Bữa đó là một ngày đầu tháng 4 năm 1994, chúng tôi lên Tây Bắc công tác. Thực ra là lên Điện Biên Phủ để được hòa mình trong không khí bà con các dân tộc tỉnh Lai Châu chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dạo đó thị xã Điện Biên Phủ mới được thành lập và trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu (cũ) thay thế cho thị xã Lai Châu cũ (nay là thị xã Mường Lay).
Việc nâng cấp thị trấn Điện Biên Phủ lên thị xã rồi thành thành phố là một tính toán rất hợp lý, nó thay thế thị xã tỉnh lỵ cũ chưa thuận về địa hình và đường sá, hơn nữa lại là tiền đề để phát triển một địa danh lịch sử lên đúng tầm cỡ của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”.
Khi xe của chúng tôi vừa qua khỏi địa phận tỉnh Sơn La và bắt đầu đổ đèo Pha Đin để vào đất Lai Châu thì tất cả mọi người có mặt trên xe đều cùng ồ lên, ngạc nhiên và sững sờ. Trước mắt chúng tôi dường như từ thung lũng ngược lên tận đỉnh núi đều rực trắng sáng màu hoa ban. Màu trắng như làm sáng lên khắp núi rừng. Hoa ban đang đua nhau xòe cánh.
Những cánh hoa ban bung nở làm khắp đất trời chỉ thấy một màu tinh khôi. Khắp núi, khắp rừng đâu đâu cũng chỉ thấy màu hoa dường như chỉ có ở Tây Bắc, mà cụ thể chỉ có ở núi rừng Điện Biên. Thật đúng như ai đó đã nói: Hoa ban là thứ hoa riêng có, thứ hoa đặc trưng của núi rừng Điện Biên. Và cũng như ai đó đã nói: Lên Điện Biên đẹp nhất là lên vào mùa hoa ban nở.
Anh bạn đồng hành đã từng có lần lên Lai Châu ghé tai tôi: “Hoa ban được coi là loài hoa biểu tượng của tỉnh Điện Biên. Cây ban mọc tự nhiên trên rừng. Hoa nở từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 4”.
Tôi chợt nghe bên tai vọng tới câu nói thì thầm: Dù mọc trên đồi cỏ khô hay bám vào vách đá cheo leo, cây hoa ban vẫn mang trong mình một sự sống bất diệt. Lá ban hình móng bò, người Thái bảo hình “đôi trái tim ghép lại”.
Nhụy ban rất ngọt, các loài ong đặc biệt ưa thích. Cánh hoa ban vừa ngọt, vừa bùi, vì thế mà người Thái ở Điện Biên thường lấy về đồ chín trộn với giấm, vừng thành một món nộm, ăn rất lạ. Quả ban giống như quả bồ kết, hạt già đồ chín ăn ngon như hạt đậu.
Chúng tôi dừng xuống xe, chạy tới để ngắm hoa ban được kỹ càng hơn. Chỉ tiếc dạo năm 1994 đó chưa có điện thoại thông minh, máy ảnh lại không có sẵn nên chúng tôi chỉ biết “thu vào đáy mắt” những hình ảnh ngút ngàn của hoa ban. Chỉ biết trầm trồ khen đẹp mà không có cách nào lưu giữ được. Nếu như bây giờ thì chắc chắn chúng tôi sẽ có hàng chục bức ảnh về hoa ban để khoe với bạn bè và để đưa lên Facebook.
Chợt có ai đó trong đoàn lên tiếng: Hay là lần sau lên Điện Biên anh em mình tìm cách mang mấy cành hoa ban về Hà Nội. Chắc sẽ độc đáo hơn mấy cành đào. Tôi hơi cự lại thì anh bạn đồng hành lại nói tiếp: “Cái gì độc lạ và hiếm là luôn luôn có giá”.
Tôi đã đem hình ảnh đầu tiên về hoa ban đó về Hà Nội kể suốt ngày, kể hết ngày này sang ngày khác, kể mãi vẫn không chán. Kể xong lại tiếc vì không mang được cành hoa ban nào về. Kể xong lại tiếc vì chẳng có lấy một bức ảnh hoa ban do mình tự chụp. Đành hẹn dứt khoát lần sau lên Điện Biện thì cứ chọn mùa hoa ban nở mà đi, nhưng nhớ kiểu gì cũng phải mượn bằng được một chiếc máy ảnh để lưu giữ hình ảnh về thứ hoa “rất Điện Biên” này.
Rất may, ngay buổi tối đầu tiên trên thị xã Điện Biên Phủ còn nhiều ngổn ngang, chúng tôi đã được các anh chị ở Phòng Văn hóa thông tin thị xã đãi bữa cơm thân mật. Rượu đầy be, thứ rượu do bà con người Thái nấu bằng gạo Mường Thanh thơm ngon nức tiếng. Vừa uống ngụm rượu vừa nhâm nhi măng đắng luộc chấm với muối vừng. Đơn giản thế mà cũng vào ra phết. Rượu trôi tuồn tuột, chuyện nở râm ran mà chuyện đi chuyện lại lại quay về với hoa ban. Quả thực cái gì lạ cũng làm lòng người náo nức.
Theo như các anh ở Phòng Văn hóa thông tin thị xã Điện Biên Phủ thì thị xã tuy mới thành lập nhưng đã có kế hoạch đưa những cây hoa ban mọc tự nhiên trong rừng về trồng trên các đường phố của thị xã. Việc này cũng cần phải có nghiên cứu bởi cây ban tự nhiên khi đem về trồng trên đường phố cây ban có hợp?
Tôi góp ý: “Hay cứ trồng thử đi. Trồng thành công rồi thì cũng nên nghĩ đến đưa giống cây hoa ban đã trồng về Thủ đô, chắc sẽ rất vui vì phố sẽ có thêm hoa ban Điện Biên giữa lòng Hà Nội. Biết đầu đấy vào dịp mùa xuân bên cạnh hoa đào, bên cạnh quất cảnh thì người Hà Nội sẽ có thêm những cành hoa ban chơi xuân”.
Cuộc rượu cứ tiếp diễn bất chấp trời Điện Biên Phủ đang vào đêm. Quả thực, hoa ban đang vào kỳ nở trắng rừng. Lúc rượu đã ngà ngà tôi mường tượng thấy trước mắt mình màu hoa ban trắng rung rinh như cảm thấy đưa tay ra là sờ nắm được. Anh bạn ở Phòng Văn hóa thông tin thị xã cho hay: “Em sống ở đây nhiều năm và cũng đã đi nhiều địa phương trong tỉnh. Em thấy hoa ban rừng có nhiều nhất và đẹp nhất là ở xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa; ở bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; ở bản Dư O, huyện Điện Biên Đông hay bản Nậm Cứm, huyện Mường Ảng. Các anh mà đến những bản đó chắc khó có thể dứt lòng mà về được”.
Đêm ấy, trở về nơi nghỉ mà trong lòng tôi cứ rạo rực mãi. Nhớ đã được nghe nhiều lần những câu chuyện về hoa ban, đặc biệt là hoa ban trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Có câu chuyện kể rằng: Với nhiều chiến sĩ đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, thì hoa ban là ký ức đẹp và thơ mộng nhất giữa bom đạn, khói lửa chiến tranh. Dạo đó khi hành quân lên Tây Bắc để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ ta đã bí mật hành quân trong rừng hoa ban trắng. Dù hoàn cảnh chiến trường ác liệt, tàn khốc và bí mật nhưng khi nhìn những cánh hoa ban, hẳn những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi khi đó đã ví loài hoa trắng xinh, mỏng manh mọc trên núi rừng Tây Bắc là biểu tượng cho vẻ đẹp của người con gái Thái mộc mạc với khăn piêu, áo cóm; biểu tượng của tình yêu đôi lứa trong sáng và thủy chung.
Chính vẻ đẹp trong ngần, tinh khôi và nguyên thủy của hoa ban đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Tôi miên man liên tưởng: Hình như mùa hoa ban nở cũng là mùa của những chiến công chói lọi. Loài hoa riêng có của núi rừng Tây Bắc ấy cũng là ký ức đẹp của những người lính Điện Biên Phủ, gợi nhớ những ngày tháng oanh liệt “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” để làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Lại nhớ câu chuyện tôi đã được nghe: Hồi Chiến dịch Điện Biên Phủ, giữa núi rừng hoang sơ, để khỏi bị lạc đường, nhiều lính trinh sát còn dùng hoa ban để đánh dấu nơi mình đi qua. Hay chuyện rừng xanh hoa trắng chính là “tấm màn” bao bọc, chở che và nuôi tâm hồn của những người lính Điện Biên.
Hồi ấy các anh còn trẻ lắm. Tuổi mười tám đôi mươi nên rất dễ xúc động trước những tinh khôi, tinh khiết. Nhiều người chiến sĩ đã viết thư về nhà nói lên cảm xúc của mình với người thân ở hậu phương. Mà kể cũng khéo làm sao. Ngày chúng ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là ngày hoa ban bắt đầu nở. Dường như đó chính là dự báo về một thắng lợi huy hoàng. Chiến thắng trong mùa hoa ban nở trắng rừng.
Nhớ anh bạn ở Phòng Văn hóa thông tin thị xã đã nói lúc chúng tôi chia tay, rằng: “Người Điện Biên tự hào về hoa ban cũng như cái cách họ tự hào về Chiến thắng. Bởi vậy mà, loài hoa này đã thành lời mời gọi du khách muôn phương hãy ngược ngàn Tây Bắc để lên với Điện Biên mỗi dịp xuân về”.
Nguồn: https://daidoanket.vn/chuyen-ke-hoa-ban-10278487.html