Thị trường chứng khoán hôm nay (14.2) mở cửa giao dịch với các chỉ số chính biến động liên tục với chiều hướng sụt giảm. Chốt phiên, VN-Index giảm 5.06 điểm xuống 1.038,64 điểm. Thế nhưng, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG vẫn tím lịm từ đầu đến hết phiên và chốt ở giá 1.181.500 đồng – ghi nhận cổ phiếu có giá cao nhất trên sàn chứng khoán Việt từ trước đến nay.
Nhiều phiên chỉ giao dịch 100 cổ phiếu
Chào sàn UPCoM từ ngày 5.1 nhưng trong suốt tháng 1, cổ phiếu VNZ hoàn toàn không có giao dịch nên giá vẫn giữ ở mức tham chiếu 240.000 đồng. Thế nhưng bất ngờ đến ngày 1.2, cổ phiếu VNZ có đúng 100 đơn vị (là lô giao dịch chẵn tối thiểu trên UPCoM) được khớp lệnh ở giá trần, tăng thêm 40% so với mức tham chiếu lên 336.000 đồng.
Kể từ sau đó, kịch bản khớp lệnh vỏn vẹn một lô tối thiểu là 100 cổ phiếu mỗi phiên với giá trần đã liên tục lặp lại trong 5 phiên liên tiếp sau đó. Đến phiên thứ 7, mã VNZ vẫn tăng kịch trần nhưng khối lượng giao dịch đã tăng lên với tổng cộng 300 cổ phiếu. Bước sang 2 phiên đầu tuần này, đà tăng trần của VNZ chưa dừng lại nhưng thanh khoản đã gia tăng với số lượng 6.244 cổ phiếu và 5.600 cổ phiếu.
Đà tăng của cổ phiếu VNG trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm, thanh khoản không có và đặc biệt công ty thua lỗ lên đến 1.315 tỉ đồng năm 2022 khiến hầu hết nhà đầu tư đều ngạc nhiên. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của VNG.
Ở mức giá gần 1,2 triệu đồng/cổ phiếu, thị giá của VNZ gấp gần 15 lần giá cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT, gấp hơn 28 lần cổ phiếu CMG của Tập đoàn CMC là những doanh nghiệp công nghệ đã lên sàn niêm yết khá lâu.
Cổ phiếu VNZ giao dịch bất thường?
Trong lịch sử 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, VNZ đã trở thành cổ phiếu có giá đắt đỏ nhất, lên trên 1 triệu đồng. Trong quá khứ, có một số cổ phiếu đã từng đạt được giá cao lên 600.000 – 700.000 đồng như SJS, FPT nhưng đều chỉ diễn ra trong năm 2006 – 2007. Đây là giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ và VN-Index liên tục lên cao cũng như hầu hết các cổ phiếu đều tăng mạnh kèm theo khối lượng giao dịch cũng khá lớn. Điều đó hoàn toàn trái ngược với tình hình thị trường chung hiện nay.
Theo lý giải chung, cổ phiếu VNZ lên sàn nhưng hầu như không có giao dịch do số lượng cổ đông đang hạn chế và chủ yếu ở các tổ chức, cổ đông nội bộ. Vì vậy chỉ cần đúng 100 cổ phiếu là sẽ khớp được ở giá trần. Vậy cổ đông của VNZ gồm những ai?
Theo báo cáo khi chào sàn, VNG có hơn 35,84 triệu cổ phiếu phổ thông gồm hơn 28,73 triệu cổ phiếu đang lưu hành và công ty sở hữu hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. VNG có 373 cổ đông, trong đó có 4 tổ chức.
Cổ đông ngoại duy nhất là VNG Limited (Cayman Islands) đang sở hữu 49% vốn, tương đương hơn 17,563 triệu cổ phiếu. Kế đến là Công ty CP Công nghệ Big V nắm 19,83% vốn, tương đương hơn 7,1 triệu cổ phiếu.
Sau đó là ông Lê Hồng Minh, người sáng lập và là Tổng giám đốc của VNG sở hữu 9,84% vốn, tương đương hơn 3,52 triệu cổ phiếu; Vương Quang Khải – thành viên Hội đồng quản trị – sở hữu 4% vốn, tương đương 1,43 triệu cổ phiếu. Tổng cộng các cổ đông lớn nêu trên đang sở hữu hơn 29,7 triệu cổ phiếu VNZ. Còn lại 369 cổ đông nhỏ lẻ đang sở hữu hơn 6 triệu cổ phiếu, tương đương gần 21% vốn điều lệ công ty.
Giả sử các cổ đông lớn không bán ra thì ngay cả mấy trăm cổ đông nhỏ lẻ của VNG cũng đang đồng lòng “ghim” cổ phiếu để tạo ra khan hiếm nguồn cung.
Theo quy định, cứ 5 phiên tăng trần hay giảm sàn liên tiếp thì Sở giao dịch chứng khoán đều yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình. Hầu như kịch bản chung của tất cả doanh nghiệp niêm yết vừa qua cũng như VNG đều cho rằng giá cổ phiếu tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Công ty không có bất cứ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – nhận định trên thị trường, cũng có một số cổ phiếu mới niêm yết tăng giá liên tục do cổ đông cô đặc, số lượng cổ phiếu chủ yếu nằm trong tay các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ. Việc “ghim” hàng không bán tạo ra sự khan hiếm là một điều kiện để giá cổ phiếu tăng trần do cung ít hơn cầu. Theo quy định thì công ty chỉ giải trình và có thể sở giao dịch chứng khoán cũng chỉ theo dõi trong thời gian tới. Chỉ khi nào nhận thấy có dấu hiệu bất thường thì cơ quan quản lý nhà nước mới có động thái tiếp theo.
Ông Minh cho rằng lịch sử các trường hợp giá tăng trần liên tục nhưng thanh khoản không có như mã VNZ thì khi bắt đầu những phiên có giao dịch nhiều hơn mà nhà đầu tư vẫn đu theo mua vào thì rủi ro rất cao. Bởi cũng có thể cổ phiếu lại mất thanh khoản khi quay đầu điều chỉnh sẽ khiến người “đu đỉnh” bị thua lỗ nặng vì không thể thoát hàng.
Một chuyên gia chứng khoán khác phân tích thêm: Những doanh nghiệp có lượng nhà đầu tư cô đặc với số cổ phiếu nằm trong tay cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài quá ít thì mục tiêu lên sàn chứng khoán chủ yếu nghiêng về kịch bản đẩy giá để cho cổ đông lớn thoái vốn sau một thời gian dài nắm giữ. Chẳng hạn đối với VNG, những cổ đông lớn đã đầu tư khá lâu và muốn thoái vốn thì cũng sẽ tìm đối tác khác chủ yếu giao dịch thỏa thuận vì với giá cao ngất ngưỡng đó sẽ không thể nào bán khớp lênh trên sàn. Nhưng để đàm phán thoái vốnvẫn có lãi thì ít nhất giá cổ phiếu trên sàn cũng phải lên đến mức tương đương họ đã mua vào trước đó. Và có thể xem như đây là “cuộc chơi” của các nhà đầu tư lớn nên nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tránh xa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-hy-huu-co-phieu-vng-tang-tran-phien-thu-9-len-gan-12-trieu-dong-185230214143907938.htm