Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho hay, đến nay mục tiêu đặt ra 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) rất khó thực hiện. Thực tế, con số này ở nhiều địa phương mới chỉ đạt 20-30%.
Cách đây 6 năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 (Đề án 522). Đề án này nhấn mạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp, gắn kết với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS và trung THPT vào GDNN. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án, nhiều khó khăn đã lộ rõ. Trong đó đáng lưu ý nhất là cách làm hình thức, hướng nghiệp kiểu ép buộc người học. Ghi nhận thực tế cho thấy, ở nhiều nơi các trường THCS vẫn hướng nghiệp học sinh lớp 9 kiểu bắt ép. Tại Hà Nội, hầu như mùa tuyển sinh nào cũng có những câu chuyện được phụ huynh chia sẻ rằng giáo viên chủ nhiệm “định hướng” học sinh không nên thi vào trường THPT công lập – bằng việc viết đơn theo mẫu xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Trong khi bản thân học sinh và gia đình vẫn muốn con được học tiếp ở một trường THPT công lập phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Cách làm của các trường hiện nay tư vấn nghề chỉ vì những em được cho là năng lực yếu, kém không thi đỗ trường công bậc THPT thì “nên đi học nghề”. Khi đó, đối với phụ huynh, học sinh, học nghề chỉ là giải pháp bắt buộc và tạm thời, người học không yêu thích, không tâm huyết thì biết trước kết quả sẽ không tốt. Chưa kể, khi sức học yếu, vào trường học nghề nhưng sẽ học song song cả các môn văn hóa và chương trình của nghề cũng gây áp lực lớn cho học sinh.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, khi thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phân luồng còn thấp. Trong đó, có 3 nguyên nhân chủ yếu, chính là tâm lý của phụ huynh học sinh không muốn con học trường nghề vẫn còn khá phổ biến; chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề còn hạn chế nên chưa thu hút được học sinh và công tác tư vấn, hướng nghiệp tại các trường phổ thông vẫn thiếu sự đầu tư cần thiết cả về nhân lực lẫn tài chính để đổi mới phương pháp tư vấn, hướng nghiệp theo hướng chuyên sâu, hiện đại. Đây là những nút thắt rất cần được tháo gỡ nếu muốn tăng tỷ lệ học sinh phân luồng sau THCS và THPT trong thời gian tới.
Mới đây nhất, Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp với chuyên đề: Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trung học. Theo đó, Đề án một lần nữa được đánh giá là chú trọng việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp, gắn kết với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào GDNN.
Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, các chuyên gia cho rằng cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về việc học nghề. Hướng đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo công bằng. Như vậy mới thay đổi được nhận thức, thuyết phục được xã hội. Cùng đó, muốn học sinh có nhu cầu, sở thích hướng nghiệp thì 100% giáo viên ở các trường học phải có nhận thức đầy đủ về công tác này.
Các phân tích đưa ra cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến công tác phân luồng, định hướng phân luồng trong các nhà trường còn gặp khó khăn nằm ở chính sách và nguồn lực. Hiện còn nhiều hạn chế về đầu tư tài chính, con người và công cụ thực hiện. Đội ngũ làm công tác hướng nghiệp phần lớn là nghiệp dư, thiếu kỹ năng chuyên sâu. Vì vậy, giải pháp cấp bách nhất là cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đưa ra những chính sách tài chính cụ thể, hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp và phân luồng thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Đồng thời với đó là việc cải tiến khung pháp lý về giáo dục phân luồng, xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, cải tiến chương trình đào tạo sau THPT, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp, theo dõi và đánh giá hiệu quả phân luồng học sinh THPT. Đi kèm là cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện để nâng cao hiệu quả chương trình.
Nguồn: https://daidoanket.vn/chuyen-nghiep-hoa-cong-tac-huong-nghiep-10296297.html