Ở thế kỷ XVI, vùng đất xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay là kinh đô kháng chiến mang tên Vạn Lại – Yên Trường. Gần 500 năm qua, kinh đô từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê nhưng dường như đang bị quên lãng.
Với mong muốn tìm lại giá trị lịch sử ở kinh đô kháng chiến, phóng viên báo Dân trí cùng nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Phan Thanh mục sở thị, tìm hiểu các tư liệu, cũng như những chứng tích còn sót lại… qua loạt bài: Vạn Lại – Yên Trường, kinh đô thời loạn:
Đàn Nam Giao – nơi “mở cửa lên trời”
Trên con đường đất đỏ ngoằn nghèo, ông Hoàng Hùng – Chủ tịch Hội khoa học – lịch sử Thọ Xuân và nhà nghiên cứu Phan Thanh dẫn chúng tôi đến khu vực được xác định là đàn Nam Giao của kinh đô Vạn Lại – Yên Trường.
Khu vực đàn Nam Giao ngày nay thuộc phần đất của gia đình bà Hoàng Thị Viết (70 tuổi), thôn 3, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Trên nền đất, nơi được xác định là trung tâm của đàn tế, chính quyền địa phương kết hợp với Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh xây dựng một trụ vuông bằng gạch vồ và đặt ban thờ lộ thiên.
Xung quanh trụ vuông là những lùm hoa mẫu đơn vàng, đỏ nở rộ. Để bảo vệ khu vực linh thiêng này, gia đình bà Viết đã dùng lưới vây quanh.
Dưới bóng cây được trồng trên nền đất đàn Nam Giao xưa kia, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng nói: “Trong các triều đại, kinh thành là trọng yếu của xã tắc, bên cạnh các công trình phòng thủ như tường, lũy, hào thành, cung điện, đền đài, một công trình không thể thiếu đó là đàn Nam Giao”.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Tháng giêng năm hồng phúc nguyên niên (1572) vua lập đàn tế giao ở nơi đây. Năm 1578 vua Lê Thế Tông cho xây dựng lại và tế giao trên địa điểm này”.
Nơi đặt đàn Nam Giao được các thầy địa lý thời xưa rất kỳ công tìm kiếm, chọn thế đất thiêng. Đó phải là nơi giao thoa, hội tụ khí thiêng của trời đất để hằng năm vào mùa xuân, Thiên tử (con trời) tiến hành tế trời đất, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Đây còn là nơi vua tự răn mình để thế thiên hành đạo, trị quốc an bang.
Đàn Nam Giao trước đây được tọa ngự chính trên đỉnh đồi Bái Ẩm, mặt chính của đàn quay hướng nam. Đây được xem là hướng hội tụ linh khí thiêng giữa trời đất, là hướng chính “mở đường” thông thoáng lên trời cao.
Diện tích của đàn Nam Giao khoảng 1,5-2ha, xung quanh được đắp bằng tường đất (hình thang), có chiều cao khoảng 1,2m, rộng khoảng 3m, chân của tường khoảng trên 5m. Chính giữa đàn có một nền cao, hình vuông (kiểu như nền nhà, diện tích của nền khoảng 300m2).
Phía trước, cách đàn Nam Giao khoảng 100m về phía nam, có bức tường thành lũy bằng đất chạy qua, kéo dài xuống tận Yên Trường (phủ chúa xưa) nay là xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống được phỏng đoán là thành lũy bằng đất chạy qua đàn Nam Giao đã bị san bằng, làm đường giao thông.
Ông Hoàng Quý Tiến – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Châu, nay là xã Thuận Minh – cho biết, ngày nhỏ ông và các bạn cùng trang lứa chăn trâu, chơi trò trốn tìm, đánh trận giả ở khu vực đàn Nam Giao.
Năm 1965, toàn bộ diện mạo của khu đàn Nam Giao còn nguyên vẹn dáng dấp cổ xưa. Đến năm 1985, địa phương tiến hành san lấp mặt bằng để canh tác và cắm cư.
Gia đình bà Hoàng Thị Viết đang ở trên vùng đất được xác định là đàn Nam Giao của kinh đô Vạn Lại – Yên Trường. Theo bà Viết, khi về ở đây, đào móng xây nhà, dọn dẹp vườn tược, bà đã gánh đổ đi rất nhiều mảnh gốm vỡ, ngói cũ.
Giếng cổ trăm năm chỉ một mực nước
Rời đàn Nam Giao, theo chân nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Phan Thanh, chúng tôi đi về hướng bắc, cách đàn khoảng 300m, trong lùm cây rậm rạp, sát mép bờ ruộng, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cho biết, trong đó có giếng nước, người dân nơi đây gọi là giếng Ẩm.
Theo ông Hùng, đây là giếng cổ còn được lưu lại của kinh đô Vạn Lại xưa. Giếng ở ngay chân đồi Bái Ẩm.
Qua nghiên cứu, giếng này không phải do con người đào mà là một giếng do tự nhiên tạo thành. Khi phát hiện mạch nước quý này, người xưa đã be bờ, đắp thành giếng.
“Cặp giếng Mắt Rồng là nguồn nước quý sinh hoạt trong hoàng cung, còn nước giếng Ẩm lại dùng cho việc cúng tế ở đàn Nam Giao. Nước giếng pha trà, hãm trà nên được gọi là Ẩm như ẩm tửu (rượu), ẩm thực, ẩm trà, vậy”, ông Hùng phân tích.
Theo quan sát của chúng tôi, tại nơi được xác định là giếng Ẩm, cỏ cây mọc um tùm, xanh tốt. Giếng Ẩm dường như bị che khuất, nằm ẩn dưới lùm cây, nước trong xanh.
Bà Hoàng Thị Viết cho biết, trước đây gia đình chưa có bể chứa, thường hay lấy nước ở giếng Ẩm dùng. Nước giếng trong, mát, ngọt.
Theo bà Viết, gần 40 năm sống gần giếng Ẩm, chưa bao giờ thấy nước giếng đổi màu và thay đổi mực nước.
“Có đợt trời giông bão, mưa to, gió lớn, nước ở bên ngoài ruộng dâng cao, đục ngầu thì giếng Ẩm vẫn giữ nguyên mực nước, trong vắt. Khi đồng ruộng nứt nẻ, hạn hán triền miên, nước giếng Ẩm vẫn được điều hòa, không thay đổi”, bà Viết nói.
Ông Lữ Văn Trưởng, công chức Văn hóa – Xã hội xã Thuận Minh, cho biết, trước đây giếng có hình vuông, 4 mặt được kè bằng gỗ. Hiện gỗ kè đang nằm nguyên vẹn dưới giếng, loại gỗ quý không bị nước ăn mòn.
Theo ông Trưởng, đối diện với giếng Ẩm là thế đất hình (đầu) con dơi to. Đây là thế đất kỳ phú, vượng khí thiêng, đất lành, có phúc. Trong bộ tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) thêm con dơi thì thành ngũ phúc.
Các triều đại phong kiến trước đây, trong cung vua, phủ chúa hoặc những nơi nghè, đền, miếu thờ thường khắc hình con dơi đang xòe cánh bay, miệng ngậm chữ “phúc”.
“Đồi Bái Ẩm (nơi đặt đàn Nam Giao) được ngự trên cánh của con dơi to, vị trí của giếng Ẩm nằm ở ức con dơi. Đây là thế đất linh thiêng cần được giữ gìn, bảo vệ”, ông Trưởng cho biết.