TPO – Tại lễ phát động triển khai học bạ số trong các trường phổ thông, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ thành công thí điểm học bạ số bậc tiểu học, năm học tới ngành triển khai ở bậc THPT. Học bạ số thuận lợi hơn cho phụ huynh, học sinh cũng như cho công tác quản lí.
Ngày 12/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ phát động triển khai học bạ số trong các trường phổ thông. Năm học 2023-2024, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học với gần 98% số trường tham gia thành công.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học vừa qua địa phương thí điểm triển khai học bạ số đối với 843 trường tiểu học cả trong và ngoài công lập. Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ hạ tầng lưu trữ, vận hành.
Các nhà trường trang bị đầy đủ máy tính kết nối mạng, có cán bộ vận hành hệ thống quản lí giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, để thực hiện phải tập huấn giáo viên tham gia.
Kết quả triển khai thí điểm học bạ số các trường tiểu học tính đến tháng 7/2024 đã đạt tỷ lệ 97,6% và là đơn vị dẫn đầu toàn quốc. Tỉ lệ còn lại là một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong hè, và sẽ hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung; một số học sinh trong các trường quốc tế, học sinh chưa được cha mẹ thực hiện cấp số định danh cá nhân.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ kết quả thí điểm học bạ số của cấp tiểu học, năm học 2024-2025 đơn vị sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các trường phổ thông trên địa bàn thành phố.
Các trường học được yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai học bạ số tại địa phương, nhà trường, trong đó có việc chuẩn bị điều kiện kĩ thuật, nhân sự, nguồn lực đảm bảo để triển khai.
“Quá trình triển khai cần kỹ lưỡng, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp quản lí, từng bước hoàn thiện mô hình quản lí phù hợp, đúng thẩm quyền, không để có kẽ hở về mặt pháp lí, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm”, Sở GD&ĐT yêu cầu.
Thuận lợi khi chuyển trường
Ông Trần Thế Cương cũng cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng trường học lớn, học sinh đông nên khi triển khai thí điểm học bạ số vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, ngành xác định, khó đến đâu, gỡ đến đó để quyết tâm “làm bằng được”.
Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi với Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT và các đơn vị liên quan để được hướng dẫn, tháo gỡ cho các thầy cô, nhà trường. Đến thời điểm này, những vấn đề liên quan đến chữ ký số của giáo viên là một trong những điều kiện triển khai.
Ngành giáo dục Hà Nội phát động triển khai học bạ số cấp học phổ thông ngày 12/8. |
Nhiều phụ huynh đã quan tâm tới việc khi toàn ngành triển khai học bạ số thì có còn sử dụng học bạ giấy hay không? Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng: “Rõ ràng, khi đã chuyển sang học bạ số thì học bạ giấy phải đơn giản để tránh phiền hà cho người dân, phụ huynh cũng như giảm áp lực sổ sách cho giáo viên. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn trong mọi trường hợp, phần mềm của ngành đều phải có lưu vết các dữ liệu để trong trường hợp có vấn đề xảy ra có thể so sánh, đối chứng. Khi triển khai học bạ số, ngành quan tâm và đặt vấn đề cần minh bạch, bảo mật thông tin, tránh để xảy ra hiện tượng làm sai lệch thông tin hoặc lợi ích nhóm.”, ông Cương nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị và quan tâm đầu tư hạ tầng dữ liệu đồng bộ.
Đẩy mạnh việc số hóa và kết nối dữ liệu; tập trung hướng đến “4 không” gồm: có họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng yêu cầu ngành giáo dục chú ý an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; sử dụng nguồn lực tối ưu và dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, triển khai học bạ số, cơ quan quản lí sẽ quản lí minh bạch, chặt chẽ, liên thông dữ liệu. Ngoài ra, việc không phải in học bạ giấy cũng tiết kiệm nguồn lực rất lớn. Hiện nay, nhiều địa phương mới chỉ triển khai được 50% số trường tiểu học, riêng Hà Nội có gần 98% đã có dữ liệu học bạ số.
Nguồn: https://tienphong.vn/chuyen-hoc-ba-so-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-phu-huynh-post1663054.tpo