Theo ông Andrea Coppola, để nâng cao chuỗi giá trị các ngành công nghiệp, công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ đại học, kỹ năng chuyên sâu và bằng cấp về STEM.
Cần nhiều nhân lực
Đại diện Ngân hàng Thế giới nhận định Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch khá tham vọng liên quan việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao. Chính sách này mở ra con đường mới trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đáp ứng các mục tiêu thực hiện tham vọng cho ngành bán dẫn của Việt Nam.
“Cam kết tích cực cũng như mục tiêu thực hiện tham vọng này khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế cũng như các công ty bán dẫn. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là phát triển nguồn nhân lực phải dựa trên nhu cầu và phải liên kết đến những nhu cầu về kỹ năng hiện nay và tương lai” – TS Andrea Coppola nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nguồn cung nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ cho các ngành công nghiệp công nghệ và thiếu kỹ sư thiết kế chip.
Ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi tỉ lệ cao hơn lao động có trình độ đại học và được đào tạo trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), có thể gấp đôi so với các ngành nghề khác.
Tầm quan trọng để có thể dịch chuyển lên điểm cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua giáo dục đại học và trên đại học, cũng như các kỹ năng chuyên sâu liên quan STEM. Ông Andrea cho biết thêm: “Ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ đại học và được đào tạo trong các lĩnh vực STEM.
Trong đó, với giáo dục đại học, tỉ lệ người có bằng đại học/cao đẳng cao gấp đôi so với mức trung bình của nền kinh tế (23,4% và 13%). Các lĩnh vực STEM số lượng lao động có bằng STEM cao gấp 3 – 4 lần so với mức trung bình (17,1% và 5,6%)”.
Mở rộng đào tạo, tăng đầu tư nghiên cứu
Các chuyên gia quốc tế nhìn nhận mục tiêu của Việt Nam từ nay về sau là chuyển dịch từ lắp ráp với giá trị gia tăng thấp đến những công việc có giá trị gia tăng cao. Nhu cầu về nhân lực kỹ năng cao tăng rất mạnh mẽ nên cần phải tìm cách đáp ứng.
Khi đào tạo 30.000 kỹ sư nhân lực công nghệ cao, 15.000 trong số đó là kỹ sư thiết kế chip, sẽ có nhiều thách thức cần giải quyết khi phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Hệ sinh thái công nghiệp mới này ở Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khởi so với các quốc gia khác và tập trung hơi nhiều vào việc lắp ráp, đóng gói, kiểm thử truyền thống. Điều này sẽ tác động đến nhu cầu nguồn nhân lực có thể thiết kế được chip trong ngắn hạn.
Đặc biệt, rào cản về phía cung ứng để tăng nguồn cung nhân lực thiết kế chip giỏi là việc đào tạo dài hạn và tốn kém: 90% bằng kỹ sư 5 năm và/hoặc bằng thạc sĩ, 10% bằng tiến sĩ, với việc nâng cao kỹ năng thường xuyên…
TS Andrea Coppola đã đưa ra khuyến nghị các giải pháp bao gồm sự cam kết nguồn cung từ các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực STEM, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Theo đó, các ưu tiên phát triển kỹ năng hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, trước hết cần xây dựng nguồn cung mạnh các nhà khoa học và kỹ sư trình độ cao. Cần có cam kết bền vững và lâu dài vì xây dựng nguồn nhân lực này đòi hỏi nguồn cung ổn định và đáng kể từ giáo dục đại học, sau đại học và đào tạo thực tế. Đồng thời cần mở rộng nguồn cung và giải quyết vấn đề chi phí.
Cần đảm bảo đầu tư vào giáo dục đại học, giải quyết vấn đề khả năng chi trả của người học, phải vừa túi tiền. Cần tăng cường sự hỗ trợ cộng đồng để khuyến khích các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động…
Thay đổi cơ cấu lực lượng lao động
Ngoài ra, theo TS Andrea Coppola, chuyển đổi công việc sang các hoạt động có giá trị cao hơn đòi hỏi thay đổi cơ cấu lực lượng lao động. Ngay cả các ngành công nghệ cao, khoảng 75% lao động chuyên môn thấp với trình độ trung học không thuộc STEM và thấp hơn đang được tuyển dụng vào các hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng thấp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chuyen-gia-ngan-hang-the-gioi-nganh-cong-nghe-cao-can-nhieu-nhan-luc-stem-20241001085917907.htm