Chuyện gia tăng tỷ lệ nội địa hóa từ những doanh nghiệp đầu tàu
Vingroup, Thaco là những đầu tàu dẫn dắt doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng phụ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, trong bối cảnh các ngành công nghiệp trọng điểm như linh kiện điện tử, ô tô… đều có tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp ngoại.
Khó khăn trong nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Sản xuất, chế tạo ô tô, xe máy là ngành có tỷ lệ nội địa hóa ngày càng nâng cao, nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, vẫn chưa đạt yêu cầu. Đơn cử, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp, mục tiêu đề ra là 30 – 40% vào năm 2020; 40 – 45% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030, nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Một doanh nghiệp FDI lớn có thể đi kèm 10 – 20 doanh nghiệp FDI nhỏ trong chuỗi cung ứng. Đây chính là phân khúc cực kỳ tiềm năng mà chúng ta cần hướng đến trong hút đầu tư.
Tương tự là nền tảng của ngành công nghiệp. Mặc dù một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử từ đầu năm 2024 đến nay tăng trưởng khá tốt như bộ nguồn cấp điện liên tục (UPS) dùng cho các thiết bị xử lý dữ liệu tự động, máy phụ trợ và thiết bị viễn thông tăng 23,3%; bộ phận của máy tính, máy tính tiền, máy đóng dấu miễn cước bưu phí, máy bán vé và các máy tương tự, có gắn với bộ phận tính toán (trừ máy bán hàng, máy ATM và các máy tương tự), tăng 8,37%…
Nhưng theo thống kê của Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử của Việt Nam hiện chỉ khoảng 5-10%.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng điện tử có tiếng toàn cầu, bà Lê Thị Mỹ Loan, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH Sharp Manufacturing Vietnam (Sharp Việt Nam) chia sẻ, hiện có nhiều linh kiện, thiết bị mà doanh nghiệp trong nước chưa thể cung ứng cho Sharp, nên thương hiệu này dù có nhà máy tại Việt Nam, nhưng phải nhập tới 50% linh kiện phụ trợ từ nước khác.
“Có nhiều mặt hàng linh kiện chưa tìm được nhà cung ứng tại Việt Nam như dây điện, bạc nhựa có in logo thương hiệu… nên phải đặt hàng từ phía Trung Quốc, Thái Lan. Ba tiêu chí lựa chọn nhà cung ứng là chất lượng, giá thành và thời gian giao hàng nhanh chóng, nhưng hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi, thì nhiều đơn hàng tại Việt Nam lại có tiến độ khá chậm”, bà Loan nói.
Ngoài ra, nói về bất lợi của các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu tại Việt Nam, đại diện Sharp cho rằng, bên cạnh yếu thế về chất lượng, thì hiện Việt Nam có nhiều sản phẩm linh kiện không làm kịp tiến độ theo đơn đặt hàng của Sharp. Ví dụ, một khuôn ép làm tại Thái Lan, Trung Quốc chỉ mất 40 ngày, thì ở Việt Nam phải tốn tới 60 ngày.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như dệt may, da giày (đạt 45-50%), cơ khí chế tạo (đạt hơn 30%). Tuy nhiên, Bộ trưởng Diên cũng nhìn nhận, do đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ và xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi, nên thực tế triển khai các chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ còn nhiều khó khăn.
Cơ hội từ các doanh nghiệp đầu tàu
Theo số liệu từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cho thấy, còn quá ít doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ nội địa đủ năng lực “chen chân” vào các chuỗi cung ứng, thậm chí ngay tại sân nhà.
Trong khi, hiện nay còn rất nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước đang có nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng nguyên vật liệu phụ trợ từ Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và dịch vụ KCN Việt Nam nhận định, trong một chuỗi cung ứng, đi cạnh những “ông lớn” FDI, là các nhà đầu tư nhỏ có nhiều tiềm năng, nhất là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
“Một doanh nghiệp FDI lớn có thể đi kèm 10 – 20 doanh nghiệp FDI nhỏ trong chuỗi cung ứng. Đây chính là phân khúc cực kỳ tiềm năng mà chúng ta cần hướng đến trong hút đầu tư. Đó là chưa kể, khi Việt Nam tích cực phát triển mảng công nghiệp phụ trợ, thì việc hút đầu tư từ các doanh nghiệp này cũng phù hợp với xu thế”, ông Trương Khắc Nguyên Minh lý giải.
Tính tới thời điểm cuối năm 2023, bà Lê Thị Mỹ Loan cho hay, Sharp Việt Nam chỉ sử dụng tỷ lệ nội địa 50% từ nguồn cung ứng linh kiện bởi các doanh nghiệp trong nước; 50% còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan.
Vì thế, Sharp đang hướng đến tìm nhà cung cấp sản phẩm ép nhựa, cũng như tất cả linh kiện để lắp ráp lại thành máy lọc không khí. Với áp lực về giá thành, thời gian giao hàng, đơn vị này mong muốn tìm nhà cung ứng vừa có thể ép nhựa, vừa có thể làm khuôn nhằm cạnh tranh về giá và cạnh tranh thị trường quốc tế.
Việc chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, cộng với nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng ngày càng cao, không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu trong nước, bởi thị phần này còn dư địa rất lớn.
Đáng nói, Việt Nam đã có một vài doanh nghiệp lớn đi đầu trong nâng cao tỷ lệ nội địa hóa như VinFast và THACO, khi liên tục đầu tư, tăng sản xuất cung ứng nguyên liệu, linh kiện phụ tùng.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước mới đây, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup cho biết, riêng VinFast có tỷ lệ nội địa hoá trên 50%; đến hết năm 2026, tỷ lệ này sẽ tăng lên 80%. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ làm công nghiệp phụ trợ.
“Kiến nghị Chính phủ cho cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia, tiếp cận chuỗi công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng”, ông Vượng đề xuất.
Theo ông chủ Vingroup, VinFast hiện đạt 80.000 xe/năm, mục tiêu đến năm 2025 là 200.000 xe, vượt ngưỡng mà các doanh nghiệp hỗ trợ có thể kinh doanh có lãi. Vì thế, doanh nghiệp này sẵn sàng bao tiêu một phần linh kiện ô tô từ các nhà cung ứng phụ trợ khác, mở ra cơ hội thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ phát triển như kỳ vọng.
Ngoài VinFast, Tập đoàn THACO cũng là đơn vị có nhiều tâm huyết trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa bằng cách đầu tư xây trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN.
Nhằm thực hiện nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Bình Dương – một địa phương trọng điểm công nghiệp ở phía Nam, đang xúc tiến nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để Công ty THACO Industries sớm xây dựng Khu công nghiệp Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ, với vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) trên địa bàn trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO cho biết, tham gia vào ngành ô tô, THACO có mục tiêu trở thành Trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng xe quốc tế tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu ra các khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại đã có.
Theo hướng này, THACO đang tập trung làm công nghiệp hỗ trợ để sản xuất ra các bộ phận như khung vỏ, nội ngoại thất cùng các thiết bị điện tử cũng như áp dụng các nền tảng số về thông minh, an toàn. Tất cả nỗ lực này là để nhằm giảm giá thành và người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy vậy, thực tế sụt giảm về doanh số bán ô tô gần đây cũng khiến kế hoạch đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ được ông Dương cho là “có những khó khăn nhất định”.
Mặc dù vậy, THACO vẫn kiên định con đường đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ của mình. Trong năm 2024, THACO đang đầu tư thêm 7 nhà máy và sang năm 2025 sẽ đầu tư thêm 3 nhà máy nữa để sản xuất được tất cả các linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có lợi thế cũng như không có sự thay đổi nhiều về công nghệ. Điều này cũng giúp tăng tỷ lệ nội địa hoá của xe con lên 45%.
Hiện THACO đã bán được các linh phụ kiện cho các nhà sản xuất ô tô đang có tại Việt Nam gồm Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu với giá trị khoảng 13 triệu USD.
Với lợi thế đi sớm về cơ khí và đang tiếp tục đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, ông Dương cũng cho hay, sang năm, đóng góp từ công nghiệp hỗ trợ trong hoạt động tổng thể của THACO sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại. Cạnh đó, Chủ tịch HĐQT THACO cũng bày tỏ mong muốn, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được Chính phủ quan tâm nhiều hơn vì hiện nay chưa có chiến lược phát triển ngành đi kèm các cơ chế chính sách, bởi muốn thu hút nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ thì đòi hỏi phải có sản lượng và công nghệ.
Thực tế, theo Bộ Công thương, dù tốc độ có chậm, nhưng cũng có nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thời gian qua, như trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo, máy sấy là do các doanh nghiệp trong nước chế tạo đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đã được xuất khẩu đi các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi.
Với sự quyết tâm của các doanh nghiệp đầu tàu như Vingroup, THACO, cùng các chính sách, cơ chế ngày càng hoàn thiện. Đồng thời, sự gia nhập, cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI có cơ sở tại Việt Nam, kỳ vọng mở ra bức tranh tươi sáng cho ngành công nghiệp phụ trợ, cũng như rút ngắn thời gian nâng tỷ lệ nội địa hóa Việt Nam lên vị thế cao hơn.
Nguồn: https://baodautu.vn/chuyen-gia-tang-ty-le-noi-dia-hoa-tu-nhung-doanh-nghiep-dau-tau-d226155.html