Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định, việc xác lập, khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữ vai trò quan trọng và là mục tiêu then chốt đối với sự phát triển của Viện Hàn lâm.

Lễ ký kết Chuyển giao Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2558 giữa Viện Công nghệ sinh học và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Mặt trời đỏ. 

Hằng năm, Viện Công nghệ sinh học đều đặn có bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích mới được cấp (khoảng từ 6 đến 12 bằng độc quyền mỗi năm). Điều này cho thấy phương hướng chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học, đã tạo điều kiện, khuyến khích và có những cơ chế phù hợp thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ tại đơn vị ngày một phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 2558 có nguồn gốc từ nhiệm vụ phát triển công nghệ cấp Viện Hàn lâm “Hoàn thiện chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu”, thực hiện năm 2021-2023.

PGS, TS Phí Quyết Tiến, Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học phát biểu tại buổi lễ. 

PGS, TS Phí Quyết Tiến, Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, việc hợp tác giữa hai đơn vị về việc chuyển giao Quyền sở hữu công nghiệp Giải pháp hữu ích sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chế phẩm xử lý xăng, dầu ra thị trường, khẳng định khả năng thương mại các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng và giải quyết một cách hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học tại đơn vị, tạo động lực để các nhà khoa học thêm nhiệt huyết, hứng khởi để đạt những dấu ấn mới trong sự nghiệp nghiên cứu và phát triển các công trình khoa học của mình.

Tin, ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.