Trường cấm, trường không, vì sao?
Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các quốc gia Đông Nam Á tại Việt Nam (SEAMEO RETRAC) hôm 25.9 tổ chức diễn đàn giáo dục có chủ đề “Định hướng lãnh đạo và quản lý vì tương lai phát triển giáo dục”. Chia sẻ tại sự kiện, ông Lee Yan Kheng, Giám đốc phát triển chuyên môn chi nhánh 1, Học viện Nhà giáo (Bộ Giáo dục Singapore), đưa ra một số ý kiến về việc cấm học sinh dùng điện thoại di động.
Theo ông Lee Yan Kheng, Bộ Giáo dục Singapore không quy định một chính sách chung buộc tất cả các trường phải tuân thủ theo. Thay vào đó, cơ quan này tôn trọng quyền tự chủ của nhà trường nên chính hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên sẽ cùng hội ý và ra quyết định. Như vậy, việc nên hay không cấm học sinh dùng điện thoại di động phụ thuộc vào từng trường, không có “mẫu số chung”.
“Thực tế cho thấy một số trường yêu cầu học sinh bỏ điện thoại vào tủ khóa, cấm dùng trong giờ học nhưng lại cho phép các bạn tự do sử dụng trong giờ giải lao hoặc sau giờ học. Song cũng có đơn vị xem điện thoại di động là một công cụ học tập do đó cho phép các em dùng trong tiết học mà không hạn chế gì”, quan chức của Bộ Giáo dục Singapore thông tin.
Thực tế trên cũng là nguyên nhân ông Lee Yan Kheng nhìn nhận trước khi ra quyết định cấm hay cho dùng điện thoại di động, các bên liên quan cần tự hỏi mình, “Vì sao chúng ta không muốn học trò dùng điện thoại khi các em đang học trên lớp?”. Việc tìm lời giải hợp lý cho câu hỏi này là vô cùng quan trọng, từ đó mới có thể thuyết phục các bên liên quan tin tưởng và thực thi hiệu quả.
Trước đó, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã ra quy định cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học, một số thậm chí áp dụng trong cả giờ ra chơi, ăn bán trú, nghỉ trưa. Động thái này diễn ra ở cả khu vực công và tư, cả những trường vùng ven cũng như các trường sở hữu điểm chuẩn cao hàng đầu. Sự quyết liệt này lập tức được phụ huynh ủng hộ, cho rằng đây là điều cần làm khi hại nhiều hơn lợi trong bối cảnh giáo dục Việt Nam.
Trường học dạy học sinh sử dụng thiết bị di động một cách có trách nhiệm
Trong một thông cáo chính thức, Bộ Giáo dục Singapore nhấn mạnh cơ quan này không ban hành lệnh cấm hoàn toàn, thay vào đó đưa ra hướng dẫn để các trường tự xây dựng quy định về việc sử dụng điện thoại di động tùy theo nhu cầu và đặc điểm của học sinh. Theo Bộ này, dù có nghiên cứu cho thấy điện thoại ảnh hưởng xấu đến việc học, nhưng cũng có nghiên cứu chỉ ra nếu dùng đúng cách, điện thoại có thể trở thành công cụ học tập hữu ích.
“Điện thoại di động có ảnh hưởng tốt hay xấu đến việc học tùy thuộc vào cách sử dụng. Do đó, các trường đang dạy học sinh sử dụng thiết bị di động một cách có trách nhiệm cả trong, ngoài trường học. Qua các bài học về an toàn mạng (CW), học sinh được dạy cách chịu trách nhiệm về sức khỏe trực tuyến. Các em cũng được dạy cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người lớn đáng tin cậy khi cần thiết”, văn bản nêu.
Trả lời tờ The Straits Times hôm 17.8, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Singapore cho biết thêm các trường học tại nước này có những quy tắc, thói quen riêng để quản lý việc học sinh dùng điện thoại trong giờ học chính khóa. Các biện pháp này bao gồm việc bố trí những nơi cất giữ điện thoại riêng trong lớp học hoặc tại văn phòng, hay giới hạn sử dụng ở những khu vực, thời gian cụ thể, như trong giờ ra chơi, sau giờ học hoặc ở sảnh.
Nền giáo dục kỹ thuật số
Cũng liên quan đến vấn đề công nghệ, ông Lee Yan Kheng nhấn mạnh trường học phải là nơi giúp học sinh đủ khả năng phát triển trong thế giới VUCA (viết tắt cho những từ tiếng Anh mang nghĩa: biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ). Do đó, ngoài kiến thức phổ thông, các trường phải chú trọng xây dựng các năng lực thế kỷ 21 cho học trò, nhất là tư duy thích ứng, tư duy sáng chế, kỹ năng giao tiếp và kiến thức về con người.
Trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại, phụ huynh muốn gửi con để ‘cai nghiện’
“Để bổ trợ cho mục tiêu này, từ năm 2020, học sinh phổ thông tại Singapore có thể linh hoạt lựa chọn môn học phù hợp với điểm mạnh, sở thích, nhu cầu. Riêng với câu chuyện công nghệ, vấn đề chính không phải là anh chọn dùng cái này hay cái kia, mà là lan tỏa việc ứng dụng công nghệ trong đa dạng hoạt động. Trong đó, giáo viên chính là đội ngũ được quan tâm đầu tiên, sau đó mới đến học sinh”, ông Lee Yan Kheng chia sẻ.
Tiến xa hơn trong ứng dụng công nghệ, Malaysia hiện vận hành chính sách giáo dục kỹ thuật số (DEP) trong nhà trường. Chính sách này dựa trên hai chương trình nghị sự quan trọng là kế hoạch tổng thể về nền kinh tế số (MyDigital) và chính sách quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR), với định hướng đưa Malaysia trở thành quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số.
“Một trong những sáng kiến quan trọng thuộc DEP là triển khai các lớp học kết hợp kỹ thuật số thông minh nhằm tạo ra không gian học tập linh hoạt và có tính tương tác. Các lớp học này được trang bị công nghệ thông minh như bảng tương tác, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, cho phép giáo viên giảng bài trực tiếp lẫn trực tuyến”, ông Ab Aziz bin Mamat, Viện trưởng Viện Aminuddin Baki (Bộ Giáo dục Malaysia), chia sẻ.
Tương tự Singapore, ông Ab Aziz bin Mamat cũng nhấn mạnh giáo viên, ban giám hiệu phải được đào tạo bài bản nếu nhà trường muốn áp dụng công nghệ hiệu quả trong lớp học. Tại Malaysia, đội ngũ này được tham gia chương trình đào tạo với nhiều hoạt động, từ phổ cập chính sách DEP, hướng dẫn dùng nền tảng DELIMA chuyên về học tập, quản trị trực tuyến và tìm hiểu cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhà trường.
Sáng 25 và 26.9, Trung tâm SEAMEO RETRAC cũng tổ chức phiên họp Hội đồng quản trị lần thứ 27 với sự tham gia của các viên chức cấp cao, chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục các nước thành viên SEAMEO. Phiên họp nhằm rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của trung tâm trong năm tài chính 2023 – 2024, tiếp thu những ý kiến đóng góp, định hướng phát triển trung tâm trong những năm tiếp theo
Nguồn: https://thanhnien.vn/cam-hoc-sinh-dung-dien-thoai-di-dong-o-truong-hoc-chuyen-gia-singapore-khuyen-gi-185240926085202195.htm