Tiến sĩ kinh tế Alexey Fadeyev, Phó Chủ tịch Hội đồng công cộng thuộc Ủy ban các vấn đề Bắc Cực của thành phố St. Petersburg, ngày 10/10 cho biết, Mỹ lo ngại về năng lực ngày càng tăng của Nga ở Bắc Cực, xem khu vực này như điểm nóng tiềm năng cho các cuộc đối đầu địa chính trị và các hoạt động quân sự, nhưng khó có thể xảy ra một cuộc xung đột quân sự công khai.
Linh Nga tuần tra tại căn cứ trên đảo Kotelny, Vòng Bắc Cực. (Nguồn: Getty) |
Địa bàn chiến lược mới
Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2023 đã công bố chiến lược Bắc Cực mới. Theo Lầu Năm Góc, bản cập nhật này xuất phát từ những thay đổi trong địa chính trị và việc Bắc Cực đang trở thành điểm “cạnh tranh quyền lực chiến lược”.
Chiến lược nêu rõ, “Mỹ phải sẵn sàng đối phó với thách thức này cùng với các đồng minh và đối tác”. Canada cũng thông báo về kế hoạch thành lập một liên minh an ninh Bắc Cực với các nước Bắc Âu.
Theo ông Fadeyev, Mỹ đã thông qua nhiều chiến lược Bắc Cực, tất cả đều mang tính chất quân sự. Washington lo ngại về sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc tại đây, cho rằng có thể gây ra mối đe dọa với Mỹ cùng các đồng minh.
Lính dù Mỹ trong cuộc tập trận Deadhorse năm 2015 ở khu vực Alaska. (Nguồn: Quân đội Mỹ) |
“Bộ Quốc phòng Mỹ bổ sung khu vực Bắc Cực vào danh sách các mặt trận quân sự tiềm năng, bên cạnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi”, ông Fadeyev nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng Bắc Cực luôn được xem là khu vực hợp tác hơn là đối đầu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ và các đồng minh NATO thường xuyên tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong khu vực, triển khai các đơn vị quân sự mới ở Bắc Cực, tăng cường chuyến bay trinh sát.
Ngoài ra, các tàu ngầm chiến lược mang theo cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường có độ chính xác cao đã tuần tra ở Bắc Cực.
Trong bối cảnh “hoạt động của Mỹ, Canada và Đan Mạch vượt quá thời Chiến tranh Lạnh”, các quốc gia Bắc Cực đã nhanh chóng nâng cấp lực lượng vũ trang, thực hiện một số nhiệm vụ nhất định trong khu vực.
Ông Fadeyev khẳng định tình hình ở Bắc Cực trở nên phức tạp hơn do thiếu các cơ chế an ninh quốc tế hiệu quả, cũng như sự tham gia tích cực của các quốc gia không thuộc khu vực.
“Hoạt động quân sự cũng gia tăng trên quần đảo Spitzbergen, vốn là nơi có trạm đo lường kết nối với hệ thống của NATO. Ở các vùng nước xung quanh quần đảo này, máy bay chiến đấu của NATO đã tiến hành diễn tập trong điều kiện của vùng cực Bắc”, chuyên gia Nga cho hay.
Rủi ro xung đột
Theo ông Fadeyev, những động thái trên dấy lên mối lo ngại và làm tăng nhu cầu phản ứng, nhưng khó có khả năng gây ra một cuộc xung đột quân sự công khai.
Ông cho biết, Nga hiện có những lợi thế không phải bàn cãi về mặt địa lý, kinh tế và quân sự ở tại khu vực này, sở hữu hơn một nửa lãnh thổ thềm lục địa Bắc Cực, có các đội tàu phá băng và tàu phương Bắc, tích cực phát triển tuyến đường biển phương Bắc.
Nga đã thực hiện kịp thời nhiều biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích địa chính trị của mình ở các vĩ độ cao. Đặc biệt, việc phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng tại các cảng biển và tuyến đường vận tải trong vùng nước của tuyến đường biển phương Bắc, cũng như thành lập trụ sở hoạt động hàng hải để quản lý vận tải biển.
“Việc nâng cao hiệu quả kinh tế của tuyến đường biển phương Bắc có thể mang lại cho Nga một trong những lợi thế quan trọng ở cuộc cạnh tranh địa chính trị này, trong bối cảnh rủi ro cao về quân sự và vận tải từ cả hai phía của kênh đào Suez”, ông Fadeyev nhận định.
Ngoài logistics, Moscow cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và các cơ sở hoạt động tại những khu vực vĩ độ cao, trang bị cho lực lượng vũ trang vũ khí và thiết bị đặc biệt để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của vùng cực Bắc, đồng thời duy trì sự hiện diện của Nga ở một số khu vực, đặc biệt là quần đảo Spitzbergen.
Tuy nhiên, ông Fadeyev cho rằng, các chương trình nâng cấp lực lượng vũ trang của Nga và tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, mặc dù các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang “thấp thỏm” vì điều ấy.
“Một trong những điểm nổi bật của Nga tại Bắc Cực là khả năng hợp tác. Đây cũng là nơi đã thực hiện nhiều dự án cung cấp năng lượng với các đối tác nước ngoài và các sáng kiến quốc tế mang tính chiến lược mới. Tôi mong rằng Bắc Cực tiếp tục giữ vị thế là khu vực hợp tác thay vì đối đầu về kinh tế và quân sự”, chuyên gia Nga nhấn mạnh.
Tựu trung, Bắc Cực đang ngày càng trở thành tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị, đặc biệt giữa hai siêu cường Nga-Mỹ. Dù việc Washington cùng các đồng minh NATO lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Nga trong khu vực có nguy cơ khiến xung đột gia tăng, nhưng một cuộc đụng độ trực tiếp vẫn khó xảy ra. Moscow có những lợi thế đáng kể về địa lý, kinh tế, và quân sự tại Bắc Cực và việc phát triển tuyến đường biển Bắc được xem là chiến lược quan trọng để củng cố vị thế của Nga. Tuy nhiên, cả hai “ông lớn” đều mong muốn Bắc Cực sẽ vẫn là lãnh thổ của hợp tác hơn là đối đầu.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-tiet-lo-loi-ich-chien-luoc-nga-my-o-bac-cuc-tam-diem-canh-tranh-moi-cua-cac-sieu-cuong-289650.html