STO – Cuối năm 2022, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã phối hợp với 33 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cử 56 phóng viên, biên tập viên tham gia chuyến công tác thăm và chúc Tết các nhà giàn DK1, Trạm 590, tàu trực và cơ quan dân chính đảng huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhân dịp xuân Quý Mão 2023. Kết thúc hải trình 15 ngày trên biển, có hàng trăm tác phẩm báo chí với nhiều thể loại khác nhau phản ánh đậm nét về chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ hải quân; tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Kỳ 1: Hải trình đầy thú vị
Đã hơn 5 tháng trôi qua, nhưng tôi không quên được trải nghiệm thực tế từ chuyến công tác trên biển. Cuối năm 2022, Báo Sóc Trăng cử 2 phóng viên tham gia cùng đoàn công tác của Vùng 2 Hải quân thăm, chúc Tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên biển và quân dân huyện Côn Đảo. Tôi cùng đồng nghiệp đã có chuyến hải trình thú vị với nhiều cung bậc cảm xúc.
Chuyến tác nghiệp nhiều ngày trên biển
Trong chuyến công tác trên biển, điều chúng tôi lo lắng đầu tiên là thực hiện bao nhiêu tác phẩm báo chí, thể loại nào, viết về cái gì… Khá nhiều đề tài manh nha trong đầu chúng tôi. Khi đến Vùng 2 Hải quân thì chúng tôi mới biết chính xác thời gian chuyến đi kéo dài đến 15 ngày, tôi và đồng nghiệp không biết có đủ sức khỏe để “vươn khơi” hay không. Trước khi đi, anh em trong đoàn cũng chia sẻ kinh nghiệm và mua một số vật dụng, thuốc, thực phẩm cần thiết để tránh say tàu và bảo quản máy ảnh, máy quay khi tác nghiệp. Chuyến đi của chúng tôi có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân và đội tàu Trường Sa 10 với hành trình hơn 700 hải lý, điểm dừng là 10 nhà giàn DK1.
Các nhà báo tác nghiệp, phỏng vấn về chuyến công tác của đoàn cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân. Ảnh: THẾ BẰNG
Thời gian di chuyển từ Cảng Lữ đoàn 171, thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đến nhà giàn đầu tiên mất hơn 30 tiếng đồng hồ. Các phóng viên, biên tập viên trên tàu lúc này cũng đã kết nối với nhau thành các nhóm, chia việc cho nhau. Tuy tác chiến độc lập nhưng những tư liệu thu được được chia sẻ với nhau để mỗi thành viên tham gia chuyến đi khai thác nhiều đề tài, góc nhìn khác nhau về hải trình và cuộc sống anh em công tác nơi biển, đảo, Nhà giàn DK1.
Hơn 2 ngày trên tàu, cánh phóng viên “nhắm mắt” chịu trận con tàu lúc nghiêng trái, khi nghiêng phải, thỉnh thoảng tưng lên, khiến không ít “nhà báo đất liền” biếng ăn, mệt nhoài vì say sóng. Nhưng khi Nhà giàn DK1 hiện ra, ai nấy đều mừng rỡ, nhanh chóng lấy “đồ nghề” ra tác nghiệp. Trước khi lên nhà giàn, buổi chiều hôm đó, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Hơn 30 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 – Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư để có mặt, làm nhiệm vụ trên biển với tinh thần nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.
Phóng viên Bùi Thanh Tùng (Báo Long An) chia sẻ cảm xúc: “Lần đầu tiên tham gia chuyến đi các nhà giàn chưa có kinh nghiệm đi biển nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, anh em trên đội tàu Trường Sa 10 và đồng nghiệp, em không lo lắng gì nhiều. Em rất muốn viết nhiều bài về hình ảnh đẹp của người lính nhà giàn, bình dị mà cao đẹp, ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.
Hạnh phúc khi đặt chân lên Nhà giàn DK1
Sáng hôm sau, thời tiết khá tốt nên hơn 25 phóng viên, biên tập viên đều được đưa lên nhà giàn. Tuy nhiên, để đặt chân lên đó, chúng tôi phải qua vài thử thách nữa. Chúng tôi rời tàu xuống xuồng, có đội xuồng hỗ trợ, đỡ từng người một xuống. Tiếp đó là chịu trận cảnh sóng “giỡn” với xuồng, nếu quan sát từ xa thấy y như chiếc xuồng bị sóng nuốt mất. Thế mà Đại úy Đinh Xuân Cảnh – Phó Thuyền trưởng tàu Trường Sa 10 mặt tỉnh queo, cứ lái xuồng nhẹ lướt đến gần nhà giàn. Nhiều anh em phóng viên cũng rất sợ nhưng tin vào Đại úy Cảnh nên ngồi yên, tay bám chặt vào xuồng chờ đợi đến nơi.
Đu dây để lên, xuống nhà giàn. Ảnh: THẾ BẰNG
Một hồi lặn hụp, xuồng cũng đến gần nhà giàn. Không phải đặt chân lên đó một cách bình thường mà chúng tôi phải ngồi trên miếng ván được buộc vào sợ dây nối với cần cẩu. Mỗi người được cần cẩu kéo lên, một số anh em nhà giàn kéo dây đón chúng tôi lên nhà. Tả thấy cũng đơn giản nhưng hãy tưởng tượng, ngồi trên miếng ván ấy, nếu sơ suất một cái là té nhào xuống biển và cũng không hợp với người sợ độ cao.
Chúng tôi lên nhà giàn trong sự cực nhọc của anh em đội xuồng và nhà giàn. Nhưng không ai than mệt cả. Họ chào đón chúng tôi bằng nụ cười và cái bắt tay thân mật. Khi đặt chân lên nơi sinh sống và làm việc của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, tôi dừng lại hít thở không khí và phóng tầm mắt ra ngoài biển lớn, cảm thấy niềm hạnh phúc tràn vào, sau nhiều năm mơ ước, không phải lỗi hẹn với nhà giàn, cuối cùng đã đặt chân đến đây. Và tôi được mắt thấy, tai nghe về cuộc sống của anh em nơi đây, người thật, việc thật.
Tôi ấn tượng nhất là Trung tá Phan Công Phụng – Chính trị viên Nhà giàn DK1/9. Anh người miền Tây, ở tận An Giang, công tác trên biển nên lâu rồi anh không có về quê ăn Tết. Thấy hoàn cảnh mình nên anh thấu hiểu hoàn cảnh mọi người cùng công tác, mỗi dịp cuối năm, anh đều lên kế hoạch để làm sao anh em xa nhà vẫn có cái Tết đầy đủ hương vị. Nhiều năm gắn bó trên nhà giàn, anh xem nơi đây là “căn nhà” thứ 2 của mình. Và cũng như bao nhiêu thế hệ đi trước, anh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cho dù chịu nhiều gian khổ, chất lính nhà giàn đã thấm sâu vào người.
Trong 10 nhà giàn đoàn đi qua, thành viên đoàn chỉ lên được 4 nhà giàn, đây cũng là khá nhiều so với các năm khác. 6 nhà giàn còn lại do thời tiết bất lợi, đoàn chỉ chúc Tết qua loa phóng thanh, tặng quà qua dây. Chứng kiến giây phút đó, một số nhà báo trong đoàn không kìm được xúc động. Nhà báo Nông Thị Vui (Báo Bắc Kạn) nghẹn ngào: “Tôi rất tiếc nuối, bởi chỉ cách vài trăm mét thôi nhưng không được trực tiếp mang tình cảm, hơi ấm từ đất liền đến với các anh mà chỉ có thể chúc Tết qua loa phóng thanh. Trong chuyến đi này, tôi dự định, nếu trưởng đoàn đồng ý tôi đều đăng ký lên nhà giàn. Tuy gặp khó khăn nhưng khi gặp các anh, điều đó không còn là vấn đề nữa”.
Chuyến đi đã để lại cho tôi và các đồng nghiệp nhiều kỷ niệm. Và đây là chuyến đi mà cá nhân tôi luôn mong muốn được tham gia. Hơn những gì tôi đã tưởng tượng – 15 ngày trên biển với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi biết thêm nhiều điều bổ ích, học hỏi nhiều kinh nghiệm. Và càng thêm yêu công việc của mình hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng, để có được tác phẩm hay, chất, thì nhà báo phải đi, trải nghiệm nhiều. Tuy điều kiện tác nghiệp có sự khó khăn, vất vả nhưng sẽ thu về “quả ngọt”.
THẾ BẰNG
(Còn tiếp)