Chuyên gia Quản Diêu trong một chương trình bình luận của Đài truyền hình Thâm Quyến. (Ảnh: Sina.com.cn)
Theo ông Quản Diêu, trong ngoại giao cấp cao, ý nghĩa và tín hiệu từ những chuyến thăm đầu tiên luôn được quan tâm đặc biệt. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cho thấy sự coi trọng cao độ đối với phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
Trong ngoại giao cấp cao, ý nghĩa và tín hiệu từ những chuyến thăm đầu tiên luôn được quan tâm đặc biệt. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cho thấy sự coi trọng cao độ đối với phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
Chuyên gia Quản Diêu, nhà bình luận cao cấp của Đài truyền hình Thâm Quyến (Trung Quốc)
Nhấn mạnh chuyến thăm đã tiếp nối truyền thống ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc, chuyên gia Quản Diêu nhắc lại chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc tiếp đón sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi tái cử trong nhiệm kỳ mới. Cuối năm ngoái, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Hà Nội, hai bên đạt được nhận thức chung về việc chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Đây là định vị mới, đưa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nước lên tầm cao chiến lược mới. Do vậy, trong chuyến thăm lần này, việc làm sao để thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược đi vào chiều sâu, lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ đạt được những nhận thức mới nào, đề ra những “thiết kế thượng tầng” nào và đưa những lĩnh vực hợp tác nào đi vào chiều sâu, thiết thực, là những tiêu điểm được dư luận quan tâm và chờ đợi.
Nói về những lĩnh vực tiềm năng, có dư địa hợp tác rộng mở giữa hai nước, ông Quản Diêu đánh giá, Trung Quốc liên tiếp nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ sáu trên thế giới của Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Do vậy, hợp tác về kinh tế với chiều sâu hơn, nhằm tích tụ động lực và tạo ra lợi ích thiết thực cho cả hai bên sẽ là một nội dung trọng tâm được hai bên thảo luận, trong đó đáng chú ý nhất là hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, kinh tế số và kết nối hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông xuyên biên giới.
Hợp tác về kinh tế với chiều sâu hơn, nhằm tích tụ động lực và tạo ra lợi ích thiết thực cho cả hai bên sẽ là một nội dung trọng tâm được hai bên thảo luận, trong đó đáng chú ý nhất là hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, kinh tế số và kết nối hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông xuyên biên giới.
Cũng theo nhà bình luận của Đài truyền hình Thâm Quyến, trong quá trình xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai, hai nước Trung Quốc và Việt Nam không né tránh những vấn đề tồn tại, trong đó có vấn đề trên biển; nhấn mạnh việc kiểm soát thỏa đáng các bất đồng để mở rộng nền tảng nhận thức chung, tìm kiếm những giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Thông qua chuyến thăm cấp cao lần này, những trao đổi chiến lược và định hướng thượng tầng của lãnh đạo cao nhất của hai bên cũng sẽ phát đi tín hiệu rõ nét cho những vấn đề này.
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/chuyen-gia-trung-quoc-phan-tich-y-nghia-chuyen-tham-dau-tien-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tren-cuong-vi-moi-post825563.html