(Dân trí) – Những lời chia sẻ chân thực của một doanh nhân Việt với phóng viên Dân trí về khát vọng đưa đất nước hùng cường, chuyện mơ lớn, nghĩ lớn của doanh nghiệp Việt và chuyện bồi đắp cho thế hệ trẻ…
Câu chuyện của Nguyễn Trọng Khang với phóng viên Dân trí là những lời chia sẻ chân thực của ông về doanh nghiệp Việt trong khát vọng đưa đất nước hùng cường, chuyện mơ lớn, nghĩ lớn của doanh nghiệp và chuyện bồi đắp cho thế hệ trẻ…
Đất nước hùng cường, thịnh vượng thì rất cần các doanh nghiệp dám mơ lớn, nghĩ lớn. Góc nhìn của ông thế nào?
– Nói về chuyện Việt Nam hùng cường, tôi nghĩ rõ ràng, những gì liên quan đến công nghệ đều đòi hỏi đầu tư rất lâu dài, bài bản; trong đó cái khó nhất là nguồn lực đâu để đầu tư. Nếu có quyết tâm làm thì chúng ta có nhiều cơ hội. Ở doanh nghiệp chúng tôi, bên cạnh sự quyết tâm, phải có chiến lược bài bản, lâu dài và năng lực nắm giữ được nhiều công nghệ lõi.
Như chị cũng biết, MK Group tập trung lớn vào thẻ và xác thực sinh trắc học, có thể gọi là lĩnh vực an toàn bảo mật, nhận dạng, giao dịch ngân hàng. Gần đây thì chúng tôi có tham gia vài dự án giao thông công cộng ở Hà Nội, TPHCM cho đường sắt trên cao, hệ thống metro, thẻ vé… và một loạt công nghệ khác.
Có 3 trụ cột chúng tôi đang phát triển. Đầu tiên là dự án căn cước công dân, dự án hộ chiếu điện tử của Việt Nam.
Tiếp cận thị trường ngân hàng, chúng tôi chiếm 80-85% thị phần thẻ ngân hàng. Gần đây, 4 năm trước, chúng tôi làm camera, đó là một việc rất khó.
Thị trường camera rất khắc nghiệt, đều bị các ông lớn, đặc biệt các ông lớn của Trung Quốc chiếm hữu. Tham gia ngạch này, chúng tôi chọn loại đời mới là camera AI, tức ngoài tính năng đặc biệt của các loại camera thì mình có thêm những thuật toán để làm cho nó thông minh hơn.
Lĩnh vực này khó. Khi dám đứng ra cạnh tranh với thế giới, cạnh tranh với những công ty lớn bậc nhất thế giới, đòi hỏi phải có 3 thứ: sự quyết tâm, nguồn lực, chiến lược lâu dài. Và đó cũng chính là sự khác biệt của chúng tôi.
Mất bao lâu để ông đưa ra quyết định doanh nghiệp mình tiến vào camera, lĩnh vực ông nói là khó, khốc liệt và phải đi cạnh tranh với những “người khổng lồ”?
– Cái này thì mình phải tính hết lợi thế và khả năng của mình. Với các loại camera khác, người ta sản xuất số lượng lớn thì giá thành rẻ hơn nhiều, nhưng riêng với camera AI, có lẽ là mình lại có lợi thế nhất định.
Thứ nhất, hiện Mỹ đưa công ty camera lớn nhất của Trung Quốc vào danh sách “đặc biệt”. Cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc âm ỉ lâu rồi. Việc doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc tiếp cận dòng chip AI khó khăn hơn trước rất nhiều.
Thứ hai là họ bị hạn chế rất nhiều về thị trường. Hiện nay ngoài việc khó khăn trong xuất khẩu sang Mỹ, phương Tây thì Mỹ cũng có động thái với nhà cung cấp cho công ty Trung Quốc khi hợp tác, dùng công nghệ của nước này.
Đó là cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam nếu chúng ta làm chủ được công nghệ, làm chủ được thị trường. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một cái là thị trường. Anh có công nghệ tốt nhưng anh không có thị trường để khai thác, anh không biết đi ra thị trường như nào thì cũng là cái khó khăn.
Và ra sản phẩm thì sản phẩm đó phải rất đặc trưng. Camera AI hay ở điểm là thay thuật toán một cái thì camera như này lại biến thành camera khác rất là nhanh. Hiện camera của chúng tôi đã đọc được biển số của gần 40 nước khác nhau, với thuật toán được đưa vào thì 4.000 loại ô tô có thể được nhận dạng, phân biệt.
Loại này có thể được áp dụng tốt trong quản lý giao thông hoặc nghiệp vụ ngành công an.
Ngoài ra, chúng tôi sản xuất ra một loại camera đeo ngực, có thể dùng đến 50.000 template giấu khuôn mặt vào đó, tức có thể đưa danh sách khách hàng vào trong đó, thậm chí là đưa đối tượng vào trong đó để theo dõi, hay một ô tô bị mất thì có thể vào từng camera để biết biển số xe này đã đi tới đâu, ra đâu…
Với những camera AI có thuật toán khác nhau, khi cơ sở dữ liệu của mình có, mình có thể thực hiện “giao lưu” giữa camera với camera thành một hệ thống rất thông minh, rất hay.
Dĩ nhiên rất nhiều việc cần làm cho việc này, về cơ sở dữ liệu, về nén dữ liệu, ngay cả việc cái gì xử lý tại camera, cái gì tại AI box, cái gì tại server, bài toán đấy là bài toán khác hẳn, lại khó hơn nữa.
Đấy là những cái đang phải làm. Đấy là cơ hội. Tôi nghĩ là cơ hội rất rõ ràng. Nếu mình đi theo hướng đó thì ngay cả những ứng dụng xung quanh nó cũng thông minh hơn rất nhiều.
Camera hiện nay ở Trung Quốc, riêng về thuật toán quản lý cho giao thông công cộng là 650 thuật toán, tức là tự động hết. Ví dụ đèn xanh, đèn đỏ hỏng là camera báo ngay, hay tai nạn giao thông một cái là báo ngay cho cấp cứu, công an gần nhất đến hiện trường, làm không khó, có thể làm được hết.
Khi mình có cơ sở dữ liệu về sinh trắc học thì cái ứng dụng này rất rộng rãi. Đặc biệt là khi AI camera xử lý tất cả tại biên, tức xử lý tại ngay camera chứ không phải chạy về trung tâm.
Nếu chúng ta triển khai được chữ ký số nữa thì với mỗi một hành vi dân sự, giao dịch giữa người dân và chính quyền sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Đây là hướng hay nhưng cũng khó. Làm cái này rất khó và chúng tôi đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này.
Cơ hội, như ông nói, là có, nhưng cũng phải có những thách thức, khó khăn nhất định chứ? Có khi nào ông lường trước là rõ ràng ông thắng nhiều mảng, ông dùng vốn đầu tư mảng mới đầy thách thức, vô hình trung chưa biết như thế nào, thì có lo mất tiền, thất bại?
– Tôi cũng đồng ý chuyện đó. Khi tôi làm một thứ thành công không có nghĩa là thứ tôi làm sẽ tiếp tục thành công.
Nhưng mình nhìn thấy rõ ràng, tất cả những cái mình làm là cơ sở nền tảng để cho phát triển, xây một cái gì đó. Trong kinh doanh, nó liên quan đến thiên thời, địa lợi, nhân hòa, và may mắn, dù dĩ nhiên mình cũng không thể dựa hoàn toàn vào may mắn.
Chúng tôi luôn nỗ lực làm chuyện đó và cá nhân tôi cũng vậy, luôn nỗ lực làm những gì tốt nhất có thể, chiến đấu bằng hết sức lực của mình để đạt được những mục tiêu khác nhau.
Tôi không nghĩ là doanh nghiệp của chúng tôi đã đến một điểm thành công gì cả, tức là chưa tới cái mức mình ngủ quên trên chiến thắng. Đó cũng chính là câu chuyện ước mơ nhỏ, ước mơ lớn trong cuộc đời mỗi người. Thật ra với nhiều người Việt Nam mình, một số bị “vướng” cái đó khi nghĩ rằng “à thế đã là thành công lắm rồi”.
Ở Trung Quốc, các công ty làm về camera đạt doanh thu khoảng 1 tỷ USD trở lên có khoảng 10 cái tên. Còn ông to nhất thì doanh thu hơn 10 tỷ USD. Nhưng những loại mà từ 100 đến 300 triệu USD là khoảng vài trăm doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, nếu như mình biết cách làm, mình biết cách đi thì có cơ hội đấy, thậm chí là cơ hội lớn.
Vậy như thế nào là biết cách làm, biết cách đi?
– Từ kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ chắc chắn là cứ làm được một công thức như thế này thì sẽ thành công này: làm sao làm được 30-40% thị trường trong nước, còn đâu là xuất khẩu, cái ở nước ngoài và trong nước luôn luôn bổ trợ nhau.
Một công ty nội địa có thể thành công nhưng không thể rực rỡ được. Vì thế, anh phải là một công ty toàn cầu, có yếu tố quốc tế. Rất hy vọng từ cuộc chiến giữa Trung Quốc, Mỹ và giữa xu thế phát triển AI thì ngành công nghiệp camera về AI phát triển. Cơ hội của mình và những công ty ở nước ngoài như nhau.
Giả sử như cách đây 4 năm, làm một phần cứng camera AI quá là phức tạp. Tôi đi rất nhiều nhà máy và tôi thấy các công ty nước ngoài có rất nhiều thứ công nghệ hay và đến giờ phút này thì mình thấy là “à, hóa ra mình cũng làm được rồi”.
Tôi đến thăm công ty ở Đài Loan doanh thu khoảng 300 triệu USD, phải nói là cái nhà máy của họ không bằng nhà máy của mình được. Và khi mình có nền tảng rồi, thì từ cái camera này mình chuyển sang làm cái camera khác, làm sản phẩm khác, gắn cái khác vào thì nó rất khác biệt.
Có một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khi mà làm sản phẩm, chúng tôi sáng tạo lắm, luôn tạo ra những sản phẩm đặc biệt.
Ví dụ như sản phẩm body camera, đeo ở ngực cho cảnh sát, lực lượng thực thi pháp luật, giao dịch giữa khách hàng với nhà cung cấp thì mình dùng là mình tích hợp được luôn chuyện đọc căn cước công dân.
Cảnh sát cần kiểm tra ai đó thì camera đeo ngực biến thành đầu đọc luôn, đặc biệt nữa là, tôi tìm hiểu và phát hiện ra cái này là một trong những camera AI đầu tiên trên thế giới làm điều đó. Lần đầu tiên mình đưa chip AI vào camera cho loại body camera, mình là công ty đầu tiên làm cái đó.
Có lẽ mình đi sau nhưng mình lại nghĩ ra cái đặc biệt để làm khác biệt, làm sáng tạo và chính những cái khác biệt này tạo ra giá trị rất tốt. Mình không ngại là công ty đi sau vì đi sau có khi lại nhảy vọt.
Việt Nam làm được đầu đọc M6 không khác gì của các công ty công nghệ phương tây, đang tìm kiếm, mong muốn được phối hợp với các công ty công nghệ để có thể hợp tác sản xuất xuất khẩu đi nước ngoài.
Ông chia sẻ một công thức khá hay, là 30-40% trong nước, còn lại là xuất khẩu. Một công ty chỉ vào thị trường nội địa không bao giờ có thể thành công rực rỡ. Suy cho cùng làm doanh nghiệp ai mà chẳng muốn thành công, ai mà chẳng mong tiến ra được nước ngoài. Nhưng có phải ai cũng thành công, nó có liên quan tới vấn đề mơ lớn, nghĩ lớn của người Việt hay không, vì sao có người làm được, người thì lại không làm được?
– Tôi nghĩ nền tảng của tư duy của mỗi người đều khác nhau. Những người đi nhiều, học nhiều, có mạng lưới bạn bè khắp nơi sẽ khác người chỉ loanh quanh ở thị trường nội địa. Cách làm việc cũng thế, nhà làm về công nghệ với nhà đi bán hàng sẽ khác nhau.
Ở Việt Nam, vì quy mô của thị trường trước đây và gần đây cũng có thể có sự thay đổi rồi nhưng cách nhìn của doanh nghiệp Việt Nam dù sao đi nữa vẫn ở sân nhà nên cảm thấy khá thoải mái, thành công trong nước.
Trước tôi từng kể chuyện rồi. Có người bạn Ấn Độ giàu có hỏi tôi là “thế cậu định xây dựng công ty bao nhiêu”. Thì lúc đó, doanh số mình mới được có 2-3 triệu USD thì mình nói “muốn xây công ty 20-30 triệu USD”. Bạn bảo luôn “sao không xây công ty cả trăm triệu USD”.
Bạn hỏi “định bán hàng ở đâu”, mình bảo “bán ở Việt Nam” thì ông ấy nói “sao không bán cho thế giới”. Mà rõ ràng khi ấy tôi còn đi du học ở Mỹ về đấy mà tư duy lúc đó chỉ thế thôi.
Nhưng trong quá trình phát triển thì mình thấy rõ ràng công ty cũng phát triển hàng trăm triệu USD doanh thu rồi, xuất khẩu đến nhiều nước Nhật Bản, châu Âu, nhà máy ở Brazil, Etiopia… Việc đi lại liên tục, phát triển đối tác khắp nơi, rồi phát triển những ngành nghề mới, mở rộng mạng lưới mối quan hệ mới nó cũng sẽ tạo ra cho mình nền tảng khác, tư duy khác.
Nói thế để thấy rõ ràng kinh tế toàn cầu như hiện nay mà một thị trường chỉ gói gọn trong một quy mô hẹp thì bao giờ cũng vậy, anh sẽ làm ở quy mô nhỏ hơn.Bao giờ cũng thế, nếu làm ở quy mô nhỏ thì chi phí anh sẽ không thể tối ưu được. Cùng một nguồn lực như thế nhưng anh có thể làm với số lượng lớn thì lúc ấy anh sẽ rất thành công.
Rõ ràng là lớp trẻ bây giờ có thể thay đổi. Nhưng lứa trước thì giống tôi, đa số mọi người vẫn tư duy theo hướng nội địa nhiều hơn. Thế nhưng có những công ty, như FPT Software chẳng hạn, tôi chứng kiến rất là nhiều năm họ đi cực nhanh và rất tập trung.
Năm vừa rồi họ xuất khẩu phần mềm 1 tỷ USD. Một công ty Việt Nam mà đã làm được đến tầm như thế ở nước ngoài, mang được dòng tiền thế về thì đó là kết quả rất là tích cực.
Tôi rất muốn là các công ty Việt Nam nhìn thị trường rộng lớn hơn, có quy mô tầm quốc tế thì lúc đó tầm của người Việt Nam được nâng lên rất là cao.
Thôi thì thay vì đặt mình ở số 1 Việt Nam thì mình cứ đặt mục tiêu mình số 1 châu Á đi. Rõ ràng để làm được chuyện này phải có nguồn lực, nên là nguồn lực từ đâu, như thế nào nó quyết định rất nhiều.
Nhưng ngoài nguồn lực, có lẽ cũng là tính thời điểm nữa?
– Đúng. Có nhiều thứ được quyết định sớm quá lại chưa phải là tốt. Chúng tôi cũng va rồi. Nên là thời điểm rất quan trọng. Cũng chia sẻ là chúng tôi ngoài làm AI camera còn tham gia thêm vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Nhiều năm rồi tôi đã để ý lĩnh vực này. Công nghiệp quốc phòng là đam mê về công nghệ của tôi, công nghệ của quốc phòng là đỉnh cao của tất cả các loại công nghệ, thế nên là nó liên quan nhiều thứ rất hay. Cách đi của MK Group cũng khác, không thể đầu tư nghiên cứu phát triển từ đầu.
Chúng tôi vừa rồi đã mua 2 công ty, vừa hôm qua chốt 1 công ty nữa là 3 công ty, sắp tới thêm 1 nữa. Với 4 công ty làm chủ được công nghệ lõi thì mình sẽ làm được vô cùng nhiều thứ cho đất nước này.
Quay trở lại câu chuyện 30-40%. Hàn Quốc năm 2023 vừa rồi xuất khẩu được 12 tỷ USD khí tài quốc phòng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy thu cả vài tỷ USD, nên ngoài chuyện làm chủ được công nghệ ra thì còn đẩy được tầm cỡ của đất nước rất là nhiều.
Trước đây, thế giới mở lắm, người ta nghĩ anh không có thì mua, nhưng tình hình thế giới gần đây cho thấy cần tự chủ về năng lực, nếu lệ thuộc về công nghệ thì rất khó phát triển.
Chúng tôi đang cố gắng cuối năm nay tham gia triển lãm quốc tế về quân sự, đưa ra một số sản phẩm “made in Vietnam”. Đó cũng là một hướng mới, trụ cột quan trọng để công ty phát triển. Trước đây mình tính đến công ty 100 triệu USD thì bây giờ tính đến công ty 1 tỷ USD đi, nên cách đi và hướng rất quan trọng.
Tôi cũng hy vọng có sự may mắn nữa, không có may mắn thì không thể thành công được, mong có sự may mắn đúng thời điểm để nó cất cánh được.
Những lĩnh vực chúng tôi đang làm đều liên quan tới chuyển đổi số. Về chuyển đổi số thì vừa rồi MK Group đầu tư 6-7 công ty công nghệ ở Việt Nam, có 500 kỹ sư bên ngoài mình đầu tư 30-40% và tạo ra hệ sinh thái nhiều anh em có thể tham gia được, cùng với mình đi ra nước ngoài, cùng với mình làm những dự án, cùng mình chia sẻ công nghệ mới.
Đó cũng là cơ hội để chúng tôi tạo ra sân chơi cho một thế hệ sau một chút. Tôi 7X thì giờ công ty tôi còn có giám đốc sinh năm 1994 rồi, đó là việc mình tạo ra cơ hội mới để cho anh em cùng nhau phát triển.
Ông nói thì nghe mọi thứ đơn giản thế, nhưng đằng sau hẳn phải là câu chuyện dài lắm, như việc MK Group của ông mua lại một công ty Nam Phi chẳng hạn?
– Thật ra không phải công ty Nam Phi nói trên là công ty nước ngoài đầu tiên chúng tôi mua. Trước đó 5 năm, chúng tôi đã đầu tư công ty của Brazil rồi, rồi việc đầu tư sang Mỹ, đầu tư sang Singapore, năm ngoái là xây nhà máy sản xuất thẻ ở Etiopia hay chuyện làm việc với người nước ngoài, sang thị trường Nhật Bản, Nhật Bản đầu tư vào mình…
Tất cả những câu chuyện như thế đã được làm nhiều năm rồi. Có lẽ là câu chuyện hợp tác quốc tế nó là DNA của MK Group rồi, nó không mới. Cái mới ở đây là cách tiếp cận khác.
Trước đây là mình mua công ty để mình bán sản phẩm của mình. Mình xây dựng một nhà máy, mình đưa công nghệ của mình sang để bán ở thị trường của họ. Còn bây giờ là mình giải quyết một chuyện: mình mua lại công ty, công ty đó có thị trường, có công nghệ và cách tiếp cận sẽ khác.
Có lẽ cũng có những thách thức nhất định. Nói thế thôi, cá nhân tôi cũng không thể nắm bắt hết công nghệ nên mình lại phải sử dụng những người, cá nhân, tổ chức có nghề.
Ví dụ, vừa rồi, chúng tôi tuyển về một nhân sự người nước ngoài trước là tổng giám đốc một tập đoàn rất lớn về quân sự của Nam Phi. Ông ấy là một trong những kỹ sư đầu tiên làm quả tên lửa đầu tiên của Nam Phi, sau này phát triển lên thì đi nhiều công ty lớn, mạng lưới quan hệ rất là rộng.
Ông ấy cũng là phó chủ tịch hiệp hội công nghiệp quốc phòng của Nam Phi. Giờ thì ông đang làm cố vấn cho tôi.
Chúng tôi trả lương hàng trăm nghìn USD một năm, rất đắt nhưng rất đáng giá.
Thật ra việc dùng nhân sự giỏi thì chúng tôi làm nhiều năm rồi. Ví dụ, ở mảng smart card, tôi có những người giỏi nhất thế giới để làm những việc đấy và mình cần làm những việc đấy (trả lương cao – PV) để lấy được những người đó.
Hôm trước, chúng tôi cũng vừa thương thảo thành công một kỹ sư nhưng đi bán hàng rất giỏi. Mình có sản phẩm thì phải có người bán hàng, mà đi bán hàng lĩnh vực này nó khác với ngành khác lắm.
Chúng tôi cũng xác định rất rõ thị trường của MK Group là những nước đang phát triển. Chúng tôi rất thích những chỗ đông người, thị trường đông, ví dụ Indonesia, Myanmar… sắp tới là Ai Cập hoặc Etiopia. Châu Phi là thị trường tiềm năng nhưng cũng có những khó khăn nhất định.
Geely, công ty Trung Quốc, mua lại Volvo của Thụy Điển. Tình cờ tôi quen CEO của Geely và được nghe câu chuyện tại sao một công ty Trung Quốc lại mua Volvo và tới giờ họ rất thành công. Họ chuyển dần dần tất cả công nghệ đó về Trung Quốc.
Bây giờ làm chủ công nghệ phải thế, ngoài bản vẽ thì còn là làm chủ con người. Mua bản vẽ về có khi không biết làm gì đâu, mà vấn đề là con người. Thế thì mình lại phải thay đổi tầm nhìn.
Trước mình sản xuất tại Việt Nam, công nghệ Việt Nam rồi mình đi xuất khẩu, thì giờ mình giao thoa giữa chuyện là quản lý những tổ chức mới, văn hóa mới, con người mới, mình quản lý toàn nhân sự nước ngoài, tạo động lực ra sao, làm sao khai thác được điểm mạnh của mình và của họ, làm sao mình làm chủ được tất cả công nghệ đó, việc này cần một thời gian dài và phải có nguồn lực nhất định.
Như chị thấy, hiện chúng tôi trong giai đoạn đầu tư, nhưng với nhạy cảm của một con người, tôi thấy chắc chắn sẽ thành công, không thể không thành công được.
Khi nãy ông có nói về việc cố gắng làm mọi thứ để không chỉ thế hệ 7X mà còn là thế hệ 8X, 9X thậm chí trẻ hơn có thể kế thừa và tiếp cận, nó làm cho tôi liên tưởng câu chuyện cách đây 2-3 năm ông có chia sẻ rất lo lắng khi nhìn đại bộ phận các bạn trẻ ngồi “chém gió” về tiền trăm triệu đồng, tiền tỷ, gần đây còn va vào tiền ảo, muốn làm việc ra tiền ngay như chạy xe ôm công nghệ Grab. Giờ thì sao?
– Với văn hóa của người Việt Nam, người trẻ được sự quan tâm rất lớn của gia đình, cho ăn học, cho phát triển cá nhân. Tôi cũng thế thôi, có con là lo cho mọi thứ. Nhưng tôi thấy rõ ràng là cái văn hóa nó quyết định rất nhiều.
Nếu văn hóa mà mình quên mất cội nguồn, chạy theo những thứ trước mắt (dù suy cho cùng ai cũng phải sống thôi) tư duy ngắn hạn thì sẽ rất khó cho các bạn.
Tôi nghĩ 3 năm trước và bây giờ mọi thứ có vẻ khác nhau nhiều rồi đấy. Tiền ảo đi xuống, thị trường chứng khoán đi xuống, mọi thứ nó không theo như những cái người ta nghĩ nên người ta cũng phải học ra những bài học đó. Nên là nhiều khi cũng nghĩ là phải để đời dạy, va vấp thì mới thấy được.
Xu hướng của giới trẻ như thế không chỉ có Việt Nam đâu. Tôi sang một số nước cũng thế thôi, một bộ phận giới trẻ ở Nhật Bản, Trung Quốc… cũng thế thôi.
Khi cuộc sống càng ngày càng nhanh hơn và cạnh tranh hơn thì có một lớp người dường như chỉ muốn kiếm tiền thật nhanh, dẫn tới có những tội phạm về công nghệ cao, tội phạm này, kia…
Quay lại vấn đề là sẽ không bao giờ hết những nhóm người như thế, nhưng cái gì mà vĩnh cửu, cái gì tạo giá trị thì những người đó cần đóng góp trong chuỗi đó thì mới có giá trị. Còn nếu ai đó không tự tạo ra giá trị của mình thì tự bản thân anh đã loại anh ra khỏi cơ hội mà đáng lẽ anh được nhận.
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn, cải cách, đổi mới, sáng tạo, phát triển. Trong khi đó không có nơi nào có quan hệ quốc tế rộng rãi như Việt Nam cả. Khi phát triển như vậy thì mình có một không gian rất rộng lớn để mà phát triển.
Vậy cần định hướng cho thế hệ trẻ như thế nào?
– Phải nói là giới trẻ bây giờ có những thứ giỏi hơn bọn tôi rất nhiều. 20 tuổi, họ nói Tiếng Anh nhoay nhoáy, dùng công nghệ rất tốt.
Nhưng cái cần với những người như thế là làm sao để trở thành lực lượng lao động quốc tế, nếu ở tầm lao động quốc tế thì tự nhiên anh sẽ phải khác đi thôi, chứ chỉ loanh quanh suốt ngày quán cà phê thì khó.
Cơ hội ngắn hạn kiếm tiền rồi cũng sẽ hết, ví dụ đi chở Grab chẳng hạn, những cái đó rất là ngắn hạn. Tất cả những việc như tiền ảo cũng chẳng cấm được nhưng cứ để cho người ta thử. Tôi nghĩ là làm sao dạy cho giới trẻ quyết tâm, để làm sao người ta tư duy theo cái cách kiếm tiền hợp pháp, lâu dài.
Nhưng tôi lại có niềm tin về người Việt Nam trẻ, họ có tính khởi nghiệp tốt lắm. Nhìn thế thôi, thất bại thế thôi nhưng có khi loanh quanh ngồi quán cà phê có khi lại nghĩ ra cái gì đó.
Người Việt Nam có quyết tâm là sẽ làm được, cái chính là tạo ra môi trường “healthy”, không phải môi trường bình thường đâu mà là cả xã hội, khi cái nhìn nhận của xã hội mang tính tích cực thì rất quan trọng. Nếu nghĩ tiêu cực thì người ta sẽ tiêu cực ngay.
Nhưng nếu một xã hội rất tích cực thì người ta cũng sẽ hướng thiện, con người tốt lên, làm những điều hay hơn nhiều.
Tôi không nghĩ là mình phê bình nhóm người đó. Vì thực ra xã hội sẽ có những người này, người kia. Ai cũng muốn kiếm tiền nhanh và nó không xấu nếu hợp pháp nhưng thường kiếm tiền nhanh thì lại dễ rủi ro. Cần luôn nghĩ thế này: Tôi không giỏi hơn họ, phải đặt dưới, phải nỗ lực, giới trẻ nên như thế.
Tự cao tự đại của người Việt Nam cũng là vấn đề đấy. Mới làm được chút đã nghĩ tôi nhất thế này, tôi nhất thế kia. Khi anh đã đặt anh vào từ nhất thì chắc là anh chẳng muốn học gì nữa, chẳng muốn làm gì nữa, lúc nào cũng nghĩ giỏi rồi.
Ví dụ bọn tôi học hành ra, có người bảo tôi học giỏi lắm, nhưng học giỏi chắc gì đã làm giỏi, nên là phải trải nghiệm, va vấp thực tế. Còn với giới trẻ, đầu tiên cần có bằng đại học đã, thậm chí là cái tấm bằng này là cái dễ nhất để có thể có được, để bước vào cuộc sống.
Thứ nữa, người Việt Nam có cái tôi khá quyết liệt. Vừa rồi tôi dự một buổi vinh danh doanh nghiệp, các doanh nghiệp được khuyên hợp tác với nhau. Nhưng cái tôi lớn nó làm cho doanh nghiệp Việt Nam chẳng ông nào chịu ông nào. Mà nếu không hợp tác thì rất là khó cùng nhau đi ra thế giới.
Càng đi ra thế giới càng thấy mình nhỏ bé. Mình nhìn thấy cơ hội thật đấy nhưng nhìn thì thấy mình thật nhỏ bé, nhiều khi mình thấy mình cô đơn vì nói vậy thôi cứ bảo doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ra nước ngoài, ít lắm, cực ít luôn.
Về giới trẻ, tôi nghĩ chúng ta không cần quá lo lắng về chuyện đó đâu. Chủ yếu là chúng ta tạo ra một môi trường tích cực, thân thiện, môi trường học hỏi và một nền tảng luật pháp tích cực, rõ ràng thì sẽ tạo động lực cho rất nhiều người có thể thành công được. Việt Nam có nhiều cơ hội lắm.
Giờ với một cái máy tính, webcam, bao người kiếm được tiền. Nên là đưa công nghệ vào cuộc sống, chúng ta cần truyền thông, thay đổi cả tư tưởng, chẳng hạn như cái căn cước công dân nhỏ bé kia thôi nhưng nó là chìa khóa điện tử cho các giao dịch điện tử vì mục tiêu là để định danh. Ngay cả với người dân, việc truyền thông này cũng cần lắm.
Xin cảm ơn ông!
Dantri.com.vn