng nhờ nghề mà từ khó khăn gia đình tôi dần có của ăn, của để và mua được nhà”, ông Hạ nhớ lại.
“Cao thủ” cuối cùng
Cầm trên tay chiếc bánh xe xích lô vừa được tháo ra, ông tẩn mẩn tháo rời từng bộ phận rồi thở dài và nói: “Cái thời vàng son của nghề sửa xích lô đã qua lâu lắm rồi”.
Ông kể, những năm 2000, nghề đạp xích lô rơi vào giai đoạn “suy thoái”, số phương tiện tụt giảm chóng mặt rồi dần dần vắng bóng trên đường phố. Hợp tác xã vận tải xích lô TP Đà Nẵng cũng giải thể. Ba anh em trai chuyển sang làm nghề khác, mỗi mình ông Hạ về nhà bám nghề.
“Giờ cả thành phố còn 40-50 xích lô được quản lý và chở khách du lịch, còn xích lô chở hàng thì vạ vật ở vỉa hè, nhiều chiếc rỉ sét và chủ bán phế liệu vì vắng khách”, ông Hạ bộc bạch.
Nói sửa xích lô có nguy cơ thất truyền cũng đúng, bởi như lý giải của ông Hạ, nghề này mang tính cha truyền con nối. Từ xưa, người theo nghề đã có những bí quyết riêng.
Vả lại, nghề khi xưa có thu nhập khá cao nên thường không truyền cho người ngoài. Nhưng nay, ông Hạ quyết không truyền lại cho con cái vì “làm không còn đủ ăn”.
Mấy mươi năm qua, giá sửa chữa xích lô có nhích lên đôi chút nhưng cũng chỉ ở mức vài chục nghìn đồng, như thay bố 20.000 đồng, vá ruột 15.000 đồng. Có tận mắt chứng kiến mới thấy thù lao sửa xích lô quá ít so với công sức mà ông Hạ bỏ ra.
Theo ông Hạ, nghề sửa xích lô tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Như vá săm, nếu mở lốp không đúng cách sẽ làm gãy phần vành, người sửa xe phải đền cả chiếc lốp mới cho khách.
Hay như kỹ thuật may lốp, phải dùng lốp xe đạp bọc ra ngoài chỗ thủng, sau đó may cả hai mặt trong và ngoài bằng dây cước mà không để phần dây cước chà xuống đường, nếu không sẽ bị bung.
Khó nhất là kỹ thuật đập nhíp. Những chiếc xích lô chở khách lâu ngày hoặc thồ hàng nặng sẽ khiến phần nhíp bị mòn, biến dạng. Ông phải dùng dầu chuyên dụng để mở phần bu lông rỉ sắt để lấy nhíp ra và đập lại.
Bộ phận nhíp ngoài độ cong theo thiết kế của xích lô, còn phải được căn chỉnh làm sao cho chiếc xe giữ được thăng bằng, không mòn lốp khi đạp và dễ dàng vận hành.
Là khách hàng sửa xích lô quen thuộc, ông Trần Văn Sinh (trú quận Hải Châu) chia sẻ: “Ông Hạ là người cuối cùng làm nghề xích lô. Nếu ông ấy không làm nữa, những người đạp xích lô, nhất là dịch vụ chở khách, sẽ không còn nơi sửa nữa”.
Dẫu nghề sửa xích lô đang dần đi vào dĩ vãng, nhưng khi nói chuyện với ông Hạ, tôi vẫn thấy mắt ánh lên đầy vẻ lạc quan và tự hào về cái nghề đặc biệt này. Với ông, thêm một ngày được mở cửa để chờ người đến gọi “ông Trung ơi, sửa xích lô!” là thêm một ngày trọn vẹn lời hứa giữ nghề.