Thế hệ thứ 2 và thứ 3 ở nhiều doanh nghiệp gia đình châu Á đang chuyển hướng từ con đường truyền thống của thế hệ trước sang các cơ hội đầu tư bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo đuổi các dự án kinh doanh của riêng mình
Abe Lim, 27 tuổi, người Malaysia, lớn lên trong hoàn cảnh khác xa với cha mình – người bỏ học khi còn là một thiếu niên để làm thợ cơ khí vì muốn giúp đỡ gia đình. Cha cô sau đó đã thành lập một doanh nghiệp sản xuất dầu nhờn, xà phòng và nước rửa chén. Ông sắp xếp Lim vào công ty làm việc với hy vọng cô sẽ lãnh đạo công việc kinh doanh của gia đình trong tương lai. Tuy nhiên, chủ nghĩa lý tưởng tuổi trẻ của Lim nhanh chóng xung đột với cách tiếp cận kinh doanh lấy lợi nhuận làm trung tâm của cha cô.
“Tôi muốn làm điều gì đó có tác động hơn. Công việc kinh doanh của cha tôi đi theo hướng truyền thống là tập trung vào lợi nhuận. Thay vì đặt lợi ích tài chính lên hàng đầu, tôi muốn ưu tiên tác động đến xã hội và môi trường. Đây là điều mới đối với thế hệ trước”, Lim nói.
Khi làm việc tại công ty, Lim đề xuất thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển để tìm hiểu việc chuyển đổi rác thải nhựa thành nhiên liệu sinh học. Mặc dù ban đầu cha cô ủng hộ ý tưởng nhưng khi phát hiện ra điều này không hiệu quả về mặt kinh tế, ông đã cho ngừng dự án. Lim không đồng tình với quan điểm của cha về vấn đề biến đổi khí hậu. Cuối cùng, Lim quyết định rời công ty và theo đuổi các dự án kinh doanh của riêng mình.
Lim khởi động dự án kinh doanh đầu tiên với hỗ trợ từ các “nhà đầu tư thiên thần” (người cung cấp nguồn vốn đầu tiên hoặc trong các giai đoạn bắt đầu hoạt động bởi họ tin tưởng vào ý tưởng, giải pháp và sản phẩm của một công ty khởi nghiệp). Cô hướng đến thị trường đồ nội thất đã qua sử dụng để giảm thiểu chất thải bằng cách thúc đẩy tái chế. Tuy nhiên, Lim không thể duy trì hoạt động của doanh nghiệp do thị trường này còn non trẻ. Năm 2021, Lim thành lập Goal Plastic, công ty chuyên tái chế nhựa thải thành đồ trang trí và các sản phẩm khác.
“Chúng tôi đã có lãi. Những đơn hàng lớn nhất là đơn đặt làm quà tặng của doanh nghiệp”, cô nói và bày tỏ hy vọng một ngày nào đó các doanh nghiệp sẽ ưu tiên môi trường hơn lợi nhuận. Lim cũng tin rằng, các biện pháp khuyến khích có thể thúc đẩy nhiều công ty theo đuổi các hoạt động bền vững.
Tháng 8/2023, Lim đã tham gia tranh cử ở bang Selangor, ủng hộ các chính sách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Dù không giành chiến thắng, cô ấp ủ kế hoạch sẽ trở lại “đường đua” trong tương lai.
Chất xúc tác cho sự thay đổi
Komal Sahu, Giám đốc tài chính bền vững tại AVPN, mạng lưới các nhà đầu tư xã hội lớn nhất ở châu Á, cho biết thế hệ trẻ đang định hình lại nhận thức của các chủ doanh nghiệp bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết của các công ty trong việc tạo ra tác động xã hội tích cực. Sahu nói: “Họ nhận ra rằng, sự giàu có của gia đình có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự chuyển đổi tích cực, giải quyết các nhu cầu xã hội ngoài phạm vi hỗ trợ của chính phủ”.
Theo Sahu, không phải lúc nào cũng có mâu thuẫn giữa cách nghĩ mới và cũ về kinh doanh. Trong một số trường hợp, các thế hệ đi trước là người khuyến khích những suy nghĩ táo bạo và đổi mới để đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp hoặc những nỗ lực từ thiện của họ. Đó là trường hợp của Marianna Lopez Vargas, 32 tuổi, người Philippines. Lopez Vargas là Giám đốc quan hệ đối tác của Trung tâm Oscar M Lopez, một quỹ nghiên cứu về biến đổi khí hậu có trụ sở tại Manila (Philippines) do ông cô, Oscar M Lopez, thành lập vào năm 2012.
Là “ông trùm” trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng và bất động sản, ông Oscar M Lopez thành lập trung tâm để đối phó với tình trạng thiếu kinh phí trong việc tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển các chiến lược thích ứng. Do lo ngại về biến đổi khí hậu, năm 2016, các doanh nghiệp của gia đình Lopez đã hoàn toàn thoái vốn khỏi các hoạt động sản xuất điện dựa vào than làm nguồn năng lượng chính, thay vào đó, chọn danh mục đầu tư tập trung vào năng lượng sạch và tái tạo.
Tập đoàn Lopez Holdings hiện không có dự án nhiệt điện than nào đang hoạt động hoặc đang được đề xuất. Danh mục năng lượng của công ty bao gồm khí đốt tự nhiên, thủy điện, năng lượng địa nhiệt và năng lượng mặt trời, mặc dù lãnh đạo công ty đã thừa nhận rằng việc chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo vẫn chưa thực tế do tính không liên tục của năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
“Vào thời điểm bấy giờ, điều đó khá tham vọng đối với một quốc gia đang phát triển như Philippines, vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển kinh tế”, Lopez Vargas nói. Cô tin rằng việc cắt giảm hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch có thể khả thi với các biện pháp khuyến khích phù hợp.
Nguồn: Al Jazeera