Chia sẻ với Thanh Niên ngày 28.5, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết ngày 30.5, 2 chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam để giám sát các lô vải thiều xuất khẩu.
Chuyên gia của MAFF sẽ có mặt tại cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu tại Bắc Giang và Hải Dương. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn nghỉ, thù lao trong thời gian làm việc tại Việt Nam sẽ do các doanh nghiệp chi trả theo quy định của phía Nhật Bản.
Cũng theo yêu cầu của MAFF, vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32 g/m³ trong 2 giờ, đảm bảo loại bỏ toàn bộ vi sinh vật, hóa chất (nếu có) tồn dư.
Trong thời gian xử lý, các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản và Việt Nam sẽ giám sát và đóng dấu chứng nhận cho từng lô hàng.
Tháng 12.2019, Nhật Bản cho phép nhập khẩu vải tươi của Việt Nam, sau 5 năm Bộ NN-PTNT và MAFF thỏa thuận và thống nhất các điều kiện kiểm dịch, xử lý vải.
Tháng 6.2020, Nhật Bản lần đầu tiên cử chuyên gia sang Việt Nam chứng nhận vải thiều xuất khẩu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuyên gia Nhật Bản đã đến Việt Nam bằng máy bay chở vật tư y tế, không phải cách ly để làm việc tại xưởng chế biến vải thiều xuất khẩu.
Vải mất mùa, giá tăng
Ghi nhận từ phía các doanh nghiệp, do các vùng vải ở Bắc Giang, Hải Dương đều mất mùa nên năm nay giá vải tăng so với năm 2023, nhưng vẫn có nhiều đơn hàng từ Nhật, EU, Mỹ…
Theo khảo sát, giá vải xuất khẩu vải các doanh nghiệp Việt Nam đã ký khoảng 8 USD/kg đối với thị trường Nhật Bản, 15 USD/kg đối với Mỹ, 10 USD/kg đối với Pháp, 6 – 6,5 USD/kg đối với Úc.
Để giám sát chất lượng ở các vùng trồng vải xuất khẩu, trong tháng 5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang đã lấy ngẫu nhiên 17 mẫu vải tươi gửi xét nghiệm, kết quả đều bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Trong tháng 6, đơn vị này tiếp tục lấy 50 mẫu để kiểm định chất lượng.
Bà Đỗ Linh Nhâm, Phó giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (tại H.Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết năm nay doanh nghiệp này đã ký hợp đồng xuất khẩu 100 tấn vải tươi sang châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Doanh nghiệp này cũng đã ký hợp đồng mua 500 tấn vải để đóng hộp và xuất khẩu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, địa phương này đã được cấp 221 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu, với trên 17.700 ha (hơn 50% diện tích). Trong đó, thị trường Trung Quốc nhiều nhất với 129 mã; Nhật Bản có 38 mã; Mỹ có 17 mã; Thái Lan 19 mã và Úc có 18 mã…
Tại Hải Dương, vải thiều được trồng chủ yếu tại H.Thanh Hà, địa phương này có 198 mã số vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu gồm 66 mã xuất khẩu đi Trung Quốc; 45 mã xuất khẩu đi Úc; 41 mã xuất khẩu đi Mỹ; 38 mã xuất khẩu đi Nhật Bản, 8 mã xuất khẩu đi Thái Lan.
Giá vải xuất khẩu năm nay được các doanh nghiệp thu mua từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 – 2 lần năm 2023. Tại Hải Dương, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng nhận thu mua vải thiều cho cả giai đoạn 2024 – 2030 với mức giá từ 32.000 – 35.000 đồng/kg.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-gia-nhat-ban-sap-sang-viet-nam-kiem-dinh-vai-thieu-xuat-khau-185240528110137362.htm