Trong thời gian qua, Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê được Chính phủ rất quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách và sự đầu tư quan trọng để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê nằm ở cực Tây-Nam Việt Nam, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; cách thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) 40km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) 40km về hướng Tây Nam.
Nơi đây này có khoảng 40 di chỉ văn hóa thuộc các loại hình di tích kiến trúc tôn giáo, di tích mộ táng, di chỉ cư trú… đã được phát hiện, thám sát, khai quật từ đầu những năm 1940 đến nay.
Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê có tổng diện tích bảo vệ 433,2 ha, chia ra Khu A ở sườn và chân núi Ba Thê (143,9 ha), Khu B ở cánh đồng Óc Eo (289,3 ha). Ở khu A có một số di tích tiêu biểu đã khai quật, bảo tồn như: Trong khu vực chùa Linh Sơn, Nam Linh Sơn Tự, Linh Sơn Bắc, Gò Cây Me (Gò Sáu Thuận), Gò Út Trạnh, Gò Sáu Thàng. Khu B có Di tích Gò Cây Thị, Gò Óc Eo, Gò Giồng Cát.
Theo Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê là một quần thể của các di tích khảo cổ học, chứa đựng những di tồn văn minh vật chất về một đô thị cổ và trung tâm tôn giáo của Vương quốc Phù Nam xưa.
Những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về Óc Eo – Ba Thê suốt mấy chục năm qua cho thấy, ở thời kỳ Phù Nam – khu vực này đã từng phát triển một cách rực rỡ, là một trung tâm thương mại và giao lưu quốc tế quan trọng trên biển, kết nối buôn bán và giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia cổ đại khác.