(Dân trí) – Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia Steve Darby và Bae Ji Won cho rằng bóng đá Việt Nam cần thay đổi sau vụ 5 cầu thủ sử dụng ma túy, đồng thời nhấn mạnh Quang Hải cần sang Nhật thi đấu.
Bóng đá Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy biến động. Sau thất bại của triều đại HLV Philippe Troussier, hàng loạt cầu thủ vướng vào vòng lao lý vì sử dụng ma túy, trong đó có cả Quả bóng vàng và tuyển thủ U23. Trước đó không lâu, hồi tháng 2, 5 cầu thủ khác bị khởi tố vì tội đánh bạc vì cố tình đá dưới sức để dàn xếp tỉ số.
Những nốt trầm này khiến người hâm mộ phần nào mất niềm tin vào cầu thủ và nền bóng đá nước nhà, đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về đời sống sa đọa của một bộ phận cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ trẻ.
Đối thoại cùng phóng viên Dân trí, hai chuyên gia lão làng Steve Darby và Bae Ji Won đã đưa ra những góc nhìn sâu rộng, đa chiều về mọi vấn đề.
Đầu tiên, trả lời phỏng vấn Dân trí về hành vi bán độ của cầu thủ Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyên gia kỳ cựu Steve Darby đưa ra góc nhìn: “Câu hỏi đầu tiên là tại sao những cầu thủ này dàn xếp tỷ số? Vì lòng tham hay có thể lực nào đe dọa không?
Nếu chỉ vì tham tiền thì nên treo giò vĩnh viễn, bóng đá không cần những cầu thủ như thế. Tuy nhiên, nếu có sự đe dọa nào nhắm vào cầu thủ thì phải xem xét vấn đề thật kỹ lưỡng. Ngoài ra, cần phải hỏi các cầu thủ được CLB trả lương đúng kỳ hạn không.
Tại Malaysia có hiện tượng nhà cái cố tình lợi dụng cầu thủ trẻ khi phát hiện những cầu thủ này không được trả lương. Hãy thử hỏi, một cầu thủ phải làm gì để nuôi sống gia đình nếu 3 tháng không được trả lương.
Và rồi trước cảnh con cái nheo nhóc, bỗng nhà cái xuất hiện cùng cục tiền bằng 4 tháng lương kèm đề nghị nhận thẻ đỏ hoặc phản lưới. Đó là vấn đề chẳng dễ gì giải quyết”.
Về việc cầu thủ sử dụng ma túy, ông Darby ủng hộ sự quyết liệt và chặt chẽ của chính quyền Việt Nam trong việc cấm ma túy. “So với nhiều quốc gia châu Âu (với một số nước cho phép sử dụng cần sa), tôi tin quy định của đất nước các bạn là điều tốt hơn nhiều”, cựu HLV đội tuyển Thái Lan chia sẻ.
“Vấn đề ma túy không riêng gì cầu thủ Việt Nam. Nhiều quốc gia vấp phải vấn đề tương tự. Tại Anh, việc tiếp cận ma túy còn dễ dàng hơn và cầu thủ dễ bị cám dỗ vì sở hữu thu nhập cực cao.
Ngoài ma túy, bóng đá Anh từng gặp vấn nạn lớn về việc nghiện rượu của các cầu thủ, nhưng tệ nạn này dần được loại trừ nhờ nỗ lực giáo dục và chuyên nghiệp hóa”, ông tiếp tục.
Nhấn mạnh vào vấn đề giáo dục, chuyên gia Darby cho biết: “Điều quan trọng là được giáo dục ngay từ khi còn nhỏ. Các Học viện bóng đá trẻ tại Anh có chương trình giáo dục lối sống, nơi những cầu thủ 13 tuổi được dạy về những gì nên ăn, nên uống và những gì không nên làm, chẳng hạn như dính líu đến ma túy hoặc cơ bản.
“Giáo dục cực kỳ hiệu quả!”, vị chiến lược gia kỳ cựu người Anh quả quyết. “Sẽ chẳng bao giờ có giá trị tuyệt đối vì chúng ta là con người, chúng ta luôn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội, bạn bè thậm chí người thân trong gia đình. Tuy nhiên, CLB phải có nghĩa vụ đạo đức trong chăm sóc cầu thủ và đảm bảo kinh tế cho họ”.
Cứ mỗi khi bóng đá Việt Nam xảy ra bê bối dàn xếp tỷ số, gần như ngay lập tức mọi cổ động viên đều liên tưởng ngay đến đại án Bacolod năm 2005 tại Philippines. Một lứa cầu thủ tài năng của U23 Việt Nam bị loại bỏ vào thời điểm này.
Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, chúng ta giành chức vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, so về quy mô, bóng đá Hàn Quốc từng trải qua vụ bê bối dàn xếp tỷ số và cuộc đại phẫu lớn hơn nhiều.
Đó là giai đoạn cuối thập niên 2000 và đầu 2010. Tổ chức cá cược thể thao bất hợp pháp cùng băng nhóm tội phạm thâm nhập vào bóng đá Hàn Quốc theo nhiều hướng. Bằng những mồi nhử tinh vi, các băng đảng dần thao túng các cầu thủ để tiến hành dàn xếp tỷ số.
“Đến ngày khác, thủ thành của một CLB tự sát và vụ án bán độ được xới lên”, chuyên gia Bae Ji Won nhớ lại. “Ngày 21/5/2011, cảnh sát triệu tập các cầu thủ và nhà môi giới bị tình nghi dàn xếp tỷ số tại K-League để tiến hành điều tra. Rất đông cầu thủ chơi bóng tại K-League bị gọi lên thẩm vấn và khai nhận từng bán độ. Đó là cú sốc cực lớn.
Ban tổ chức K-League đã phải triệu tập toàn bộ các CLB và cầu thủ tham dự giải để tổ chức hội thảo nhằm triệt phá nạn dàn xếp tỉ số và chuẩn bị phương án ứng phó. Tại hội thảo, toàn bộ cầu thủ, lãnh đội phải cam kết ngăn chặn nạn làm độ. Ngoài ra, K-League còn phối hợp với cảnh sát để ấn định thời hạn khai báo.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cũng có buổi làm việc cùng Chủ tịch các CLB tại K-League và lãnh đạo K-League. Tại cuộc họp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc quyết định cấm thi đấu vĩnh viễn các cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số có hệ thống, cố tình và ác ý.
Tổng cộng 59 cầu thủ bị cơ quan công tố bắt giữ hoặc truy tố không giam giữ. Con số này chiếm khoảng 9% số lượng cầu thủ đăng ký tham dự K-League 2011. 47 trong số 59 cầu thủ này bị treo giò dài hạn hoặc cấm thi đấu vĩnh viễn. Một số còn bị cấm tham gia hoạt động bóng đá, tức là không thể trở thành trợ lý hay HLV.
Đó là giai đoạn đen tối của bóng đá Hàn Quốc. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để bóng đá Hàn Quốc tái tạo, đưa ra hệ thống giáo dục và quản lý mới. Nhờ vậy, chúng tôi đã tìm được hướng đi đúng đắn. Kết quả là bóng đá Hàn Quốc gặt hái thành công và ngày càng vươn tới đẳng cấp châu Âu trong nhiều năm trở lại đây”.
Một vấn đề khác của lứa cầu thủ U23 Việt Nam tham dự giải U23 châu Á vừa qua là non kinh nghiệm. Nguyên nhân phần nào đến từ việc ít có cơ hội ra sân tại sân chơi trong nước. Đưa ra kiến giải cho vấn đề này, chuyên gia Steve Darby cho biết:
“Nếu muốn có đội tuyển quốc gia mạnh, điều quan trọng là những cầu thủ tiềm năng cần được ra sân thường xuyên. Năm 2000, Malaysia từng cấm cầu thủ nước ngoài thi đấu trong 2 năm và xuất hiện 2 cầu thủ tài năng hàng đầu đất nước này (Khalid Jamlus và Indraputra).
Tất nhiên không cần phải cực đoan như thế. Đơn giản hơn, tôi nghĩ điều quan trọng phải sử dụng ít ngoại binh nhưng chất lượng. Cầu thủ nước ngoài phải có trình độ cao hơn cầu thủ trong nước, thu hút được người hâm mộ quan tâm và là hình mẫu chuyên nghiệp cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Nếu ngoại binh không đáp ứng được những tiêu chí trên thì chiêu mộ chỉ phí tiền.
Ngoài ra, tôi nhận thấy ở V-League có nhiều ngoại binh chất lượng kém đến từ các quốc gia không có nền giáo dục tốt. Thế nên, tốt nhất chỉ nên hạn chế 2 ngoại binh mỗi đội và phải có giới hạn lương cho từng cầu thủ nước ngoài để CLB phải cân, đo, đong, đếm kỹ lưỡng trong việc tuyển lựa”.
Trong khi đó, chuyên gia Bae Ji Won cho rằng việc cầu thủ trẻ ít có cơ hội ra sân một phần còn vì nhiều CLB không có hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ ổn định và thậm chí thiếu tầm nhìn cho tương lai. “Thay vì chỉ trích hậu quả từ việc cầu thủ trẻ đi chệch hướng, cần cùng nhau tìm ra giải pháp”, ông nhấn mạnh.
Và cựu trợ lý của HLV Park Hang Seo đưa ra kiến giải: “Điều quan trọng nữa là các tập đoàn lớn đang thúc đẩy kinh tế Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc thúc đẩy sự phát triển của bóng đá và V-League. Viettel chính là tấm gương sáng cần noi theo”.
Cuối cùng, xung quanh vấn đề tương lai của Nguyễn Quang Hải, tài năng sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây, ông Bae Ji Won khẳng định: “Tôi luôn hết lòng khuyến khích cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.
Đặc biệt kinh nghiệm chinh chiến tại nước ngoài đối với cầu thủ như Quang Hải là nguồn lực quan trọng trong tương lai cho đội tuyển quốc gia”.
Quang Hải từng sang Pháp khoác áo Pau FC nhưng không thành công. Ngoài ra, nhiều cầu thủ Việt Nam khác đã và đang nhạt nhòa khi ra nước ngoài thi đấu.
Cho dù vậy, cựu trợ lý HLV Park đưa ra quan điểm: “Công Phượng đã có vài cơ hội xuất ngoại và vẫn đang chơi bóng tại Nhật Bản, dù không để lại ấn tượng. Tuy nhiên, kinh nghiệm và vấp váp của cậu ấy rất xứng đáng cho tương lai phát triển của đội tuyển Việt Nam.
“Nếu cầu thủ Việt Nam tiếp tục chấp nhận thử thách thì dần dần họ sẽ có thêm cơ hội và khả năng thành công cao hơn”, ông Bae Ji Won đánh giá.
Đồng quan điểm, chuyên gia Darby kết luận: “Tôi khuyến khích và tôn trọng Quang Hải cùng nỗ lực sang Nhật Bản thi đấu. Tôi hy vọng chuyến xuất ngoại sẽ có tác động tích cực đến cậu ấy.
Sự nghiệp cầu thủ chỉ xảy ra một lần và rất ngắn, vậy nên hãy cố gắng để chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất có thể. Kể cả thất bại, cậu ấy vẫn trở về trong phiên bản mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn và hy vọng là giỏi hơn so với chính mình trước khi xuất ngoại”.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Quang Hải quá ồn ào, thậm chí ầm ĩ, nhưng không thu được kết quả vì chọn sai hướng đi. Tuy nhiên, nếu lần này Hải “con” quyết định sang Nhật Bản, áp lực ít hơn, môi trường phù hợp hơn và trình độ tương xứng hơn.
Đó là những cơ sở để cầu thủ này gieo mầm cơ hội cho những chuyến xuất ngoại của cầu thủ khác lẫn hy vọng hồi sinh cho bóng đá Việt Nam.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-thao/chuyen-gia-quoc-te-ke-ca-that-bai-quang-hai-nen-sang-nhat-ban-thi-dau-20240522161334172.htm