Tình trạng thiếu cát cho nhu cầu xây dựng dân dụng, đường sá và cơ sở hạ tầng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long. Chung quanh vấn đề này, Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long.
– Nhiều năm nghiên cứu vùng đất này, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cát hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long?
– Vấn đề cạn kiệt nguồn cát ở đồng bằng sông Cửu Long có hai nguyên nhân: do các đập thủy điện Mê Công chặn lại và do khai thác cát trên sông Mê Công.
Chúng ta hình dung sông Mê Công giống như một “băng chuyền” miệt mài vận chuyển phù sa, bùn cát về bồi đắp tạo nên đồng bằng sông Cửu Long trong mấy nghìn năm qua. Phù sa và cát được vận chuyển từ thượng nguồn về hạ lưu là nhờ năng lượng của dòng chảy trong mùa lũ hằng năm. Phù sa mịn (bùn) thì di chuyển trong nước, cát thì di chuyển ở đáy sông. Khi có đập chắn ngang sông thì dòng chảy bị mất năng lượng, một phần phù sa mịn bị lắng đọng trong lòng hồ. Khi nước phải đi qua một chuỗi càng nhiều đập thì càng nhiều phù sa bị giữ lại. Di chuyển dưới đáy sông nên khi có đập chắn ngang sông, toàn bộ lượng cát sẽ bị giữ lại.
Số liệu mô hình năm 2020 của Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC) cho biết, tải lượng phù sa mịn trung bình hằng năm của dòng sông này chỉ còn 49 triệu tấn. Các nghiên cứu khác cho rằng, khi tất cả các đập như dự kiến được xây dựng thì 96% phù sa mịn sẽ bị giữ lại, chỉ còn 4% về đồng bằng sông Cửu Long. Các nghiên cứu cũng cho thấy, 100% cát sẽ bị chặn lại và không có cách nào vượt qua được các đập thủy điện. Việc xả cát ở đáy đập chỉ làm thông vài km để turbine hoạt động, còn phần lớn cát đã bị lắng đọng ở đầu hồ chứa, cách đập khoảng 100km. Những năm gần đây, vẫn còn một số cát về đồng bằng sông Cửu Long là những lượng cát đã “khởi hành” rất lâu trong quá khứ, đã vượt qua vị trí các đập hiện nay nên còn tiếp tục di chuyển xuống. Lượng cát ở phía trên các đập sẽ không cách nào đi xuống được nữa. Do đó trong tương lai sẽ không còn cát về đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động khai thác cát diễn ra suốt dọc chiều dài sông Mê Công, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Theo tạp chí Mongabay, Bộ Mỏ và Năng lượng của Campuchia báo cáo đã khai thác 11,7 triệu tấn trong năm 2020 và 11,5 triệu tấn năm 2021. Theo WWF, từ năm 2018 đến năm 2020, khai thác cát ở nội tại đồng bằng sông Cửu Long là 17,77 triệu tấn/năm, vượt xa số lượng 6,18 triệu tấn cát trôi về đồng bằng mỗi năm. Sự thiếu hụt cát đã gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long.
– Trước tình hình cát ngày càng khan hiếm, ông có đề xuất giải pháp nào để có thể tiết kiệm cát ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay và trong tương lai?
– Có thể thấy rằng, trong tương lai cát sẽ ngày càng khan hiếm. Do đó, việc sử dụng cát cho hoạt động xây dựng dân dụng, đường sá, cơ sở hạ tầng sẽ phải thay đổi.
Việc đầu tiên cần phải thay đổi là quy hoạch đô thị. Trong bối cảnh sụt lún đồng bằng và khan hiếm cát thì việc sử dụng bê-tông nặng nề sẽ khó tiếp diễn. Quy hoạch nên chuyển sang hướng xây dựng ít phụ thuộc vào bê-tông và cát. Có thể áp dụng một số biện pháp để giảm lượng cát như áp dụng các Tiêu chuẩn Xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, giảm trọng lượng tòa nhà bằng thiết kế nhẹ, sử dụng vật liệu nhẹ, khung gỗ từ rừng trồng.
Hiện nay khi xây dựng một khu đô thị mới thì người ta bơm cát để san lấp toàn bộ một khu lớn. Cách làm này rất tốn cát và không thể áp dụng được trong tương lai khi nguồn cát không còn. Do đó, đối với các khu đô thị mới quy hoạch nên áp dụng nguyên tắc “cân bằng đào đắp”. Thay vì bơm cát để san lấp thì nên đào hệ thống kênh mương, ao hồ trong nội ô và dùng chính đất đào để san lấp. Làm như vậy sẽ giảm diện tích xây dựng và tạo được không gian đô thị thông thoáng. Hệ thống kênh mương, ao hồ trong nội ô, nhờ thế, sẽ tạo cảnh quan đẹp làm tăng giá trị của bất động sản lên nhiều lần. Hệ thống kênh mương này cũng giúp thoát nước, hấp thu nhiệt, điều hòa tiểu khí hậu cho đô thị.
Về xây dựng đường sá, trước đây khi làm đường ở đồng bằng sông Cửu Long người ta thường đào một hoặc hai con kênh song song hai bên đường và dùng đất đắp lên làm nền đường. Việc này tiết kiệm được rất nhiều cát san lấp mà còn tạo được môi trường nước thông thoáng. Đây là kinh nghiệm có thể nghiên cứu áp dụng.
Làm đường cao tốc trên cao thay cho đường cao tốc ở mặt đất có thể tiết kiệm được lượng cát rất lớn cho việc san lấp nền đường. Dù chi phí xây dựng ban đầu cao đối với phương án đường cao tốc trên cao nhưng nếu tính toán đầy đủ lợi ích cho vòng đời công trình, kể cả về kinh tế, xã hội, môi trường thì phương án làm đường cao tốc trên cao vượt trội so phương án làm đường cao tốc ở mặt đất. Ở những đoạn đi qua địa hình trũng thấp, làm đường cao tốc trên cao sẽ bảo đảm công trình tránh được bị ngập thường xuyên, cản trở lưu thông nước gây tù đọng, ô nhiễm.
Công trình khẩn cấp chống sạt lở kè bờ Vàm Đá Bạc góp phần bảo vệ đê. Ảnh: Nhật Minh |
– Vậy có nên khai thác cát biển làm nguồn vật liệu đắp nền và san lấp trong xây dựng đường sá và các công trình khác không, thưa ông?
– Thật ra ở đồng bằng sông Cửu Long “cát biển” chính là cát sông Mê Công mang ra biển. Trong mùa lũ, dòng chảy sông Mê Công tải về một lượng lớn bùn và cát. Một phần bùn cát ở lại trong đất liền (cát thì ở đáy sông) và một phần được mang ra biển để bồi đắp lấn dần ra biển.
Hiện nay Chính phủ có kế hoạch làm hệ thống đường cao tốc cho đồng bằng sông Cửu Long. Đây là việc có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ là cú huých cho sự phát triển kinh tế của đồng bằng. Tuy nhiên, chúng ta đang rơi vào thế rất khó vì thiếu cát san lấp để làm hệ thống đường này. Cát sông Mê Công thì sẽ không còn về nữa, vật liệu thay thế thì chưa có, nhưng khai thác cát biển, mà thực chất là cát sông mang ra, thì đồng nghĩa với làm ngưng quá trình kiến tạo đồng bằng và gia tăng sạt lở bờ biển.
Việc khai thác cát biển phục vụ cho làm đường cao tốc, nếu vẫn tiến hành thì nên được quan niệm là việc “chẳng đặng đừng”, không nên tạo ra tiền lệ cho rằng nguồn cát biển là dồi dào và có thể thoải mái khai thác mãi mãi.
– Vậy theo ông, đâu là biện pháp để khắc phục sạt lở ở châu thổ Cửu Long hiện nay?
– Trong tình hình này có thể thấy sạt lở sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Chúng ta sẽ không bao giờ đủ tiền để chạy theo sạt lở nếu cứ sạt lở lại xây bờ kè. Kinh phí nên được ưu tiên cho việc tái định cư, di dời người dân khỏi những vùng rủi ro sạt lở cao.
Người dân cần được cảnh báo kịp thời để di dời, tránh thiệt hại tính mạng và tài sản. Với phương tiện công nghệ hiện đại ngày nay, việc theo dõi, cập nhật biến động lòng sông là không khó. Vì vậy, các cơ quan cấp sở ở các tỉnh nên tổ chức chương trình theo dõi biến động lòng sông để cập nhật hằng tháng, kịp thời phát hiện những nơi chân bờ sông đã bị đứt ở bên dưới để cảnh báo và di dời người dân.
– Trân trọng cảm ơn ThS Nguyễn Hữu Thiện!
(Theo nhandan.vn)