Ông là một trong những chứng nhân góp mặt trong đội quân giải phóng tiến công vào Dinh Độc lập, bắt Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là Dương Văn Minh và toàn bộ nhân vật chủ chốt của nội các chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào sáng 30/4/1975.
Tiếp phóng viên tại tư gia ở quận Tây Hồ, Hà Nội, Đại tá Phùng Bá Đam xúc động hồi tưởng lại thời khắc lịch sử của dân tộc: “Khi đó, tôi là một sĩ quan trẻ mới 26 tuổi và mang quân hàm Trung úy, thuộc Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Sáng ngày 30/4/1975, tôi cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 và Lữ đoàn Thiết giáp 203, thuộc Quân đoàn 2, tiến vào Dinh Độc lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Tôi vẫn nhớ như in từng giây phút lịch sử hào hùng của dân tộc mà bản thân được vinh dự làm một nhân chứng…”.
Ngày 27/4/1975, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng căn cứ Nước Trong, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 thành lập lực lượng mạnh đột kích thọc sâu hướng Đông Nam vào thành phố Sài Gòn, đánh chiếm đài phát thanh, căn cứ Hải quân và Dinh Độc lập. Trung úy Phùng Bá Đam khi đó là Trưởng tiểu ban cán bộ Trung đoàn 66, được giao nhiệm vụ đi cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và một số đồng chí đi sở chỉ huy tiền phương.
Ngày 30/4/1975, khi vào đến Dinh Độc lập, tới cầu thang thì các chiến sĩ gặp một người đàn ông cao lớn, mặc quân phục cộc tay. Ông ta tự giới thiệu là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh – phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Ông ta báo cáo “toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ sẵn cấp chỉ huy ở phòng họp” và mời “cấp chỉ huy” tới phòng họp.
“Theo Nguyễn Hữu Hạnh, chúng tôi tới phòng họp thì đã thấy người ngồi kín trong một căn phòng rộng, không khí ảm đạm, trầm lặng. Thấy chúng tôi, không ai bảo ai, tất cả họ đều đứng dậy để chào đón. Khi đó, một người cao lớn vạm vỡ, mặc quân phục màu rêu, đeo kính cận bước lên trên. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh chỉ người đó và giới thiệu “Báo cáo cấp chỉ huy, đây là ông Dương Văn Minh, Tổng thống”; rồi Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh chỉ tiếp vào người hơi thấp nhỏ, trán cao, đeo cặp kính cận, mặc bộ com-lê màu đen và giới thiệu “đây là ông Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn”. Sau đó, Mẫu hơi cúi đầu chào chúng tôi”, Đại tá Phùng Bá Đam nhớ lại.
Theo lời kể của Đại tá Phùng Bá Đam: “Tiếp đó, Dương Văn Minh lại bước lên một bước: “Báo cáo cấp chỉ huy, chúng tôi biết quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đã chờ sẵn quân giải phóng để bàn giao”. Anh Thệ tuyên bố: “Các anh đã thua, bị bắt làm tù binh. Các anh phải đầu hàng vô điều kiện. Các anh không có gì phải bàn giao”. Cả phòng im phăng phắc. Với lời tuyên bố cứng rắn, dứt khoát của anh Thệ, Dương Văn Minh chuyển từ thế chủ động sang bị động, cúi đầu chờ đợi”.
Trước tình hình chiến sự diễn ra nhanh chóng, quyết liệt, để đỡ tổn thất xương máu của đồng bào, đồng chí, Đại úy Phạm Xuân Thệ và đồng đội đã thống nhất yêu cầu Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng ngay; tuy nhiên, thời điểm đó, đường dây từ Dinh Độc lập ra đài phát thanh Sài Gòn không liên lạc được nên đã quyết định đưa Dương Văn Minh ra đài phát thanh Sài Gòn càng sớm càng tốt. Đại úy Phạm Xuân Thệ nói dõng dạc: “Các anh phải ra ngay đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”.
Dương Văn Minh ngồi xuống ghế thở dài rồi nói: “Xin cấp chỉ huy cho tuyên bố đầu hàng tại Dinh Độc lập, ra ngoài đường phố sợ không bảo đảm an toàn”. Đại úy Phạm Xuân Thệ nói: “Sài Gòn đã giải phóng, chúng tôi bảo đảm an toàn cho các anh”. Sau đó, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu trao đổi nhỏ với Tổng thống Dương Văn Minh, rồi đứng dậy nói: “Xin tuân lệnh cấp chỉ huy”.
Đưa cho phóng viên xem những tấm hình đen trắng đã phai màu, nhưng đầy sống động, ghi lại giây phút Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh được các chiến sĩ giải phóng dẫn đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước đại diện của quân giải phóng miền Nam, Đại tá Phùng Bá Đam tiếp tục hồi tưởng: “Khi chúng tôi dẫn Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu rời khỏi phòng họp, các quan chức chính quyền Sài Gòn trong phòng nhốn nháo, bàn tán. Dương Văn Minh cúi đầu bước đi, xuống hết cầu thang, ông ta chỉ tay sang bên trái nói với anh Thệ: “Mời các ông lên xe”. Anh Thệ nói: “Chúng tôi đã có xe”. Dương Văn Minh đành theo chúng tôi lên xe Jeep do lái xe Đào Ngọc Vân lái. Anh Thệ và Dương Văn Minh ngồi ghế phía trên. Tôi ngồi phía sau với Vũ Văn Mẫu và anh Nguyễn Văn Nhu, chiến sĩ Bàng Nguyên Thất, Nguyễn Huy Hoàng. Do chúng tôi không biết đường đến đài phát thanh Sài Gòn, Dương Văn Minh đã chỉ đường.
Tới nơi, anh Trương Quang Siều, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 và Hoàng Trọng Tình, chính trị viên Tiểu đoàn 8, phấn khởi chạy ra đón. Anh Siều báo cáo anh Thệ: “Tiểu đoàn 8 đã hoàn thành nhiệm vụ chiếm Đài phát thanh Sài Gòn”. Sau đó, các anh cùng chúng tôi dẫn Dương Văn Minh lên tầng 2 vào phòng thu âm.
Đến nơi, nhân viên của đài đã bỏ chạy hết, anh Tình yêu cầu ông già bảo vệ của đài đi tìm họ. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi tranh thủ trao đổi về nội dung bản tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Mỗi người một ý, anh Thệ là người chắp bút. Đang soạn thảo thì một đồng chí bộ đội dáng người cao to, đội mũ cứng, bước vào hỏi: “Các anh ở đâu, đơn vị nào?”.
Anh Thệ trả lời: “Tôi Phạm Xuân Thệ, Phó đoàn Đông Sơn” (Đông Sơn là biệt danh của Trung đoàn 66 trong chiến tranh). Đồng chí này tự giới thiệu: “Tôi là Bùi Tùng, Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn 203. Tôi tưởng các anh là người của Quân đoàn nên tôi không tham gia. Tôi vào Dinh, biết Dương Văn Minh đã ra Đài phát thanh, nên tôi đến đây luôn”. “May quá, bây giờ chúng ta cùng làm”, anh Thệ nói. Anh Bùi Tùng cùng chúng tôi thảo tiếp nội dung lời tuyên bố đầu hàng để Dương Văn Minh đọc. Dương Văn Minh loay hoay mãi không đọc nổi vì chữ anh Thệ khó đọc, rồi đề nghị: “Cấp chỉ huy đọc lại cho tôi chép”. Anh Thệ đọc cho Dương Văn Minh chép.
Khi anh Đinh Thái Quang mở máy ghi âm để thu thì cuộn băng bị rối. Tôi đã tìm được một chiếc cặp trong đó có một số băng ghi âm, đưa lại để thu. Nhưng ngay lúc đó, một nhà báo người Đức đưa máy ghi âm ra cho chúng tôi mượn, rồi ông tự lắp băng, mở máy thu lời của Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Chúng tôi bàn với nhau, ta phải có lời tuyên bố chấp nhận sự đầu hàng và đề nghị Trung tá Bùi Tùng là người chỉ huy cao nhất ở đây, quê lại ở miền Nam đọc là phù hợp. Anh Tùng đồng ý rồi dõng dạc đọc: “Chúng tôi – đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn. Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
Lát sau, chúng tôi cùng nhân viên của đài kiểm tra kỹ thuật máy móc rồi mở máy phát đi lời tuyên bố đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Đồng hồ trong tay tôi lúc này chỉ 11 giờ 30 phút. Chúng tôi hồi hộp, xúc động, im lặng lắng nghe từng câu, từng lời truyền đi trên làn sóng đài phát thanh cho đồng bào cả nước và thế giới chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc mình”.
Đại tá Phùng Bá Đam chia sẻ: “Từ bao đời nay, Dân tộc ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đại đoàn kết, nhân văn sâu sắc… Đó là sức mạnh nội sinh, cùng với sự giúp đỡ quý báu của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã giúp chúng ta làm nên những chiến thắng vĩ đại. Thế hệ hôm nay được tiếp cận với nhiều kiến thức khoa học phát triển hơn, tôi rất tin tưởng vào thế hệ trẻ sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của cha anh đi trước để tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tươi đẹp, phát triển hơn. Nhân dịp kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi cũng xin được bày tỏ tri ân tới các Anh hùng Liệt sỹ và đồng đội đã đóng góp sức mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
N.Hường