Lần dở thực đơn của một nhà hàng chuyên về cá ở Việt Trì (Phú Thọ), thấy đề món ăn là “cá Anh Vũ phong thủy”. Tôi tự hỏi, phải chăng họ viết cho chúng thêm chữ “phong thủy” để rồi giá tăng vọt, và đại gia thi nhau săn lùng, ăn lấy may, ăn cho thêm “đỏ”? Tôi quyết phải làm cho rõ về gốc gác của loài cá đặc biệt này.
Từ thị trấn Na Hang (Tuyên Quang), tôi đi về hướng Thượng Lâm, đến khu vực đèo Gốc Phát, hỏi thăm nhà anh Nguyễn Việt Hòa (thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang) chuyên nuôi cá Anh Vũ, có lẽ dân trong vùng ai cũng biết.
Anh Nguyễn Việt Hòa nổi tiếng khắp vùng vì có đàn cá “tiến vua” hàng ngàn con. Với giá lúc nào cũng cao ngất ngưởng, tới vài triệu đồng, thậm chí có nhà hàng “hét” đến 15 triệu đồng/kg, rõ ràng, đàn cá Anh Vũ của anh Hòa là một gia tài lớn.
Gọi là trang trại cá Anh Vũ, nhưng chủ trang trại nói anh cũng không rành rẽ kỹ thuật nuôi loài cá nước ngọt quý hiếm vào loại bậc nhất Việt Nam này. Trước đây, gia đình anh xây bể trên núi Ái Au gần nhà, dẫn nước tự nhiên vào và nuôi cá Anh Vũ. Nhưng rồi không tiện chăm sóc, và nhiều lý do khác, anh chuyển số cá này về nhà nuôi. “Trước đây ở trên núi, tôi nuôi khoảng 5.000 con, do không biết kỹ thuật nên cá chết và thất thoát cũng nhiều”, anh Hòa cho biết.
Hiện nay, mấy cái ao nhà anh còn khoảng 2.000 con. Anh không biết cho cá ăn gì, thấy “không lớn mấy” và cũng không biết cá nuôi trong ao nhà có sinh sản hay không. Để cá tồn tại được trong ao nuôi, từ kinh nghiệm của người từng có một số năm nuôi cá lồng ở sông Gâm, anh Hòa phải dẫn nước từ trên núi xuống, cho chảy ra vào ao liên tục. Tất cả số cá này anh mua gom trong một thời gian dài từ dân thuyền chài đánh bắt trên sông.
Bấy lâu nay, khi nói đến cá Anh Vũ, dân gian hay nói đến vùng ngã ba Bạch Hạc ở Việt Trì, kể cả sách Đại Nam nhất thống chí. Nhưng, chủ trại cá Nguyễn Việt Hòa nói, mấy nghìn con cá của nhà anh đều lấy giống bắt tự nhiên ở sông Gâm, đoạn chảy qua Bắc Mê (Hà Giang). Có người nói, từ khi hồ thủy điện Na Hang được xây dựng trên sông Gâm hơn 10 năm trước, loài cá này xuất hiện ở vùng lòng hồ nhiều hơn, sống theo bầy đàn ở nơi nước trong và có nhiều hang đá.
Ngã ba Hạc nhìn từ trên cao
Tôi cũng từng nghe Phan Anh Tuấn, chuyên kinh doanh lâm thủy sản vùng Tây Bắc nói, anh lớn lên ở Điện Biên và rất nhiều lần bắt gặp, mua được cá Anh Vũ từ dân chài đánh bắt trên sông Đà. “Cá Anh Vũ dễ nhận thấy ở cái mõm lợn, và đặc điểm dễ phân biệt với cá khác là cái vây lưng hình cánh buồm, đối xứng và thẳng hàng với vây bụng”, anh Tuấn nói. Theo anh, chỉ cần căn cứ vào đặc điểm đó là có thể tránh mua phải cá dầm xanh. “Và cứ ai quảng cáo bán cá Anh Vũ 5 – 7 kg thì chắc chắn đó là cá Anh Vũ dởm”.
Các ông thuyền chài ở xóm Đoàn Kết ngay ngã ba Hạc nói, vào mùa lạnh, trời sương giá, cá Anh Vũ thường rời hang ở đáy sâu đi kiếm ăn, cho nên mới dễ bắt được chúng hơn.
Theo ông Toàn, 68 tuổi, ở xóm chài Đoàn Kết, muốn bắt Anh Vũ, phải dùng một thứ gọi là cụp. Cụp là cái rọ đan bằng tre nứa, buộc đá vào dằn xuống đáy sâu, chỗ có hang hốc. “Chúng tôi phải xác định nơi có hang cá, dự đoán nơi ấy có Anh Vũ. Rồi lặn xuống đặt cụp trước cửa hang. Mùa đông giá rét vẫn phải lặn xuống. Bởi vì cá Anh Vũ ở đáy sâu, chỗ nước chảy xiết, lại chỉ ăn rêu bám trên đá, nên không thể câu hay đánh lưới”, ông lão đánh cá tuy còn khỏe mạnh nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu xuống sức, kể.
Cụp bắt cá có cơ chế sập bẫy như bẫy chuột. Cá bơi vào chạm dây thì cửa cụp có buộc cục đá phía trên sẽ sập xuống. Chính vì thế mà ông Toàn phải lặn xuống đáy, sắp đặt bố trí xong hết đám cụp mới gọi là xong việc. “Khi lên bờ, người run cầm cập. Lắm khi tôi cứ phải đốt sẵn đống lửa trên bờ, lên có cái mà sưởi”, ông lão hơn nửa đời đánh cá ở ngã ba Hạc bảo. Bù lại, cá Anh Vũ rất đắt. Bắt được không dám ăn, ông Toàn phải nhanh chóng sục ô xy, mang cá đến đổ cho mấy nhà hàng ở Việt Trì.
Cá Anh Vũ chế biến thành món nướng, nấu, chả và hấp lá gừng đều rất ngon. Chính vì thịt ngon lại hiếm, giá cá Anh Vũ lúc nào cũng cao chót vót.
Anh Hòa nói, anh bán cá sống với giá 4 triệu đồng/kg: “Vừa rồi tôi mới gửi mấy cân cá theo xe về cho khách ở Hà Nội. Cá phải được sục khí ô xy, đưa đi còn sống nguyên”.
Khảo giá cá Anh Vũ ở nhà hàng H.T ở đường Bờ Sông (TP Việt Trì), bà chủ nói khách muốn ăn phải đặt trước, bởi không phải lúc nào nhà hàng cũng có. “Giờ là mùa đông thì hay có, nhưng anh muốn đãi sếp cũng phải hẹn trước, em có trong bể mới dám nhận”, chị nói và cho biết thêm, cá chị đặt mua của ngư dân khai thác trên sông Hồng, khu vực ngã ba Hạc. “Cũng chỉ vài lạng, cao nhất là hơn 1 kg một con thôi. Giá còn tùy kích cỡ, nhưng phải hơn 10 triệu đồng/kg”.
Chị chủ nhà hàng cá H.T nói, cứ vào mùa đông, nhất là những ngày có sương mù, ngư dân hay đánh được cá Anh Vũ. Ở Tuyên Quang, cá Anh Vũ được bán với giá 4 triệu đồng/kg, đến Việt Trì đã lên hơn 10 triệu. Về đến Thủ đô thì không còn giá 10 triệu nữa.
Chuyện các nhà hàng và ông chủ trại cá Anh Vũ vẫn phải trông chờ vào nguồn cá giống tự nhiên đã phần nào cho thấy việc nhân giống cá Anh Vũ, biến chúng thành vật nuôi thương phẩm là điều không khả thi.
Từ hàng chục năm nay, cứ lâu lâu lại có một đơn vị thủy sản tuyên bố nhân giống cá Anh Vũ thành công. Tuy nhiên, theo chuyên gia thủy sản Võ Văn Bình, dù đã có công nghệ sản xuất giống, nhưng do cá Anh Vũ chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài nên khi thành thương phẩm, giá trị kinh tế không cao. Do vậy, ít người nuôi.
Ngẫm ra, chuyện cá Anh Vũ đắt đến mức hàng chục triệu đồng/kg cũng có lí lẽ riêng. Lắm người giàu, đi cái xe cả chục tỷ bạc, có bỏ ra hơn 10 triệu đồng ăn một bữa cũng là bình thường, hơn nữa lại còn góp phần “phân bổ lại nguồn lực xã hội”. Chỉ có điều, nếu không nuôi lấy mà ăn, chỉ trông chờ thiên nhiên, rồi cũng sẽ đến ngày bỏ cả trăm triệu cũng không mua nổi nữa, vì lúc ấy Anh Vũ đã biến mất thật rồi.